Giá xe giảm theo thuế 2018, đừng ngủ mơ
Còn 6 tháng nữa thuế nhập khẩu ôtô từ ASEAN buộc giảm xuống còn 0% (1/1/2018). Giá xe được nhẩm tính sẽ rẻ hơn tới 20% nữa. Và khách hàng cả nước đang có vẻ ì ra chờ xe rẻ để mua. Nhưng thực chất bài toán thuế của Việt Nam không “dễ thương” như vậy. Chờ chỉ có “hố”! Xe nhập không rẻ đi tất cả, thậm chí còn tăng và xe lắp trong nước lại càng không rẻ thêm.
Cho tới ngày 1/1/2018 đúng lộ trình trong Hiệp định thương mại tự do AFTA dành cho các nước trong ASEAN, thuế nhập khẩu ôtô từ những thị trường trong khu vực này sẽ giảm xuống từ 30% còn 0%. Vậy nếu hiểu đơn giản thì 6 tháng nữa xe nhập từ các nước Asean phổ biến như Thái, Malai, Indo.. vào Việt Nam sẽ rẻ thêm khoảng 20% giá!? Và người tiêu dùng thông thái bắt đầu nhịn và hoãn mọi công việc liên quan đến phương tiện để chờ mua xe rẻ. Nhưng bài toán thuế thực chất không đơn giản như vậy. Khoản thu ngân sách từ thuế đánh vào xe hơi đối với Việt Nam là phần thu không hề nhỏ trong các hạng mục thu vốn đang ngày càng khó của chính phủ. Vì thế không phải đến hạn là xe nào cũng rẻ, xe nhập không rẻ mà xe trong nước lại càng không rẻ hơn. Đừng vội mừng!
Xe nhập hạng sang mong giảm thêm giá ở đâu
Trong phân khúc xe nhập, hiệp định đã chỉ rõ rằng chỉ những loại xe được sản xuất ở ASEAN, có tỉ lệ nội khối từ 40% trở lên mới được xét bỏ thuế. Vậy nên ở Việt Nam đừng mơ những hạng xe hạng sang như Audi, Merc, BMW, Ford, GM, Nissan vốn nhập từ Âu, Mỹ sẽ rẻ. Còn những xe nhập Asean tầm trung phổ biến hiện nay như Toyota Fortuner, Ford Everest, Mitsubishi, Suzuki, Honda…v.v thì cũng không phải xe nào cũng đủ 40% tỉ lệ nội địa hóa trong khối để mà được miễn thuế. Hơn nữa do tác động của thị trường mua xe “nằm chờ”, mà các hãng xe từ xe sang cho tới xe hạng trung đều đã buộc phải đua nhau tung khuyến mại giảm giá trong 2 tháng nay để bán hàng. Mức giảm từ vài chục triệu cho tới cả 150 triệu đồng, giảm tới 15% giá. Mức giảm này được coi là giảm đón trước và giảm cắt lãi để đối phó với tình trạng ế. Nên thực tế là nếu đến hạn thuế thì xe nhập cũng không rẻ thêm nhiều nữa, vì sẽ chẳng có hãng nào chịu kinh doanh kiểu từ thiện! Chưa kể đã manh nha những dự thảo của nhà quản lý nhằm kéo lại nguồn thu ngân sách vì thất thu do bỏ thuế. Ví dụ như thông tin sẽ thay đổi mức thuế ưu tiên xe bán tải, đánh thuế như xe du lịch bình thường!
Mazda CX-5 nhà vô địch phong trào giảm giá đến chết!
Đó là với xe nhập, còn với xe lắp ráp trong nước thì lại càng không trông mong gì giá rẻ mạnh được. Lí do đơn giản là xe nội địa không liên quan đến hiệp định. Mà với khách Việt tỉ lệ xe được mua và sử dụng nhiều nhất ở Việt Nam đa phần là các mẫu xe lắp ráp trong nước (CKD) hạng trung tầm giá trên dưới 600 triệu đồng. Mà các mẫu xe CKD này chỉ chịu các loại thuế gồm như thuế nhập khẩu linh kiện, thuế tiêu thụ đặc biệt (SCT), và thuế giá trị gia tăng (VAT). Trong đó thuế tiêu thụ đặc biệt là nặng nhất, bị đánh từ 40%-150% giá bán tùy dung tích động cơ.
Xe du lịch trong nước đừng mơ rẻ nữa
Mà nếu như thuế tiêu thụ đặc biệt (SCT) có được giảm vào năm 2018 như đề xuất hỗ trợ với xe nội địa (CKD) của Bộ Công thương. Đề xuất này là không đánh thuế SCT với phần nội địa hóa của ôtô. Thì cũng không hy vọng giảm giá nhiều cho xe lắp ráp trong nước, vìcác mẫu xe CKD trong nước hiện tại tỉ lệ nội địa hóa bình quân chỉ từ 7% -> 10%, nếu mức giảm thuế SCT là 5% thì giá chỉ rẻ được bằng vài món quà khuyến mại. Ví dụ nếu một xe du lịch lắp ráp trong nước có mức giá khoảng 600 triệu, chịu thuế tiêu thụ đặc biệt 40%, nếu giảm thuế thêm 5% thì giá xe còn 579 triệu. Tức là chỉ rẻ hơn 21 triệu, trong khi giá thật ở đại lý hiện tại nhiều xe còn giảm đến gấp đôi khoản này. Vì thế xe nhập có rẻ đi thì chỉ bởi vì phải khuyến mại do bị vạ lây với tình trạng tâm lý ế hàng. Chứ không phải vì cái thuế 2018 kia mà họ sẽ giảm!
Bảng tính giá sau giảm thuế tiêu thụ đặc biệt minh họa với xe CKD giá khoảng 600 triệu đồng như sau:
Giá bán buôn (370 triệu đồng) + Thuế TTĐB (40% x 370 = 148 triệu đồng) + Thuế VAT/Đại lý (82 triệu đồng) = Giá bán lẻ (600 triệu đồng). Khi giảm thuế SCT 5% thì giá xe còn: Giá bán buôn (370 triệu đồng) + Thuế TTĐB sẽ là (35% x 370 = 129 triệu đồng) + Thuế VAT/ Chi phí bán hàng của đại lý (80 triệu đồng) = Giá bán lẻ (579 triệu đồng). Giảm 21 triệu đồng.
Chính vì vậy, khi thuế nhập khẩu ôtô từ ASEAN về 0% vài tháng tới, những chiếc xe CKD dạng “ước mơ” của mọi nhà kiểu như Toyota Vios, Nissan Sunny, Mazda3, Ford Fiesta hay Honda City chẳng có lí do gì để giảm giá. Trừ những khoản khuyến mại để dỗ người mua bớt tâm lý chờ mong xe rẻ. Mà khoản khuyến mại này đang được các hãng đua nhau đến chạm đáy trong giai đoạn nhạy cảm này. Đến lúc qua giờ G của thuế, việc đã rồi cộng với tâm lý xe Tết, không biết chừng đám đông hết kiên nhẫn chờ đợi lại bắt đầu “lẻn” chen nhau ôm tiền mua xe. Khi đó chuyện cắn răng thêm tiền để được cọc xe là đương nhiên. Vậy nên trước một nguồn thu lớn như vậy, chuyện ô tô Việt sắp rẻ "thối" là chuyện đừng có mơ. Bao lâu nay đám đông người Việt vốn rất khôn.. nhưng thường không lại với trời!