Ford quyết biến Thái Lan thành bàn đạp chiếm lĩnh thị trường Đông Nam Á
Các nhà máy của Ford Motor ở Thái Lan có khả năng sẽ tăng công suất gấp 8 lần hiện nay. Điều này cho thấy Ford đang quyết tâm dùng Thái Lan làm cánh cổng chiếm lĩnh thị trường Đông Nam Á - đang được coi là bộ đệm êm ái cho nhiều hãng xe hơi đang gặp khó khăn ở châu Âu. Với sự giúp đỡ từ Chính phủ Thái Lan, hãng tuyên bố sẽ không để xảy ra tình trạng thừa cung như ở các nước châu Âu, đẩy Ford vào cảnh bấp bênh khi lượng tiêu thụ thấp vì thắt lưng buộc bụng.
Ford, cùng với các hãng xe hơi Nhật Bản, đã sớm nhìn thấy Đông Nam Á chính là liều thuốc tạm thời làm cản bước tốc độ trượt dài ở thị trường châu Âu. Hãng cho biết kế hoạch mở rộng công suất ở Thái Lan là một phần trong kế hoạch thúc đẩy tăng trưởng doanh số của Ford trong khu vực. Ford tuyên bố đã sẵn sàng tham gia chương trình ưu đãi cho những mẫu xe nhỏ, tiết kiệm năng lượng ở Thái Lan. Tuy nhiên, Ford cũng phải chuẩn bị một lực lượng hùng hậu để đối phó với General Motors, vốn có ưu thế với dòng xe mini Chevrolet Spark đang gây được ấn tượng khá tốt ở nhiều quốc gia, trong đó có Việt Nam nhờ sự tiện dụng ở những nơi chật hẹp cũng như mức giá khá cạnh tranh.
Vivek Vaidya – nhà phân tích ôtô tại Frost & Sullivan ở Singapore – cho biết: Trong vài năm tới, Đông Nam Á sẽ trở thành một thị trường quan trọng. Nhưng các hãng xe hơi Nhật Bản đã làm rất tốt khi chiếm khoảng 80% thị phần ở đây, do đó, nếu các hãng khác muốn tăng cường ảnh hưởng là không hề dễ dàng.
Theo LMC Automotive, Ford, nổi tiếng với dòng compact Focus và pickup Ranger, hiện mới chỉ đứng thứ 8 ở thị trường Thái Lan với 4% thị phần. Khoảng 40% trong số đó là nhờ vào dòng xe bán tải có khả năng chuyên chở mọi thứ từ thiết bị máy móc cho đến việc trở thành phương tiện thuận lợi cho một gia đình nhỏ đi lại. Tuy vậy, ông Vaidya nhận định xu hướng tiêu dùng ở Thái Lan vẫn đặc biệt hướng đến các mẫu xe nhỏ nhờ ưu thế về giá cũng như chi phí vận hành thấp hơn so với dòng bán tải.
Thị trường subcompact đang phát triển khá nhanh và là một phân khúc lớn của ngành công nghiệp ôtô. Người mua xe đang nhanh chóng trở nên có ý thức “kinh tế nhiên liệu” và “khí thải carbon” hơn. Theo IHS, subcompact, bao gồm cả những mẫu thân thiện với môi trường, chiếm đến hơn một nửa lượng tiêu thụ dòng xe nhỏ gia đình ở Thái Lan hồi năm ngoái. Thị phần xe sinh thái có thể tăng từ 19% năm 2012 lên 29% vào năm 2016. Chuyên gia phân tích Jessada Thongpak ở IHS nhận định: Người tiêu dùng chắc chắn sẽ hướng về những mẫu xe nhỏ tiết kiệm nhiên liệu. Do đó, Ford quyết tâm thúc đẩy sự hiện diện của mình trong dòng xe sinh thái ở Thái Lan, đặc biệt khi chính quyền đang có chương trình ưu đãi về thuế phí cho phân khúc này. Theo Thongpak, Ford có thể sẽ giới thiệu mẫu xe Ka dài 3,6m, động cơ 1.2 lít hay chiếc Figo 1.2 lít đã thành công khi tiến vào Ấn Độ. Hoặc hãng cũng có thể tạo ra một mẫu xe mới hẳn.
Theo định nghĩa ở Thái Lan, xe sinh thái là mẫu xe có thể đi trên 20km (12 dặm) trên một lít nhiên liệu, không thải quá 120gr khí CO2 trên mỗi km vận hành cùng với nhiều tiêu chuẩn khác, bao gồm cả tiêu chuẩn an toàn. Chiếu theo đó, các nhà sản xuất phải đầu tư ít nhất 5 tỷ baht (khoảng 168 triệu USD) cho cả dây chuyền lắp ráp cũng như sản xuất động cơ và linh kiện.
Thông cáo từ Ủy ban Đầu tư Thái Lan cho biết từ năm 2007, các hãng xe hơi đã được hưởng ưu đãi từ mức thuế thu nhập doanh nghiệp, thuế nhập khẩu máy móc thiết bị, cũng như giảm đến 90% thuế nhập khẩu nguyên liệu và linh kiện thành phẩm. Do đó, từ những chiếc hatchback của Nissan đến Swift của Suzuki, và rồi Honda, Mitsubishi và Toyota tham gia chương trình này.
Nhưng tin tức từ tờ Bangkok Post cho hay, Chính phủ Thái Lan có thể sẽ mở rộng chương trình này để đáp ứng mục tiêu sản xuất được 3 triệu xe vào năm 2017, so với 2 triệu đã đạt được năm vừa qua. Vaidya tỏ ra lạc quan vào rằng lợi ích sẽ đến với cả hai bên. Hãng sản xuất được nhận sự hỗ trợ, đổi lại Chính phủ có các khoản đầu tư, doanh thu và tăng trưởng việc làm.
Ford EcoSport có thiết kế trẻ trung với nhiều công nghệ thông minh, phù hợp với giao thông đô thị cũng sẽ có mặt ở Việt Nam
Xe “xanh” làm ra ở Thái Lan cũng có thể được xuất khẩu miễn phí sang Indonesia, với dân số 250 triệu người, chiếm 40% dân số toàn bộ khu vực Đông Nam Á, có mức tăng trưởng kinh tế nhanh chóng . Song Alan Mulally - CEO của Ford - tuyên bố không có ý định sản xuất ở Indonesia. Điều này có thể xuất phát từ quyết định tăng lương tối thiểu ở Indonesia đã khiến nhiều doanh nghiệp nhỏ phải sa thải, thà đi nhập hàng từ bên ngoài còn rẻ hơn tự sản xuất, ngay cả các doanh nghiệp lớn cũng đang rất chật vật.
Tuy nhiên, nếu chính phủ Thái Lan không có dự định trên thì theo kế hoạch, sự ưu đãi này sẽ kết thúc vào năm 2015. Michael Dunne - Chủ tịch công ty nghiên cứu lĩnh vực ôtô Dunne & Co. có trụ sở ở Hong Kong - nhận định: Các hãng xe đang gấp rút chạy đua trước khi sự ưu đãi chấm dứt. Nhưng nếu quá xông xáo vào một sản phẩm cụ thể thì khi chính sách thay đổi, tất các hãng sẽ phải chịu tổn thất tài chính không nhỏ.
Trái ngược với Ford, GM lại tỏ ra hờ hững với dự án xe “xanh” này. Martin Apfel – Chủ tịch khu vực Đông Nam Á của GM – tuyên bố trong một email: “Chúng tôi không thấy có lý do gì để tiếp tục hay mở lại các chương trình của chính phủ có thể bóp méo khả năng cạnh tranh trong phân khúc xe nhỏ hay tạo ra thứ nhu cầu “ảo”. Chúng tôi tin vào nguyên tắc ‘chiếc xe tốt nhất sẽ giành chiến thắng’ trong điều kiện càng ít có sự can thiệp từ bên ngoài thì càng tốt.”
Thế nhưng, GM và Ford chỉ chung đụng 9% thị trường Thái Lan, rất khiêm tốn nếu đem so với các thương hiệu Nhật Bản. Toyota nổi lên với 37% thị phần, đạt mức tiêu thụ 515.375 xe hồi năm ngoái, theo sau là Isuzu với 14% và tiếp đến là Honda với 12%. Do đó, Ford đang rất hy vọng với chiến lược mới này có thể tạo nên một cú hích từ cửa ngõ Thái Lan nhằm đáp ứng mục tiêu 40% doanh số bán xe đến từ thị trường châu Á vào năm 2020 của CEO Mulally.