Elantra lại thủ thắng vì điểm đúng huyệt xe Nhật

Trong khi giải thưởng Xe Bắc Mỹ của Năm 2012 còn "nóng trên tay", Elantra 2012 của Hyundai lại tiếp tục được bầu là Xe Hay nhất giá dưới 20.000USD. Trong cuộc bình chọn do AOL Autos tiến hành ngày 28/02, Elantra đã vượt qua các đối thủ sừng sỏ ở top 5 là Toyota Corolla, Mazda3, Ford Focus và Chevrolet Cruze.

Elantra 2012 ở thị trường Mỹ được trang bị động cơ 4 xi-lanh 1.8L hoàn toàn mới, công suất 148 mã lực. Mức tiêu hao nhiên liệu trong thành phố là 8,1lít/100km và trên xa lộ là 5,9lít/100km. Năm 2011, với 186.361 xe đến tay khách hàng, Elantra đã giúp xe Hyundai Mỹ đạt được kỷ lục với tổng doanh số 645.691 chiếc. Theo đại diện AOL Autos, chiếc sedan này thể hiện tốt nhất những gì cần có trong phân khúc xe bình dân hạng trung. Nó có những thông số tiết kiệm hơn so với xe Honda Civic, Nissan Sentra và xe Toyota Corolla. Ngoài chuyện nổi bật về các tiêu chí như tính sáng tạo, tầm ảnh hưởng công nghiệp, thiết kế, độ an toàn, khả năng điều khiển, sự hài lòng cho người lái... Phẩm chất đáng giá nhất của Elantra là cung cấp một “gói” giải pháp tổng thể chấp nhận được cho người dùng, bao gồm chi tiết đến từng cân lạng và từng xu chi phí, trong các loại xe giá dưới 20.000USD.
 
Elantra lại thủ thắng vì điểm đúng huyệt xe Nhật
 
Vậy điều gì khiến mẫu xe moi bình  dân của Hàn Quốc giành được sự quan tâm đến thế, ở chính phân khúc mà người Nhật vẫn làm mưa làm gió trong bao năm qua?
 
Có thể nói, chính nhờ chiến lược cái gì cũng “nhiều và rẻ” mà họ đang vượt qua xe Nhật vốn được biết đến với phẩm chất “bổ và rẻ”. Nói thẳng, Toyota, Honda và Nissan... đã cố gắng trong nhiều thập kỷ để cải tiến công nghệ, họ tối ưu hóa chiếc xe chỉ nhằm thỏa mãn khách hàng với độ tin cậy. Người Nhật không làm cái gì nhiều quá, thừa thãi hoặc đáp ứng chi ly đến cả “cảm xúc” nhiều mặt của khách hàng, họ chỉ tính toán sao cho từng cen-ti-mét trên xe vừa khít với thực tế sử dụng. Không rườm rà, ít hỏng hóc, dễ thay đổi, tháo lắp sửa chữa... Và dĩ nhiên, với tiêu chí như thế, ngoại hình hay cảm giác lái chiếc xe sẽ không thể cá tính khác thường được. Nhưng chính cái điều bình thường này của xe Nhật lại hấp dẫn nhóm khách hàng bình dân và giúp chúng thắng xe Âu - Mỹ. Không ai dám nói rằng xe Nhật thiết kế đẹp hơn, giầu cảm xúc hơn, lái sướng và chất hơn hàng của phương Tây. Bởi vì phải tiết kiệm, nên xe Toyota, xe Honda và Nissan thiếu những đặc điểm hấp dẫn vượt trội.
 
Tuy nhiên, khi đã quá thỏa mãn với tiêu chí "bổ và rẻ", người ta sẽ muốn có thềm nhiều thứ khác nhưng vẫn không phải trả thêm tiền. Đó là lúc cặp nhãn hiệu Hyundai - Kia xuất hiện...
 
Elantra lại thủ thắng vì điểm đúng huyệt xe Nhật 1
 
Phương Tây đã coi xe Nhật là thứ rẻ tiền hạng hai, và thua vì quên mất nhu cầu của số đông. Đến lượt người Nhật bị doanh số làm cho xao lãng về cảm xúc và thẩm mỹ nên đã trở nên bảo thủ so với sự tinh quái của dân Hàn. Vậy là giờ đây, người Nhật đang phải đối diện với một đối thủ có đầy đủ các ưu thế truyền thống của mình, nhưng lại rẻ hơn, tiết kiệm không kém, tốt vừa đủ và nhất là “bao bì” lung linh hơn, tiện nghi và gây cảm xúc hơn hẳn. Xe Hàn Quốc đã điểm đúng yếu huyệt của xe Nhật, cũng như khi các samurai đâm trúng điểm yếu tốn xăng và cồng kềnh của xe Mỹ. Hãng xe Hyundai hiểu đúng về nhu cầu ngày càng cao của khách hàng, trong khi xe Nhật không làm họ thoả mãn. Thế là người Hàn Quốc mua các chuyên gia design hàng đầu về, thiết kế xe như phi thuyền, với đủ kiểu uốn lượn, làn sóng lỏng - đặc, hang - hốc hào nhoáng. Họ làm mới các mẫu xe nhanh đến chóng mặt, thời gian đưa mẫu mã concept lên dây chuyền sản xuất rất nhanh, chỉ chưa đầy 1 năm với chiếc Veloster. Ấn tượng hơn là khẩu hiệu “24/7” của Hyundai, theo đó họ tung ra 7 mẫu xe mới chỉ trong vòng 24 tháng. Nâng cấp từ động cơ thường sang phun nhiên liệu trực tiếp GDI mà không cần chờ đến chu kỳ nào cả. Trang thiết bị công nghệ mới được lắp nhiều “vô tội vạ” và phá vỡ các lề lối, phân hạng trong thế xe hơi. Ví như món "khởi động bằng nút bấm" - Star&Stop vốn chỉ có ở xe hạng sang, thuộc đẳng cấp Camry 2012 hay Lexus, thì Hyundai và xe Kia lắp luôn trên cả Elantra và Forte. Mà ngay cả Kia Morning cũng có chìa khóa thông minh Keyless-go. Đó là chưa kể đến nội thất da, hệ thống điều hòa thông minh HVAC, màn hình cảm ứng, giải trí đa phương tiện...
 
Đặc biệt Hyundai - Kia còn chơi “ác” hơn với chiến lược giá. Họ cứ lấy giá các mẫu xe ngang hàng của Nhật để hạ xuống một bậc thành của mình. Ví dụ Hyundai Elantra, Kia Forte nằm cùng phân khúc Altis, Focus và Cruze nhưng giá chỉ bằng chiếc Vios hạng B. Chiến lược “bán buôn” và “khuyến mại” cùng cơn bão quảng cáo tràn ngập thế giới của Hyundai - Kia đang rất hiệu quả. Thương hiệu này đang tràn ngập và tranh giành thị phần ở mọi phân khúc với xe Nhật. Không chỉ ở các thị trường lớn, mà ngay cả các "ngách" như Lào, Việt Nam thì nhãn xe Hyundai - Kia cũng đã bò đến mọi ngõ ngách, chen lấn nhiệt tình với Toyota, Honda.
 
Elantra lại thủ thắng vì điểm đúng huyệt xe Nhật 2
 
Mặc dù vậy, mặt trái của sự bùng phát cũng đáng tính đến. Liệu người Hàn Quốc có đủ tiềm lực để cung ứng đủ và kịp với nhu cầu về sản phẩm đang tăng quá nhanh trên toàn cầu? Sức ép trong nội tại của họ cũng lớn dần khi phải duy trì và phát triển một dải sản phẩm quá rộng? Đã có vài dấu hiệu “hỗn loạn” về đời và kiểu dáng, điều này làm giảm hiệu quả của hệ thống sản xuất, các thế hệ xe chèn vào thị trường của nhau. Trong khi doanh số, danh mục sản phẩm và cấu trúc hệ thống sản xuất càng mở rộng thì tính linh hoạt và hiệu quả cũng giảm dần. Một hiểm hoạ khác là hệ thống dịch vụ sau bán hàng không thể phát triển kịp cùng tốc độ tăng doanh số, liệu sự hài lòng trong nhóm khách hàng đang sở hữu xe của họ có giảm dần? Sau chu trình tăng doanh số, bao giờ các nhà sản xuất ôtô cũng sẽ phải đối mặt với các lỗ hổng chất lượng, Hyundai đã tính đến điều này chưa?
 
Với những câu hỏi loại này có thể Hyundai Mỹ đã chuẩn bị khá tốt để trả lời, nhưng ở châu Á Thái Bình Dương nói chung và Việt Nam nói riêng, có lẽ là chưa. Điều này thể hiện rất rõ ở thị trường Việt Nam, vì tại đây phần lớn khách hàng đang bị cuốn hút bởi các mẫu xe mới và họ tìm đến người bán hàng có giá rẻ nhất, chứ chưa quan tâm nhiều đến tư cách phân phối của họ. Chỉ cần giá rẻ hơn một chút là người ta gật đầu, không cần biết showroom bán xe cho mình có được chính hãng Hyundai uỷ quyền thực hiện các dịch vụ hậu mãi hay không, hàng hoá được bảo hành như thế nào? Chính vì vậy, ở thị trường trong nước, giới nhập khẩu – phân phối xe Hyundai - Kia nhỏ lẻ vẫn “sống rất khoẻ”, họ không cần đầu tư vào xưởng dịch vụ và cũng không tiến hành bất kỳ hoạt động sau bán hàng nào hết.
 
Elantra lại thủ thắng vì điểm đúng huyệt xe Nhật 3
 
Tạm thời, những sản phẩm của Hyundai - Kia ở Việt Nam đều còn khá mới, nên các vấn đề về hỏng hóc, sửa chữa, bảo hành - bảo trì chưa thực sự nổi cộm. Nhưng sau vài năm nữa, hoặc ngay khi xảy ra một sự kiện thu hồi xe Hyundai - Kia lớn (như sự kiện kẹt chân ga xe Toyota tại Mỹ năm 2009-2010), rất có thể chúng sẽ trở thành những cơn sóng có sức tàn phá nặng nề...
 
Thiết nghĩ, ngay từ bây giờ, 2 nhà phân phối chính hãng duy nhất của Hyundai và Kia tại Việt Nam là Thành Công và Trường Hải đã phải hành động và lập kế hoạch xa hơn cho hoạt động quảng bá và bảo vệ thương hiệu, phát triển mạng lưới và nâng cao chất lượng dịch vụ hậu mãi... Chứ không thể chỉ đơn thuần... bán được càng nhiều xe càng tốt.
 
Công bằng mà nói thì các nhãn hiệu xe lâu đời vẫn có những giá trị và kinh nghiệm đáng để người Hàn Quốc học tập.

Tin tổng hợp

otoxemay.vn