Công nghiệp ôtô Việt Nam, nỗi buồn ngày Cá tháng Tư?
Từ ngày nước Việt hội nhập với thế giới, chúng ta du nhập đủ thứ, nhất là những ngày lễ và đã bổ sung thêm một số đáng kể các ngày lễ vào hơn 8.000 lễ hội to, nhỏ hàng năm. Tuy nhiên, ngày Cá tháng tư, được nhiều người trên thế giới mến mộ và trông chờ, lại chẳng được mấy tôn vinh.
Xuất xứ của ngày lễ này cũng đơn giản thôi. Vốn dân châu Âu cả năm sống trong trật tự: ăn thì ba món
Trong tiệm may, ông khách nói:
- Tay áo vét bên phải hơi dài..
- Ông chỉ cần đưa vai trái lên một chút là được...
- Ống quần bên phải hơi ngắn...
- Khi bước ông bước chân trái dài hơn một chút.
- Nhưng như thế cái áo lại bị kéo lên...
- Thì ông chỉ việc nhìn xuống một tý là xong.
Khi ông khách mặc bộ vét mới đi ra ngoài đường, có mấy người nhìn theo bình luận:
- Nếu ông kia mà đi ngay ngắn được thì bộ vét chắc đẹp lắm...
(Tuổi trẻ cuối tuần, 3/3/2013)
|
Nhưng nghĩ ra cái gì để làm cho người khác mắc lỡm trong cái ngày Cá tháng tư ở nước Việt ta, chỉ một ngày thôi, thì quá khó. Ngày nào ở Việt Nam bây giờ cũng được nghe những lời chém gió từ những ông quan chức thường thường bậc trung, và cả những ông chẳng thường thường bậc trung chút nào, nên dành riêng một ngày thì rõ ràng là không đủ. Hơn thế, vì lời chém gió hào hùng nhất, chiến lược phát triển công nghiệp ôtô Việt Nam - đảm bảo cho người dân Việt mua được ôtô made in Vietnam với giá phù hợp, đã được tung ra cách đây dễ 20 năm vẫn chưa ai vượt được, và càng ngày càng chẳng thấy tăm dạng của cái xe đó đâu.
Nhưng lý do quan trọng nhất để dân ta không mặn mà với ngày Cá tháng tư lại còn là vì cái sự thường ngày: đi được ôtô bây giờ trở nên quá khó vì những đề xuất chính sách đang được trình ra lại quá là hư ảo hiện nay. Thử nhìn qua là rõ.
Đầu tiên, để ôtô chạy được phải có xăng. Điều này là sự thật. Cách đây hai năm, ôtô xe máy ngoài đường cứ cháy đùng đùng. Mọi người đều nghĩ xe cháy chắc là có vấn đề gì liên quan đến xăng. Một nhóm chuyên gia đại học quốc gia TP.HCM cũng đã kết luận là vì xăng. Thế là mấy ông Bộ Khoa học và Công nghệ bèn lập ra đề tài, có lẽ cấp nhà nước với nhiều kinh phí, để cam kết rằng sau một năm rưỡi sẽ chỉ ra thủ phạm. Nay hạn cam kết sắp đến rồi, thủ phạm có lẽ vẫn là xăng thôi. Còn vì sao ở các nước khác xe chạy không cháy, còn ở nước ta lại cháy, thì hãy cứ là... đợi đấy. Khoa học ở ta là để cho vui ấy mà.
Tiếp theo, để ôtô được chạy, phải đóng phí đường. các trạm thu phí lập ra liên miên hết chỗ này đến chỗ khác, nơi thì nhà nước trực tiếp thu, nơi thì cho các doanh nghiệp tư nhân đấu thầu. Rồi đầu năm nay, để tận thu chăng, Bộ Giao thông vận tải quyết định đổi mới: phải đóng phí đi lại theo đầu xe với cam kết xanh rờn là đóng phí này xong thì các trạm thu phí sẽ ngay lập tức bị bãi bỏ. Sau gần 100 ngày, tối ngày 17/3 ông Bộ trưởng Giao thông còn lên hẳn ti vi để xác quyết chuyện này. Còn người đi xe lưu thông trên đường sau thời gian dài cổ ngóng nhìn các cô soát vé tại các trạm thu phí trên đường, mới hiểu được rằng phần lớn các cô ở trạm thu phí vẫn ở nguyên chỗ cũ và làm vẫn công việc cũ mà thôi. Ai lại bỏ đi một nguồn thu rất dễ như thế!
Nhưng mà trước khi ôtô lăn bánh, để ôtô có quyền ra đường, cần phải đóng nhiều loại thuế và phí mà hiển nhiên nhất là phí trước bạ. Trước kia thì phí này không thấp, khoảng 5%, nhưng chấp nhận được. Một ngày đẹp giời đầu năm ngoái phí đó tăng gấp đôi, gấp ba. Cá biệt tại thành phố Hà Nội phí đó lên tới 20% giá trị chiếc xe. Số lượng xe bán ra trên thị trường Việt Nam tụt hẳn xuống 40% so với trước kia. Nghĩ lại sao đó, cuối năm Bộ Tài chính bèn quyết định giảm lệ phí. Và người mua khấp khởi chờ đợi để mua xe đi dịp Tết, và các hãng xe khấp khởi định kiếm một món để có tiền trả lương cho công nhân và thu chút lãi. Chẳng có chuyện gì như thế cả trước Tết. Còn sau Tết thì cũng phải đợi mãi rồi mới có quyết định trước bạ sẽ điều chỉnh vào đúng ngày… 1/4.
Trong khi thuế nhập khẩu xe đã được gia tăng. Cấp kỳ.
Vậy mà tất cả mấy cái sự vừa nêu cũng vẫn là chuyện vặt, chuyện đương nhiên để chém gió cho vui nếu không có cái ôtô giá hợp lý. 20 năm sau khi có chiến lược công nghiệp ôtô, giờ đây chúng ta có đường hướng phát triển công nghiệp hỗ trợ (CNHT), cũng rất hoành. Nhiều hội thảo đã được mở ra, nhiều nhà đầu tư, nhất là những nhà đầu tư Nhật Bản, đã được mời gọi trong mấy năm qua. Nhưng đến năm 2012 tất cả mới chỉ có 1.631 doanh nghiệp FDI đầu tư vào đây với 22,8 tỷ USD đăng ký, mà từ đăng ký đến đầu tư thật còn xa, trong đó vào ngành cơ khí chỉ có 4,4 tỷ USD với 468 doanh nghiệp chủ yếu là sản xuất linh kiện cho ngành xe máy, có không nhiều cho ôtô. Một con số thật là quá nhỏ nhoi cho công nghiệp phụ trợ ôtô. Có điều nữa là chính sách mới chỉ thu hút các doanh nghiệp lớn mà ít ưu đãi cho các doanh nghiệp nhỏ, trong khi công nghiệp hỗ trợ trông chờ rất nhiều vào các doanh nghiệp nhỏ. Vậy mà cái chính sách thu hút công nghiệp hỗ trợ này cũng sắp sửa đáo hạn vì chỉ chừng 5 năm nữa thôi, khi các cam kết FTA có hiệu lực và thuế suất giảm xuống bằng không, thì đường hướng gia tăng tỷ lệ nội địa hoá sẽ không còn tác dụng. Tỷ lệ nội địa hoá, công cụ các nhà chính sách trông cậy trong nhiều năm qua, nay là quy định đã không còn hợp thời khi mà các quy định tự do hoá thương mại đã trở nên chặt chẽ. Thế thì việc phát triển công nghiệp hỗ trợ cũng có cơ chỉ trở thành câu chuyện để nói cho vui mà thôi.
Rời bỏ các ngành với các chính sách liên quan cụ thể đến ôtô để nhìn chung toàn nền kinh tế năm 2013 này: có cơ hội gì cho tăng trưởng thu nhập, tiền đề cho việc mua ôtô, và cũng là tiền đề cho tâm trạng thư thái để có thể tán dóc với bạn bè hay không? Nhìn quanh quẩn thì thấy vẫn là tình trạng chung: nói nhiều làm ít.
Nhìn ở góc độ kinh tế vĩ mô, như Thời báo kinh tế Việt Nam cho biết, Viện trưởng Viện kinh tế Việt Nam, Trần Đình Thiên có chỉ ra một nghịch cảnh là trong khi nền kinh tế năm 2013 dự báo còn khó khăn hơn nhiều so với năm 2012, chúng ta lại đặt ra mục tiêu tăng trưởng cao hơn và lạm phát thấp hơn năm 2012. “Nền kinh tế đang yếu mà đặt ra mục tiêu tăng trưởng kinh tế cao hơn năm ngoái thì chúng ta cần phải có nguồn lực nhiều hơn. Nhưng nguồn lực này không thể nhiều hơn khi cấu trúc nền kinh tế vẫn chưa có nhiều thay đổi’’, ông Thiên phân tích.
Ở góc độ cụ thể hơn, góc độ con người, Phó Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc lớn tiếng cảnh báo rằng trong bộ máy công chức, viên chức của chúng ta có tới 30% cán bộ đang không làm việc. Nghiên cứu của Bộ Nội vụ còn đưa ra những con số lý thú hơn: 30% cán bộ trong biên chế không làm việc, 40% có cũng được mà không có cũng được, thực sự làm việc chỉ có 30% mà thôi.
Thế là thế nào? Các công chức đang làm gì nhỉ? Có lẽ họ cũng đang uống trà và chém gió. Thế thì chúng ta còn có cơm ăn là may, là phải biết ơn người nông dân lắm lắm. Còn chuyện có ôtô đi là chuyện Cá tháng tư của 3 thập kỷ đầu thế kỷ 21 mất rồi. Ngoảnh đầu nhìn lại, mới thấy rằng cái chiến lược phát triển công nghiệp ôtô nước nhà có lẽ giống như bộ quần áo mới may của ông khách kể trên: bắt cả nước vặn vẹo cho phù hợp để rồi mới ngộ ra rằng nếu cứ như bình thường mà làm thì có lẽ chúng ta đã có ôtô mà đi từ lâu rồi.