"Cởi nút thắt" - món quà Giáng sinh muộn màng cho thị trường ôtô Việt
Dự thảo mà Phó Thủ tướng Hoàng Trung Hải trình bày tại Hội nghị trực tuyến của Chính phủ và các địa phương về triển khai nhiệm vụ phát triển kinh tế, ngân sách năm 2013, khai mạc sáng 25/12, trong đó có đề xuất không thu phí hạn chế phương tiện giao thông cá nhân theo đầu phương tiện, đồng thời giảm mức thu lệ phí trước bạ đối với ôtô dưới 10 chỗ ngồi được xem là sẽ tháo gỡ cho thị trường ôtô trong nước trước cái cảnh sức mua sụt giảm trong năm 2012.
Cụ thể, nằm trong một loạt các giải pháp kích thích nền kinh tế và giải thoát cho nhiều lĩnh vực kinh doanh đang đóng băng, trong đó có cả lĩnh vực mua bán ôtô, Dự thảo nêu rõ: “Không ban hành chính sách thực hiện việc thu phí hạn chế phương tiện giao thông cá nhân đường bộ theo đầu phương tiện. Giảm lệ phí trước bạ đối với ôtô chở người dưới 10 chỗ ngồi về mức chung 10% đối với xe đăng ký lần đầu, các địa phương được điều chỉnh tăng không quá 50% mức quy định chung; giảm mức chung về 2% đối với xe đăng ký lần thứ 2 trở đi và thực hiện thống nhất trên toàn quốc”. Như vậy, xét về giải pháp thì đây được coi là cách tháo bờ khi thế nước đã tức, giúp khơi thông thị trường xe vốn bị ứ đọng suốt cả năm 2012.
Kể từ khi lệ phí trước bạ lên mức trần 20% kể từ ngày 15/10/2011 và bắt đầu tăng thực tế từ tháng 1/2012, chưa kể phí cấp biển tại thành phố lớn như Hà Nội ở mức cao, lên đến 20 triệu/biển số và Tp HCM cũng đang kiến nghị tăng mức phí này đã khiến sức mua xe trong dân giảm hẳn. Theo báo cáo của VAMA, tổng lượng ôtô bán ra trên toàn thị trường trong 11 tháng chỉ đạt con số 82.654 xe, giảm 28% so với cùng kỳ năm ngoái. Trong đó, sản lượng bán hàng của các thành viên VAMA đạt 71.860 xe, cùng chịu mức giảm tương tự. Không chỉ doanh nghiệp ế ẩm, mà ngay cả nguồn thu chính nuôi sống bộ máy nhà nước là thuế cũng bị thất thu. Thành phố Hà Nội là ví dụ điển hình nhất. Với số lượng ôtô đăng ký trong 8 tháng đầu năm là 12.300 chiếc, giảm tới 67% so với cùng thời kỳ năm ngoái, Hà Nội đã thất thu hơn 800 tỷ đồng tiền phí trước bạ. Giả sử mỗi xe giá 500 triệu đồng, với mức phí trước bạ 20% và lệ phí đăng ký biển số 20 triệu đồng, số thuế thu được là gần 1.500 tỷ đồng. Trong khi đó, nếu tính theo số xe đăng ký trong 8 tháng đầu năm ngoái, khoảng hơn 37 nghìn chiếc, với phí trước bạ cũ là 12% và phí cấp biển 2 triệu đồng, số thuế thu được khoảng hơn 2.300 tỷ đồng.
Thực tế trên cộng với kinh tế khó khăn càng khiến đầu ra cho mặt hàng vốn thuộc danh sách “tiêu thụ đặc biệt” trở nên bức bí. Doanh nghiệp buộc phải làm ăn cầm chừng hoặc nguy cơ thoái vốn đầu tư ngày càng rõ rệt, còn ngân sách vốn đầy đặn từ nguồn thuế ôtô trong các năm trước lại teo nhỏ dần cũng khiến các nhà làm chính sách phải suy nghĩ. Và đúng như một đơn vị kinh doanh ôtô đã nói, doanh nghiệp bán xe chỉ có cách dựa vào chính sách mở hay thắt để mà lựa đường đi nước bước. Thế mới thấy, chính sách tủn mủn, thiếu tầm vĩ mô không chỉ khiến ngành công nghiệp ôtô Việt Nam chưa đặt nổi “viên gạch” nói chi chuyện “làm móng”, mục tiêu 2010 đã qua không có dấu ấn thì liệu tầm nhìn 2020 có là viển vông?