Chính phủ sốt ruột với công nghiệp ôtô

Phó Thủ tướng Hoàng Trung Hải vừa yêu cầu Bộ Công Thương, Bộ Tài chính trao đổi, thống nhất với các cơ quan, đơn vị liên quan về một số chính sách và mục tiêu cho ngành công nghiệp ôtô, tầm nhìn đến 2030.

Theo Chinhphu.vn, Phó thủ tướng yêu cầu Bộ Công Thương, Bộ Tài chính phải cùng với các cơ quan, đơn vị liên quan phân tích kỹ thực trạng phát triển ngành công nghiệp ôtô từ năm 2001 đến năm 2012 (tập hợp số liệu về quy mô thị trường, tốc độ tăng trưởng từng năm); đánh giá ưu, nhược điểm của từng loại thuế, phí, lệ phí hiện hành đối với ôtô nguyên chiếc, linh kiện, phụ tùng; dựa vào đó tính toán, dự báo nhu cầu thị trường xe ôtô đến năm 2020, tầm nhìn 2030 (gồm nguồn xe nhập khẩu và sản xuất, lắp ráp trong nước).
 
Ông Hải cũng đòi hỏi xác định rõ mục tiêu phát triển của công nghiệp ôtô; giải trình cụ thể về việc có nên lựa chọn dòng xe chủ lực và tiêu chí lựa chọn, các chính sách cần thiết để tập trung phát triển dòng xe này. Một vấn đề quan trọng nữa là xây dựng các phương án điều chỉnh chính sách (các loại thuế, phí, lệ phí; ưu đãi…), có lộ trình thực hiện bảo đảm nguyên tắc minh bạch, dễ dự báo, phù hợp yêu cầu hội nhập (có so sánh với chính sách tương tự của các nước) để tính toán các phương án thị trường tương ứng với tốc độ tăng trưởng hợp lý, phù hợp thực tế và yêu cầu phát triển.
 
Các yêu cầu trên không mới, thậm chí các chính sách thuế phí đã thực hiện từ hai thập kỷ trở lại đây nhưng chưa khi nào phát huy hiệu quả. Tuy nhiên, muộn cũng còn hơn không. Hiện nay, với hơn 14 loại thuế và phí đổ đầu ôtô, giá trị chiếc xe đã bị đẩy lên quá cao khiến mức tiêu thụ ngày càng giảm sút. Theo thống kê, từ 2003 đến nay, chính sách ôtô không năm nào yên ổn và có năm thay đổi tới 3-4 lần, thị trường ôtô liên tục biến động bất lợi. Hậu quả còn nặng nề hơn khi Việt Nam vài năm qua hoàn toàn thua kém trong cuộc chạy đua hút vốn từ các hãng xe lớn trong khi Ford, Toyota, Honda, Nissan hay Mitsubishi đều tăng cường đầu tư tại các quốc gia Đông Nam Á khác.
 
Chỉ có điều, toàn bộ các số liệu, đánh giá mục tiêu và phương án điều chỉnh trên phải được các Bộ báo cáo Thủ tướng trước ngày 28/2/2013. Rõ ràng đang có một đòi hỏi cấp bách trong phát triển công nghiệp ôtô Việt Nam nhưng thời gian để hoàn thành báo cáo quá gấp gáp. Bản thân Bộ Tài chính đến giờ còn chưa kịp ra thông tư hướng dẫn việc thực hiện giảm phí trước bạ đối với xe hơi, lại đang trong quá trình chuyển giao lãnh đạo cấp cao nhất.
 
Việc khẩn trương xem xét, tính toán lại đường đi nước bước cho một ngành công nghiệp quan trọng là điều thực sự cần kíp, nhưng cách làm vội vã như trên lại có thể dẫn đến các sai lầm từng gặp về việc không có được một môi trường ổn định cho sự phát triển bền vững.
 

Tin tổng hợp

otoxemay.vn