Căn bệnh nan y về gian lận mức tiêu thụ nhiên liệu
Dường như việc thổi phồng mức tiêu thụ nhiên liệu đã trở thành một căn bệnh của các hãng xe khi họ sử dụng các chiêu trò trong thử nghiệm xe ở điều kiện tiêu chuẩn. Người Anh đang tìm cách ngăn chặn điều này bằng đề nghị cấm quảng cáo đối với những hãng xe bị phát hiện gian lận.
Fiat 500 là một trong những mẫu xe “khai gian” ít nhất, theo What Car?
Căn bệnh… chưa muốn chữa
Trước việc người tiêu dùng thường xuyên phàn nàn về mức tiêu thụ nhiên liệu được quảng cáo không đúng so với thực tế, nhiều tổ chức và các tạp chí ôtô trên thế giới đã tiến hành những cuộc khảo sát và điều tra cho thấy: rất nhiều hãng xe đang gian lận số liệu này bằng những chiêu thức không quá phức tạp.
Nhóm Chiến dịch Môi trường và Giao thông của Bỉ mới đây đã “vạch mặt” những chiêu thức gian lận trong các cuộc kiểm tra xe, nhằm đảm bảo kết quả thử nghiệm tiêu thụ nhiên liệu đẹp “như mơ” và giảm lượng khí thải CO2 đến mức tối thiểu đang được hàng loạt các hãng sản xuất ôtô thực hiện. Theo đó, hầu hết các quy trình test xe hiện nay đã lỗi thời và không còn phù hợp với điều kiện lái xe ngoài đời thực. Chỉ cần những xảo thuật đơn giản như dán toàn bộ khe hở ở cửa xe, cửa sổ để giảm sức cản của gió, điều chỉnh phanh, bơm căng lốp xe, tắt điều hòa nhiệt độ… khi cho xe đi kiểm tra, các hãng sản xuất ôtô hoàn toàn có thể “chứng minh” được mức tiêu thụ đến mức lý tưởng. Chính điều này còn khiến lượng khí thải trong các cuộc thử nghiệm chỉ bằng một nửa so với thực tế mà xe xả ra môi trường.
Tuy nhiên, những chiêu trò này lại không hề vi phạm luật bởi chính những kẽ hở của một
quy trình kiểm tra lỏng lẻo. Tạp chí What Car? của Anh mới đây cũng công bố kết quả một cuộc thử nghiệm hơn 500 mẫu xe được bán tại thị trường này, 95% có con số tiêu thụ được công bố thấp hơn so với thực tế, kể cả khi What Car? tiến hành thử nghiệm như trong điều kiện tiêu chuẩn. Điều này khiến các khách hàng tại xứ sở sương mù tốn thêm trung bình 2.200 bảng Anh (khoảng 3.300 USD) chi phí sử dụng so với mức quảng cáo. Trước đó, tạp chí ôtô của Mỹ là Consumer Reports cũng đã bày tỏ quan ngại về việc hầu hết các số liệu trên đều do các hãng xe thông báo dựa trên các cuộc thử nghiệm do chính hãng thực hiện, với nhiều xảo thuật để làm ra con số đẹp nhất.
Các “bệnh nhân” chưa chịu uống thuốc
Theo cuộc điều tra nói trên, đã lòi ra một bảng số liệu thống kê các hãng xe thường xuyên có xu hướng thổi phồng mức tiêu thụ nhiên liệu.
Bảng so sánh mức tiêu thụ nhiên liệu theo quảng cáo của các hãng xe với con số do “What Car?” thực hiện
|
||
Mẫu xe
|
Mức tiêu thụ nhiên liệu quảng cáo (lít/100 km)
|
Mức tiêu thụ nhiên liệu thực tế (lít/100 km)
|
BMW 320d
|
4,6
|
5,5
|
BMW 730Ld 3.0 SE
|
5,6
|
7,4
|
Citroen DS3 1.6 THP D Sport
|
6
|
7,2
|
Fiat 500C 1.4 T-Jet Abarth
|
6,6
|
6,7
|
Ford Fiesta 1.6 TDCi ECOnetic
|
3,3
|
4,9
|
Honda CR-V 2.2 i-DTEC SE
|
5,6
|
5,9
|
Hyundai i20 CRDi Active
|
3,8
|
4,6
|
Hyundai i30 1.6 CRDi Sport
|
4,1
|
5,3
|
Mini Cooper 1.6 John Cooper Works
|
7,1
|
8
|
Porsche Cayenne S 4.2 V8 diesel
|
8,3
|
8,9
|
Renault Clio 1.5 dCi 90 Dynamique
|
3,2
|
4,7
|
Seat Leon 2.0 TDI FR
|
4,5
|
5,5
|
Seat Toledo 1.2 TSI S
|
5,1
|
7,6
|
Skoda Octavia 1.2 TSI SE
|
4.9
|
6,2
|
Toyota Rav4 2.2 D-4D Icon
|
4,9
|
6
|
Dòng xe Audi A3 TDI cũng bị cáo buộc quá đà trong các chiến dịch tiếp thị với slogan: “Xe tiết kiệm nhiên liệu nhất trong các dòng Audi”. Theo quảng cáo của hãng này, Audi A3 TDI có mức tiêu thụ là 4,1 lít/100km và xả ra môi trường lượng khí thải CO2 107g/km, song hầu hết các lái xe đều phàn nàn rằng đây chỉ là một số liệu khó có thể đạt được với các điều kiện thử nghiệm tiêu chuẩn.
Trước đó, hãng sản xuất xe hơi Ford cũng bị tạp chí Consumer Reports tố cáo gian lận mức tiêu thụ nhiên liệu. Theo như lời tiếp thị của hãng xe Mỹ, cả mẫu xe Fusion Hybrid và C-Max hybrid đời 2013 mới đều có mức tiêu thụ nhiên liệu trung bình là 6 lít/100km. Song, qua kiểm định của tạp chí Consumer Reports, các con số này lần lượt là 7,2 lít/100km, và 7,6 lít/100km. Tuy nhiên, cho tới nay, khi được hỏi, đại diện của Ford một mực cho rằng các khách hàng vẫn tỏ ra hài lòng với mức tiêu thụ nhiên liệu được quảng cáo và từ chối bình luận thêm về cuộc thử nghiệm trên.
Hyundai và Kia là những hãng xe đã lĩnh hậu quả trực tiếp từ việc phù phép số liệu của hơn 900.000 chiếc xe được bán ra tại Mỹ trong hai năm 2011 và 2012. Hãng ôtô Hàn Quốc đã quảng cáo rộng rãi tại Mỹ rằng có đến 4 mẫu xe đạt mức tiêu thụ 5,88 lít/100km trên cao tốc và điều này đã khiến nhiều người Mỹ bị thuyết phục. Tuy nhiên, Hyundai giờ đã phải điều chỉnh xuống còn 6,35 hoặc 5,92 lít/100km đối với Accent, Veloster và Elantra. Mức tiêu thụ nhiên liệu kết hợp (trong thành phố và cao tốc) của các mẫu xe Hyundai và Kia năm 2012 sau khi được điều chỉnh và không có xe Hyundai nào chạy qua mức 7,1 lít/100km như quảng cáo trước đây nữa. Với “sự cố” mà các quan chức của Hyundai tại Hàn Quốc và Mỹ cho rằng chỉ là “lỗi thủ tục” trong quá trình thử nghiệm, hãng này dự kiến phải bồi hoàn chi phí chênh lệch tiền xăng cho khách hàng lên tới 150 triệu USD, nhằm tránh một vụ kiện tập thể.
Tuy nhiên, mới chỉ có Hyundai và Kia bị kiện ở Mỹ, còn tại các nơi khác, quyền lợi của người tiêu dùng vẫn phải nhường bước trước nhóm lợi ích hậu thuẫn bởi các tập đoàn lớn.
Đơn thuốc nào cho các bệnh nhân cứng đầu?
Trước thực tế trên, để bảo vệ quyền lợi của người tiêu dùng, nhóm Chiến dịch Môi trường và Giao thông của Bỉ đã kiến nghị thay đổi quy trình kiểm tra ôtô hiện nay. Trong khi đó, Cơ quan Tiêu chuẩn Quảng cáo Anh (ASA) đã yêu cầu tất cả các hãng xe hoạt động tại thị trường Anh Quốc cần công khai số liệu trên thực tế so với thu được trong các đợt thử nghiệm. Chính điều này sẽ giúp khách hàng không bị hiểu nhầm và lầm tưởng về các mức tiêu thụ nhiên liệu mà các hãng xe thường có xu hướng “thổi phồng” lên. Nếu không, ASA sẽ đề nghị một lệnh cấm quảng cáo với các hãng xe vi phạm.
Cơ quan Tiêu chuẩn Quảng cáo Anh (ASA) đề nghị cấm quảng cáo với những hãng xe bị phát hiện gian lận. Ảnh: Daily Mail
“Quy định mới sẽ giúp các khách hàng tại Anh có được cái nhìn đúng nhất về các hãng xe để lựa chọn một loại xe phù hợp với túi tiền cũng như mục đích sử dụng của mình, đồng thời giúp ngành công nghiệp xe hơi tại đây biết phải làm gì, nhất là trong bối cảnh chi phí nhiên liệu ngày càng tăng cao”, ông Matt Wilson – đại diện của ASA cho hay.
Nhưng đó là ở châu Âu và Mỹ - các thị trường khó tính và có những quy định gắt gao (vậy mà các hãng xe vẫn tìm ra kẽ hở), còn tại Việt Nam, chưa có nhà sản xuất xe hơi nào bị bắt bẻ vì họ luôn dựa vào một lý do không thể hợp lý hơn: Ở Việt Nam không thể đo được mức tiết kiệm nhiên liệu do điều kiện thử… không chuẩn.