Các hãng xe Đức từ chối cứu Fiat khỏi khó khăn
Liên minh châu Âu EU và các hãng xe Đức đã từ chối lời kêu gọi giúp đỡ của Fiat nhằm giải quyết tình trạng dư thừa sản xuất trong khu vực. Fiat, đầu tàu ngành sản xuất ô tô Ý, và cả các hãng xe Pháp PSA cùng Renault, đều đang gặp khó khăn vì sức tiêu thụ tại châu Âu giảm nghiêm trọng.
Bỏ mặc Fiat trong khó khăn
CEO của Fiat Marchionne đang tìm kiếm sự hỗ trợ - cả về chính trị và tài chính – từ EU để chia sẻ gánh nặng về cắt giảm việc làm và đóng cửa nhà máy. Ông Marchionne đã thảo luận về viễn cảnh của ngành công nghiệp trong khu vực với Ủy ban châu Âu EC và các quan chức của EU tại Brussels, Bỉ ngày 7/6.
Người đại diện của EU, Antonio Tajani, đã giới thiệu một kế hoạch để khởi động lại ngành công nghiệp xe hơi đang gặp khó khăn mà không phải đóng cửa các nhà máy đang làm ăn thua lỗ. Đề xuất của Tajani không nhằm giải quyết tình trạng dư thừa năng lực sản xuất bởi vì không đạt được sự đồng thuận, thay vào đó kế hoạch này tăng nguồn hỗ trợ dành cho nghiên cứu xe xanh, cao hơn mức 1 tỷ euro được dự tính trước đây trong ngân sách từ 2014-2020.
Trong khi đó, các hãng xe Đức Volkswagen, Daimler và BMW đang chống lại lời kêu gọi của Marchionne. Các nhà máy ở châu Âu của các hãng xe này đang bận rộn do sản phẩm bán rất tốt ở Trung Quốc và Mỹ, nên chẳng “thừa hơi” giúp giải quyết những khó khăn của đối thủ.
Dư thừa 2 triệu xe
Sản lượng xe hơi ở Tây Âu có thể bị thừa tới hơn 2 triệu xe trong năm 2012 do doanh số giảm năm thứ 5 liên tiếp, theo số liệu của tạp chí IHS Automotive. Fiat, PSA/Peugeot-Citroen và Renault đang chịu gánh nặng của chi phí dư thừa mà ngân hàng Thụy Sĩ UBS ước tính khoảng 7,4 tỷ euro mỗi năm cho nhân công và nhà xưởng.
Các nhà máy của VW , BMW và Daimler đang vận hành hơn 90% năng lực, một tỷ lệ rất cao so với 60 đến 75% của các nhà sản xuất khác trong khu vực, theo Philippe Houchois, một nhà phân tích cộng tác với UBS.
Về tổng thể, các chính trị gia châu Âu đồng ý rằng năng lực sản xuất dư thừa là một vấn đề nhưng họ không muốn cắt giảm việc làm. Thậm chí Đức đã tìm cách ngăn cản việc đóng cửa nhà máy của Opel ở Đức theo một kế hoạch tái cấu trúc của GM.
Fiat là nhà sản xuất xe hơi đầu tiên của châu Âu đóng cửa nhà máy Sicily tại Ý tháng 12/2011 tính từ khủng hoảng kinh tế năm 2008. GM cũng đã phải đóng cửa một nhà máy ở Antwerp, Bỉ, năm 2010. Các nhà máy của PSA tại Alunay và Rennes, Pháp, cũng có nguy cơ đóng cửa do lượng tiêu thụ xe giảm sâu.
Tình trạng này là không thể chịu đựng nổi trong ngắn hạn đối với Renault và Peugeot. Nguy cơ là như nhau, các hãng đều phải gánh khoản tiền lỗ trên mỗi chiếc xe đã được sản xuất tại các nhà máy mà không được khai thác hết công suất của chúng.
Vẫn có thêm nhà máy mới ở châu Âu
Các nhà sản xuất xe hơi của Đức đã vươn ra thị trường toàn cầu rất thành công trong nhiều thập kỷ qua, khiến họ ít bị lệ thuộc vào nhu cầu của thị trường châu Âu. Volkswagen, nhà sản xuất xe hơi lớn nhất khu vực, đã tạo ra hơn gấp đôi thu nhập tổng cộng của cả Peugeot và Renault trong quý I. Không những không phải giảm năng lực sản xuất, Daimler còn khai trương thêm một nhà máy mới ở Hungary vào tháng 3/2012 để sản xuất chiếc B-Class.
Người Đức đang ở tầm toàn cầu với sản phẩm và sức tiêu thụ nhiều hơn Pháp và Italia. Fiat chỉ mới quay lại thị trường Mỹ năm ngoái và năm nay xây dựng nhà máy đầu tiên ở Trung Quốc sau hơn một thập kỷ nỗ lực bất thành. Điều đó làm Fiat – không tính Chrysler Group – phụ thuộc nặng nề vào kết quả bán hàng ở châu Âu. PSA và Renault không hiện diện tại Mỹ và cũng không nằm trong số những nhãn hiệu dẫn đầu ở Trung Quốc.
Bằng cách so sánh, VW, Mercedes và BMW có những nhà máy ở Trung Quốc và Mỹ với lượng tiêu thụ rất lớn ở những quốc gia này. Trung Quốc và Mỹ là hai thị trường lớn nhất của BMW và Trung Quốc cũng là thị trường lớn nhất của VW. Trong khi châu Âu vẫn quan trọng đối với các hãng xe Đức, nhưng họ đã vượt ra ngoài tầm của khu vực để kiếm tiền.
“Chúng tôi không muốn bình luận về đề xuất của Fiat bởi vì chúng tôi không có bất kỳ sự dư thừa sản xuất nào”, Bettina Singhartinger, một người phát ngôn của Daimler nói. Volkswagen và BMW cũng từ chối đưa ra bình luận. Cả Fiat và các nhà sản xuất xe hơi Pháp nên chủ động tìm cách để tự giải cứu mình hơn là trông chờ vào sự ban ơn của đối thủ.