Các hãng xe Đức thúc đẩy thỏa thuận thương mại Mỹ-EU
Giám đốc điều hành của các hãng xe Đức gồm BMW, Daimler hay Audi đều muốn thúc đẩy thỏa thuận thương mại mang tính lịch sử giữa Hoa kỳ và Liên minh châu Âu (EU).
Norbert Reithofer- CEO của BMW - cho biết: Khoảng 40% phương tiện sản xuất trên thế giới được bán cho khách hàng châu Âu và Mỹ. Thỏa thuận đạt được sẽ gở bỏ hàng rào thuế quan và cắt giảm chi phí đến 1 tỷ Euro (hơn 1,1 tỷ USD) cho ngành công nghiệp ôtô Đức nói riêng.
Trong khi đó, Giám đốc điều hành Dieter Zetsche của Dailmer cũng cho rằng: Đây là cơ hội để “hòa hợp” các thị trường ở hai bờ Đại Tây Dương. Ông Dieter Zetsche cho biết: Các hãng sản xuất ôtô đã lãng phí hàng tỷ Euro cùng nhiều nguồn lực khác khi cố gắng phát triển, thực hiện các thử nghiệm va chạm và đưa ra các phiên bản khác nhau của mẫu xe nhằm đáp ứng những quy định pháp lý tại Mỹ và EU.
Dù vậy, thỏa thuận cũng phải đối mặt với những phản ứng dữ dội, ngay cả khi những người đứng đầu các hãng ôtô cho rằng nó có thể bảo vệ việc làm cho người Đức. Đại diện cho người lao động tuyên bố chỉ ủng hộ thỏa thuận khi nó đáp ứng được những điều kiện nhất định, bao gồm tiếp tục bảo hộ quyền và lợi ích của người lao động.
Trong những năm qua, các chính trị gia, bao gồm Thủ tướng Đức Angela Merkel và Tổng thống Mỹ Barack Obama đang nỗ lực để tiến đến thỏa thuận Thương mại và Đầu tư Đối tác xuyên Đại Tây Dương (TTIP) - hiệp định thương mại hứa hẹn mang lại những lợi ích to lớn cho ngành công nghiệp ôtô, từ gỡ bỏ hàng rào thuế quan đến cắt giảm đáng kể chi phí sản xuất.
Ủy ban châu Âu - Cơ quan phụ trách chính sách thương mại cho 28 quốc gia trong EuroZone - vừa kết thúc các cuộc đàm phán với Washington về một số điều khoản trong thỏa thuận. Trong bối cảnh cả Mỹ và EU đều hướng đến tăng trưởng kinh tế và tạo thêm nhiều việc làm cho người lao động, TTIP có thể trở thành thỏa thuận thương mại lớn nhất thế giới được ký kết.