Bộ Tài chính gây tranh cãi vì đề xuất thu phí bảo vệ môi trường khí thải

Bộ Tài chính vừa gửi văn bản đến Bộ Xây dựng, Công Thương, Giao thông Vận tải, Khoa học và Công nghệ, Tài nguyên và Môi trường đề nghị xây dựng phương án thu phí bảo vệ môi trường đối với khí thải. Đề xuất ngay lập tức đã gây ra nhiều tranh cãi trong dư luận.

 
Trong văn bản gửi đi, Bộ Tài chính yêu cầu các Bộ nhanh chóng đưa ra phương án thu phí bảo vệ môi trường đối với khí thải, bao gồm: Mức thu phí, đối tượng chịu phí, cách thức tính phí, cơ chế quản lý và sử dụng phí... Bộ Tài chính ra hạn chót cho phương án thu phí là cuối tháng 12/2018.
 
Với sự xuất hiện của Bộ Giao thông vận tải trong công văn của Bộ Tài chính, nhiều khả năng, các phương tiện giao thông như ôtô, xe máy sẽ là nằm trong nhóm các đối tượng chịu thuế bảo vệ môi trường đối với khí thải.
 
Ngay lập tức, một số ý kiến cho rằng loại thuế trên được áp dụng sẽ dẫn đến hiện tượng thuế chồng thuế, gây thêm gánh nặng cho người dân.
 
Theo chuyên gia kinh tế Ngô Trí Long, khi sử dụng xăng dầu, người dân đã phải đóng thuế bảo vệ môi trường, thuế tiêu thụ đặc biệt. Ngay cả khi mua xe ôtô, họ cũng bị đánh một loạt loại thuế khác nhau như thuế nhập khẩu, thuế tiêu thụ đặc biệt, thuế giá trị gia tăng...
 
Đồng quan điểm, chuyên gia giao thông Nguyễn Xuân Thủy nhận định: Việc thu phí ô nhiễm môi trường theo khí thải của phương tiện cần phải xem xét lại, bởi trong giá xăng đã bao gồm thuế bảo vệ môi trường. Nếu vừa thu thuế bảo vệ môi trường từ xăng dầu, vừa thu phí từ phương tiện có nghĩa là thu hai lần.
 
Các chuyên gia không phủ nhận việc thu phí bảo vệ môi trường đối với khí thải sẽ có tác dụng khuyến khích người dân sử dụng các phương tiện có mức phát thải thấp hơn. Tuy nhiên, điều này chỉ thực sự có ý nghĩa khi không gây ra tình trạng thuế chồng thuế, phí chồng phí. Hơn nữa, số tiền thu về cũng phải sử dụng đúng mục đích là bảo vệ môi trường.
 
Cũng xuất phát từ việc phản đối loại thuế này, tại Pháp và các nước như Bỉ, Áo, Anh, Ý, Canada đã biểu tình rầm rộ. Dự báo các cuộc biểu tình sẽ lan ra khắp các nước trong cộng đồng Pháp ngữ, điều này khiến chính phủ Pháp đã phải bãi bỏ việc tăng thuế nhiên liệu và một số động thái xoa dịu khác. Vì vậy, không phải dễ dàng cứ theo văn bản mà áp dụng đối với việc thu thêm phí bảo vệ môi trường khí thải như dự định.
 
Kể từ ngày 1/1/2019, thuế bảo vệ môi trường đối với các mặt hàng xăng dầu sẽ đồng loạt tăng. Trong đó, thuế bảo vệ môi trường đối với xăng được điều chỉnh lên mức kịch trần 4.000 đồng/lít thay vì 3.000 đồng/lít như hiện nay.