Angkor Car, hành trình xe “made in Campuchia” của một người dân
Chiếc xe đầu tiên mang thương hiệu Campuchia đã chính thức được ra mắt thị trường xe nước này vào ngày 7/1. Nhưng ít ai biết được rằng, chiếc xe này có xuất phát điểm là mẫu xe tự chế của một người dân đam mê ôtô.
Ngày 7/1, Công ty Phát triển Heng đặt tại tỉnh Kandal (Campuchia) đã cho ra mắt những chiếc xe ôtô chạy điện mang thương hiệu “Angkok”. Công ty này cũng đã xây dựng nhà máy sản xuất trị giá 20 triệu USD ngay tại Kandal.
Ông Sieng Chan Heng, tổng giám đốc của Heng cho biết nhà máy đã sử dụng các vật liệu thô và kết hợp với phụ tùng từ các nhà sản xuất xe hơi ở Thượng Hải (Trung Quốc) để sản xuất ra mẫu xe cuối cùng đến người tiêu dùng có giá dưới 10.000 USD. Chiếc xe đầu tiên được thiết kế dạng mui trần 2 chỗ ngồi, nội thất bọc da, cửa xe có thể mở kiểu cánh chim bằng điều khiển từ xa và tốc độ tối đa của xe đạt khoảng 60km/h. Phiên bản cao cấp hơn được thiết kế kiểu mui cứng, lốp xe mỏng thể thao, có đèn LED chiếu sáng ngày và đèn pha thấu kính.
Phiên bản đầu tiên của xe Angkor ra đời năm 2002
Phiên bản thứ 2 ra mắt một năm sau đó
Tuy nhiên, điều đáng chú ý là để đi đến đích cuối được sản xuất hàng loạt, chiếc xe Angkor đã mất gần 10 năm trời thai nghén bởi một người dân Campuchia. Cha đẻ của chiếc xe chính là ông Nhean Phaloek, một người dân địa phương ở Kandal. Năm 2002, Nhean Phaloek bắt tay vào việc chế tạo chiếc xe mơ ước với mô hình đầu tiên sử dụng lại động cơ của xe Honda C100, chiếc xe trông đơn giản như một mẫu xe đồ chơi cho trẻ em nhưng đã hoạt động khá tốt. Một năm sau đó, ông cải tiến và cho ra mắt chiếc xe 4 chỗ cứng cáp hơn và có thể đạt tốc độ lên đến 120km/h. Cuối cùng, sau nhiều khó khăn, vào năm 2010, Nhean Phaloek đã hoàn thành chiếc xe mang tên Angkor 333, con số 3 đánh dấu đây là phát minh thứ 3 của ông.
Phiên bản hoàn chỉnh, chiếc Angkor 333 ra mắt năm 2010 đánh dấu thành công
của ông Nhean Phaloek, một người dân Campuchia bình thường
Nội thất xe Angkor bọc da khá đẹp, đầy đủ các chức năng không thua ké các loại xe
thương mại khác.
Sau thành công trên, Nhean Phaloek đã đánh tiếng sẵn sàng bán công nghệ chế tạo xe cho bất cứ công ty đầu tư nào, miễn là phải đáp ứng yêu cầu xây dựng nhà máy tại Campuchia. Cuối cùng niềm tin của Nhean Phaloek đã chọn được bãi đỗ khi công ty đầu tư Heng và một đối tác Hongkong là Chau Leong đã cùng Nhean Phaloek hình thành nên mô hình sản xuất xe 3 bên với tỷ lệ góp vốn Heng 80% và 20% còn lại chia đôi cho 2 đối tác còn lại. Nhà máy lắp ráp xe được xây dựng với vốn đầu tư lên đến 20 triệu USD, công suất lắp ráp từ 500 đến 1.000 xe/năm. Phiên bản đầu tiên của xe Angkor từ 2 đến 4 chỗ ngồi có giá bán khởi điểm từ 5.000 USD, sản phẩm sẽ được nâng cấp dần lên 6 và 12 chỗ ngồi trong tương lai.
Phiên bản cao cấp của chiếc Angkor
Ith Praing, thư ký đại diện cho Bộ Công nghiệp và Năng lượng Campuchia, người đã tham dự lễ ký kết hợp tác 3 bên ở Phnom Penh ca ngợi chiếc xe như một mô hình xe xanh cần được nhân rộng. Ông nói: “Đây sẽ là chiếc xe đầu tiên được sản xuất tại Campuchia và nó sẽ giúp chúng ta giảm sự phụ thuộc vào xăng dầu, đồng thời giảm ô nhiễm môi trường”.
Theo cha đẻ của chiếc xe Angkok, ông Nhean Phaloek ban đầu muốn tạo ra một chiếc xe giá rẻ, lại tiết kiệm được 80% so với xe chạy xăng để phù hợp với đa số dân nghèo Campuchia. Khi được tung ra thị trường, xe Angkor chỉ mất khoảng 2 USD chi phí nạp điện cho quãng đường 100km, trong khi ở xe chạy nhiên liệu xăng/dầu sẽ là khoảng 10 USD. Trong tương lai, Nhean Phaloek hy vọng chiếc xe có thể xuất khẩu ra nước ngoài để cạnh tranh với các hãng xe hiện đại khác.
Mặc dù thiết kế và thi công hoàn toàn tại Campuchia nhưng việc công khai linh kiện của xe là nhập từ Trung Quốc cũng cho thấy tầm nhìn của những người phát triển thương hiệu xe Angkor vẫn chưa vượt qua tâm lý “ăn xổi”. So với cách phát triển xe điện ngoài sản xuất trong nước còn thúc đẩy công nghiệp phụ trợ như ở Philippines và Indonesia thì hình thức làm xe của Campuchia khá giống các loại hình xe điện đang lắp và bán tại Việt Nam. Chỉ khác cái là xe điện của họ thiết kế đẹp và được bán ra cho người dân sử dụng đi lại mà thôi.
Clip vận hành thử nghiệm xe Angkor: