Ấn Độ tham vọng sử dụng toàn xe điện

Trong bối cảnh những dòng xe thân thiện với môi trường vẫn là một đề tài “hot” của ngành công nghiệp xe hơi, Ấn Độ dự kiến đến năm 2030, toàn bộ các phương tiện lưu thông tại đây đều là xe điện.

Ấn Độ tham vọng sử dụng toàn xe điện
 
Từ lâu, Ấn Độ đã nuôi tham vọng về xe điện. Năm 2013, chính phủ nước này thực hiện một kế hoạch về xe điện trên phạm vi cả nước. Trong thời gian qua, Ấn Độ cũng đang thực hiện trợ cấp cho xe điện cũng như quá trình “điện hóa” các dòng xe ô tô sử dụng nhiên liệu hóa thạch.
 
Chính phủ cung cấp tiền mặt cho các hãng xe nhằm thúc đẩy các hoạt động sản xuất “xe xanh”, đồng thời hỗ trợ triển khai cơ sở hạ tầng các trạm sạc. Đây là một phần trong kế hoạch đưa từ 6-7 triệu xe hybrid và xe điện lưu thông trên đường vào năm 2020. Chưa dừng lại ở đó, nước này đã đẩy tham vọng của mình lên đỉnh điểm với mục tiêu 100% xe sử dụng hoàn toàn năng lượng điện trong vài thập kỷ tới.
 
Piyush Goyal, Bộ trưởng Bộ Năng lượng, cho biết ông đang làm việc với Nitin Gadkari, Bộ trưởng Bộ Giao thông, trên một kế hoạch nhằm đưa nước này trở thành “nhà lãnh đạo” về xe điện.
 
Ông cho biết thêm, dự án sẽ không dùng đến ngân sách của chính phủ mặc dù chính phủ có thể tiếp tục cung cấp những ưu đãi. Bộ trưởng cũng đề xuất không tăng giá điện mà thay vào đó là một chiến lược cung cấp điện hiệu quả hơn để đảm bảo chương trình có thể phát huy tác dụng.
 
Ô nhiễm không khí là một vấn đề đáng lo ngại đối với Ấn Độ khi năm 2015, tình hình ô nhiễm không khí ở nước này lần đầu tiên đã vượt Trung Quốc. Với dân số hơn 1,2 tỷ người, việc loại bỏ khói thải từ các phương tiện sử dụng nhiên liệu hóa thạch có thể sẽ giúp cải thiện đáng kể chất lượng không khí ở Ấn Độ, đặc biệt tại những thành phố đông đúc. Mặc dù vậy, biện pháp có thực sự hiệu quả hay không vẫn là một dấu hỏi lớn và phụ thuộc rất nhiều vào phương thức được áp dụng để sản sinh ra điện. 
 
Đây cũng không phải biện pháp duy nhất mà Ấn Độ áp dụng với hy vọng giải quyết vấn đề. “Tòa án xanh” của Ấn Độ từng ban hành lệnh cấm tất cả các xe chạy xăng và diesel có tuổi thọ quá 15 năm xuất hiện trên những con phố ở Delhi. Bên cạnh đó là động thái tăng gấp đôi thuế môi sinh đối với các xe tải đi vào thủ đô và cấm bán xe diesel trong thành phố.