Ra mắt chân sạc dùng chung mọi loại xe điện
Các nhà sản xuất ô tô Âu và Mỹ đã chính thức ra mắt mẫu giắc cắm sạc thiết kế chuẩn dùng chung được cho mọi loại xe điện. Thích hợp kể cả với xe điện của Nhật, dù họ không tham gia cùng dự án này.
Sau thỏa thuận hợp tác của 7 nhà sản xuất ô tô lớn của châu Âu và Mỹ về dự án phát triển một tiêu chuẩn chung cho hệ thống phích cắm sạc cho xe điện được ký trước đây. Gồm có Audi, BMW, Daimler, Ford, General Motors, Porsche và Volkswagen về một thỏa thuận dùng chung trạm nạp. Nhằm thúc đẩy thị trường xe điện tại châu Âu và Mỹ. Theo đó, tất cả các dòng xe điện từ những nhà sản xuất này có thể cùng sử dụng hệ thống trạm nạp năng lượng lắp đặt ở châu Âu và Mỹ. Hệ thống trạm năng lượng này sẽ có cùng tiêu chuẩn thiết kế về dòng điện, chân sạc và các mẫu xe điện của 7 hãng trên sẽ dễ dàng nạp nhiên liệu ở bất kỳ đâu trong khu vực.
Giắc cắm sạc kiểu cũ J1772
Vấn đề này được đưa ra bởi sau khi thị trường xe ô tô chạy điện ngày càng mở rộng, nhiều nhà sản xuất với nhiều kiểu thiết kế nạp điện khác nhau. Gây ra sự tốn kém lãng phí và rắc rối cho việc đầu tư các trạm nạp, ảnh hưởng lớn tới người tiêu dùng. Giống như tình trạng của thị trường điện thoại di động. Mỗi hãng đều tự phát triển chân cắm sạc khác nhau rối rắm với người dùng. Vì vậy từ sáng kiến của hiệp hội kỹ sư ôtô Mỹ (SAE) nhằm đưa ra tiêu chuẩn chân sạc chung cho thị trường Bắc Mỹ, các nhà sản xuất xe điện châu Âu cũng tham gia, trừ các hãng xe điện Nhật vẫn tự sản xuất chuẩn riêng của họ.
Giắc cắm sạc theo tiêu chuẩn Nhật CHAdeMO
Đến hiện tại một mẫu giắc cắm có thiết kế chuẩn cho tất cả các loại xe điện đã chính thức ra mắt có tên Combo J1772. Dựa trên mẫu “phích cắm” kiểu cũ J1772 (năm 2009) chỉ có chân sạc AC - điện xoay chiều. Thiết kế giắc cắm tiêu chuẩn mới đã có thêm chân cắm DC - điện một chiều. Tuy các hãng điện của Nhật đã đứng ngoài thỏa thuận này, không tham gia cùng dự án với lý do riêng, nhưng xe của họ cũng có thể dùng “ké” thoải mái vì giắc cắm mới cho phép xe Nhật cũng kết nối được vào trạm.
Trước đây các dòng xe điện từ Âu, Mỹ và Nhật đều có kiểu sạc khác nhau với dòng điện xoay chiều hoặc một chiều do có những khác biệt về hệ thống điện. Giắc cắm mới (Combo J1772 ) với tính năng kép, đáp ứng được cả hai hệ thống trên. Trạm sạc dùng nguồn AC - điện dân dụng xoay chiều có dòng điện nạp nhỏ, thời gian sạc lâu nhưng dễ xây dựng. Trạm sạc dùng nguồn DC – điện một chiều có cường độ dòng điện lớn, thời gian nạp nhanh nhưng thiết kế tốn kém ít phổ biến. Tiêu chuẩn mới cũng đáp ứng được sự khác nhau về tính năng an toàn và cấp độ xe. Giắc cắm luôn đảm bảo an toàn khi sử dụng trong mọi điều kiện thời tiết. Mọi kết nối chỉ "sống" trong lúc xe nạp điện. Cũng có hai mức sạc theo tiêu chuẩn mới. Mức sạc trong 3 giờ sử dụng nguồn điện 220 V và với nguồn 480 V hoặc cao hơn với thời gian sạc siêu nhanh là 10 phút.
Sự khác biệt về hệ thống sạc cho xe điện tồn tại một thời gian dài cũng bởi từng có 2 quan điểm khác nhau về vấn đề đầu tư và phát triển trạm sạc giữa các nhà sản xuất Âu, Mỹ và Nhật. Các nhà sản xuất Âu Mỹ thì chủ trương đầu tư cho các nhà cung cấp các trạm nạp cho xe điện, như BMW, GM, Ford, VW, Fisker Automotive đều tích cực đổ tiền vào bộ phận ChargePoint của tập đoàn Coulomb Technologies - nhà cung cấp các trạm nạp và vận hành mạng lưới toàn cầu tại hơn 14 nước. Nhưng người Nhật thì lại có quan điểm khác, trong buổi hội thảo về phát triển thị trường xe điện tại triển lãm Tokyo năm 2011, trả lời câu hỏi của tạp chí ÔTÔXEMAY Việt Nam về định hướng phát triển cho một hệ thống trạm nạp chung trên toàn cầu. Ông Andy Palmer – Phó chủ tịch tập đoàn Nissan, nhà sản xuất xe điện Nhật Bản thành công nhất, đã bày tỏ quan điểm khi đó của họ là chỉ xây dựng chuẩn nạp riêng về mặt kỹ thuật cho dòng xe của hãng. Còn việc mở rộng đầu tư xây dựng các trạm nạp là vấn đề kinh doanh đơn thuần từ các nhà đầu tư các trạm nhiên liệu. Cũng giống như các cây xăng phải tự đầu tư xây dựng trang thiết bị cho trạm xăng của mình để bán xăng (ở đây là bán điện) cho khách. Vì thế hiện các dòng xe điện như Nissan Leaf, Mitsubishi-i đều sử dụng giắc cắm theo tiêu chuẩn CHAdeMO (tiêu chuẩn Nhật).
Nhưng với chuẩn mới (Combo J1772), có thể thấy rằng khách hàng dùng xe Nhật cũng sẽ “vui” hơn trong việc đi tìm chỗ cắm điện. Vì họ có thể dùng giắc cắm mới để nạp điện cho xe từ kiểu trạm nạp khác. Như vậy xét về mặt thị trường, việc thuận tiện cho khách hàng trong việc sử dụng xe điện, việc xây dựng và chia sẻ hệ thống trạm nạp năng lượng. Chắc chắn sẽ tác động tích cực, đồng thời góp phần phát triển dòng xe điện và plug-in hybrid mạnh hơn nữa. Cho dù các hãng xe châu Á hiện vẫn đứng ngoài thỏa thuận này.