Khám phá nhà máy sản xuất Lexus LFA - Kỳ 3: Vì sao lại là LFA?
Nhiều người cho rằng LFA nghĩa là “Lexus Future Advance”, tuy nhiên theo “cha đẻ” Tanahashi thì điều này là không chính xác.
Sau khi hoàn thiện, bộ khung được đặt lên xe vận chuyển sang một khu vực thứ hai trong dây chuyền sản xuất LFA, cách đó nửa cây số để bước vào công đoạn sơn và lắp ráp hoàn chỉnh. Còn khách tham quan thì đi bằng xe bus.
Trên xe bus, mọi người bàn luận về cái tên LFA. Có rất nhiều câu chuyện không chính xác về ý nghĩa của cái tên này và những từ mà nó viết tắt, rằng LFA là “Lexus Future Advance”, hoặc cái gì đó đại loại như thế. Tanahashi khẳng định rằng tất cả các suy diễn này đều không chính xác.
“Cũng giống như mọi chiếc xe khác, LFA khởi đầu là một dự án nội bộ, có mã 680”, Tanahashi giải thích. Đó cũng là mã số hiện diện trong nhật ký của ông. “Ở Triển lãm ô tô Detroit năm 2005, chúng tôi đã giới thiệu chiếc concept này. Chúng tôi cần một cái tên. Tại Lexus, xe concept trưng bày trong các cuộc triển lãm phải tuân thủ theo một nguyên tắc đặt tên có hệ thống. LF nghĩa là “Lexus Future”, sau đó là dấu gạch nối và cuối cùng là 2 ký tự nữa. Tôi đã nghĩ nát óc để tìm ra cặp ký tự nào đó hay ho, nhưng tôi không thể nghĩ ra một cặp nào, nên đành chọn ký tự A”.
Mã số 680 luôn nằm trong nhật ký của Tanahashi.
Mẫu concept đầu tiên này được giới thiệu với cái tên LF-A. Bốn năm sau, Tanahashi lại đặt cho mẫu xe chính thức cái tên mới bằng một thay đổi đơn giản: “Năm 2009, chúng tôi giới thiệu phiên bản thương mại tại Triển lãm Tokyo, nên chúng tôi cần một cái tên chính thức. Một lần nữa tôi gặp khó khăn. Tôi đã nghĩ, tại sao không đơn giản là bỏ dấu gạch nối? Từ đó, LFA chính thức ra đời.”
Nhiều quyết định trong ngành công nghiệp ô tô cũng xảy ra theo cách như vậy. Các biểu tượng hoa mỹ và sâu sắc thường đến sau và là kết quả của một quá trình tìm kiếm khó khăn.
Chi tiết đắt bằng một chiếc Toyota Corolla
Quay lại với dây chuyền lắp ráp LFA. Khu vực sơn và lắp ráp là nơi mà quá khứ và tương lai của Toyota gặp nhau. Nơi này từng là một xưởng dập cũ, trước khi bị LFA chiếm chỗ. Khu xưởng bằng giàn khung thép kết cấu bắt đinh tán rộng 10.000 mét vuông này dễ làm người ta liên tưởng đến cây cầu Brooklyn hơn là xưởng sản xuất ô tô. Một chiếc cần cẩu lớn trên đầu lúc này đang tạm dừng, nhưng khi cần có thể di chuyển hết cả chiều dài khu xưởng. Khoảng một phần tư diện tích xưởng được quây tường cho khu vực sơn và lắp ráp.
Nơi quá khứ và tương lai gặp nhau.
Phần lớn thân xe của LFA, chính xác là 65% được làm từ CFRP, phần còn lại là hợp kim nhôm. Tuy nhiên, có một chi tiết đặc biệt, đó là bầu ống xả (thật ra không phải là một chi tiết của thân xe).
“Cái này được làm từ titanium”, Tanahashi cho biết.
Bầu ống xả bằng titan.
Chiếc máy bay trinh sát SR-71 Blackbird (trị giá khoảng 33 triệu USD) cũng được làm phần lớn bằng titanium. LFA sử dụng kim loại này để chế tạo bầu ống xả bởi tỷ số độ bền/khối lượng cao hơn bất kỳ kim loại nào khác. Một thanh titanium có độ cứng tương đương một thanh thép khối lượng gấp đôi. Tuy nhiên, chi tiết duy nhất được làm từ titanium này cũng đắt khó tưởng tượng. Giá thành sản xuất một linh kiện bằng titanium đắt hơn thép khoảng… 20 lần. Nếu phải thay thế bầu ống xả của LFA (điều này khó xảy ra bởi titanium có khả năng chống ăn mòn cực kỳ tốt), thì người ta phải bỏ ra một số tiền tương đương với giá bán của một chiếc Toyota Corolla.
Sau khi được đưa vào xưởng lắp ráp, bộ khung dưới dạng “body-in-black” của LFA được gá ở một vị trí mà xung quanh đó các bộ phận khác đã chờ sẵn.
Phương pháp ghép nối các chi tiết CFRP.
Lúc này, Tanahashi mang tới một mô hình vật mẫu đã được cắt ra của một chi tiết carbon có nhân xốp. Với LFA, các mối lắp ghép bằng bu-lông không đơn giản chỉ là xỏ bu-lông qua lỗ khoan rồi xiết. Họ phải sử dụng một ống đệm đặc biệt bằng nhôm để tránh chi tiết carbon bị yếu tại mối ghép, hoặc bị chà xát do bu-lông.
“Hoàn toàn không phải liền khối”
Hầu hết mọi người đều nói rằng, bộ khung của LFA là khung carbon liền khối (monocoque), tuy nhiên Tanahashi và Tamura đều phủ nhận điều này. Trong một cấu trúc liền khối, lớp vỏ thân xe bên ngoài cũng hỗ trợ chịu tải. Vỏ một quả trứng là liền khối, nhưng con gà mái thì không. Với LFA, cấu trúc khung xe được tạo nên bởi khung dầm chính ghép với các khung phụ ở phía trước và phía sau. Trên bộ khung này các panel vỏ xe có thể tháo rời được lắp lên.
Panel vè bánh trước được lắp lên bộ khung không phải liền khối của LFA.
Các panel này giống như một lớp áo, bảo vệ bộ khung bên trong và tạo nên vẻ đẹp bên ngoài, nhưng không chịu tải. Khi giải thích cấu trúc của chiếc xe, Kỹ sư trưởng Tanahashi khẳng định dứt khoát rằng “đây không phải là khung và thân liền khối”. Theo Tanahashi, cấu trúc thân và khung xe của LFA được gọi là “body-kokkaku”, hay có thể hiểu là kết cấu với các khung chịu lực chính (body frame structure). Sau một hồi thảo luận, kiểu kết cấu khung của LFA được dẫn dắt đến khái niệm “khung không gian” (space frame). Tuy nhiên, Tanahashi cũng không chấp nhận khái niệm này, vì theo ông đó là một khái niệm đã cũ, “thích hợp với kiểu khung lồng chim (birdcage), ví dụ khung của chiếc Maserati Tipo 61”. Một lần nữa, LFA không tuân theo các định nghĩa.
Kết cấu khung và thân của LFA thật ra không phải là carbon liền khối.
Một mẫu xe nhưng nhiều cách sơn
Công đoạn sơn được thực hiện trong một căn phòng sạch khác. Đầu tiên, các panel thân xe được mài nhẵn và phủ ma-tít (trong trường hợp chi tiết sơn làm bằng sợi carbon thì ma-tít thường là nhựa epoxy). Sau đó là một lớp sơn lót có màu tùy thuộc vào màu sơn cuối cùng của xe. Kế đến là màu sơn chính và cuối cùng là lớp sơn trong suốt tạo độ bóng. Các lớp này được làm khô ở nhiệt độ 90 độ C trong thời gian 20 phút. Mọi lớp đều được kiểm tra kỹ lưỡng dưới điều kiện chiếu sáng đặc biệt.
Lexus LFA có thể có tới 30 màu sơn. Trong đó, đen mờ và trắng thuần túy là những màu khó thực hiện nhất. Màu đen mờ thì không thể làm bóng và để xử lý màu này là rất kỳ công. Tuy nhiên, điểm đáng mừng đối với các chuyên gia sơn của Lexus đó là đơn đặt hàng màu sơn này không nhiều, chỉ có 12 trong tổng số 500 khách hàng mua LFA yêu cầu sơn màu đen mờ.
Kiểm tra nước sơn.
Phổ biến nhất là màu trắng thuần túy. Lớp nền của chiếc xe sơn màu này phải được phủ bằng một lớp phản xạ màu trắng và xanh dưới ánh sáng huỳnh quang, sau đó là một lớp bóng và cuối cùng là lớp trong suốt. Màu trắng ngọc là màu được yêu cầu nhiều thứ 2, kế đến là màu đen thông thường và màu đỏ.
Tuyển chọn bình thường
Quá trình lắp ráp hoàn chỉnh một chiếc Lexus LFA mất 4 ngày, đây là giai đoạn thứ 2 trong tổng thời gian 8 ngày biến đổi từ những sợi carbon thành cỗ máy tốc độ. Ở 4 ngày này, chiếc xe di chuyển rất chậm rãi dọc theo dây chuyền lắp ráp. Đó là các công việc được thực hiện bằng tay, nhưng mô tả một cách hoa mỹ thì nó giống như một dàn nhạc giao hưởng. Mọi thiết bị, chi tiết, mọi thao tác của công nhân đều được thực hiện theo một chu trình chính xác về thời gian và có mục đích riêng. Cũng giống như một bản giao hưởng có khuông nhạc, tại mỗi khu vực đều có một danh mục các công việc cần phải thực hiện. Nếu khéo tưởng tượng người ta có thể cảm nhận được nhịp, thậm chí nghe được các giai điệu của dây chuyền lắp ráp này.
Dàn nhạc bao gồm 170 nhạc công của LFA cũng có nhạc trưởng riêng của mình. Ông tên là Shigeru Yamanaka. Trước khi quản lý xưởng sản xuất LFA, Shigeru Yamanaka từng là huấn luyện viên đội bóng chày Toyota.
“Huấn luyện viên” Shigeru Yamanaka.
Nếu có ai đó hy vọng khai thác được từ ông câu chuyện về cách thức mà ông tuyển chọn các công nhân ưu tú nhất, có tay nghề cao nhất cho xưởng sản xuất này, giống như cách thức tuyển chọn phi hành gia chẳng hạn, thì hẳn là người đó sẽ thất vọng.
“Tôi tuyển chọn thông qua Phòng nhân sự”, Yamanaka nói về cách thức ông tập hợp công nhân cho phân xưởng này.
“Tôi nhìn vào đam mê”, Yamanaka nói “Tôi tìm kiếm những người muốn làm điều gì đó đặc biệt. Kỹ năng tôi có thể huấn luyện. Sự hăng hái và đam mê là do bạn”.
Tươi cười hoặc tập trung cao độ.
Xuyên suốt dây chuyền sản xuất này, người ta có thể thấy chủ yếu hai cách biểu lộ trên khuôn mặt của những người đang làm việc ở đây: tươi cười hoặc tập trung cao độ. Nói như cách của Thetruthaboutcars thì LFA được sản xuất bởi 65% carbon, 35% nhôm và 100% sự cống hiến.
Trên dây chuyền di chuyển chậm rãi, LFA đi qua khu vực chính, nơi mà chiếc xe được lắp các bộ phận khác nằm trên những đường ray nhỏ hơn. Một trong số đó là dây chuyền phụ, mang cỗ máy V10 của Lexus.
(Còn tiếp kỳ 4: Khám phá nhà máy sản xuất Lexus LFA: Cân bằng công suất).