GM ứng dụng công nghệ biến thiên dung tích xi-lanh "bỏ lửa" mới
Nhờ tính toán và điều khiển của hệ thông điện tử, việc đánh lửa của từng bugi trên mỗi xi-lanh sẽ được hệ thống quyết định để đem lại hiệu quả làm việc của động cơ cho phù hợp với chế độ vận hành và thao tác của người lái. Đây là phương pháp biến thiên xi-lanh, đem lại hiệu quả cao hơn việc ngắt các xi-lanh cố định trên các hệ thống hiện tại.
Hiện tại, công nghệ biến thiên dung tích xi-lanh (công nghệ ngắt xi-lanh)
sử dụng các cơ cấu cơ khí hoặc thủy lực.
Công nghệ biến thiên dung tích xi-lanh phát triển từ thế kỷ XIX trên các dòng động cơ nhiều xi-lanh. Công nghệ này đã chính thức được các nhà sản xuất ôtô ứng dụng lần đầu tiên trên các mẫu xe thương mại vào năm 2005.
Cadillac là một trong những hãng xe đầu tiên giới thiệu công nghệ này với động cơ có tên L62 V8-6-4. Tên gọi này cho biết động cơ có thể làm việc ở các chế độ sử dụng 8 xi-lanh hay chỉ sử dụng 6 hoặc 4 xi-lanh duy trì làm việc. Mitsubishi cũng ứng dụng công nghệ này với tên gọi MD (Modulated Displacement) trên mẫu động cơ 4G12 traight-4.
Sau đó, nhờ hiệu quả tiết kiệm nhiên liệu, công nghệ này được các hãng xe hơi ứng dụng rộng rãi với các tên gọi khác nhau, phụ thuộc vào nhà sản xuất. Tuy nhiên, hệ thống biến thiên dung tích hiện vẫn sử dụng các cơ cấu điều khiển hoặc cơ khí hoặc thủy lực dưới sự hỗ trợ của hệ thống điện tử để ngừng sự hoạt động của các xi-lanh. Điều này khiến hệ thống vẫn còn độ trễ vào thời gian hoạt động với số lượng cố định xi-lanh còn dài, chưa linh hoạt nhanh chóng được.
Công nghệ biến thiên dung tích xi-lanh "bỏ lửa" mới sẽ có mặt trên các mẫu xe của GM
Công nghệ biến thiên dung tích xi-lanh mới có tên gọi DSF (Dynamic Skip Fire) đang được Tula Technology - công ty hợp tác và nhận được nguồn tài trợ từ GM Ventures LLC (thuộc tập đoàn GM). Công nghệ này đang trong giai đoạn ứng dụng. Trong tương lai gần, các dòng xe sử dụng động cơ nhiều xi-lanh của GM sẽ ứng dụng công nghệ này.
Công nghệ này không cần các cơ cấu nặng nề, phức tạp, cơ khí hay thủy lực mà chỉ cần hệ thống điện tử điều khiển sự đánh lửa của các bugi trên từng xi-lanh. Việc điều khiển hoạt động của xi-lanh chỉ cần điều khiển thông qua đánh lửa của bugi trên xi-lanh đó. Muốn xi-lanh nào ngừng hoạt động, hệ thống chỉ dừng việc đánh lửa trên bugi (“bỏ lửa”) của xi-lanh đó. Đó chính là bí quyết điều khiển của công nghệ biến thiên dung tích xi-lanh làm việc DSF mới. Điều này cho phép hệ thống có thể điều khiển trong từng chu kì làm việc của xi-lanh. Đồng thời, trong một chu kì, số xi-lanh sinh công có thể linh hoạt chủ động lựa chọn để phù hợp nhất với chế độ vận hành và thao tác của người lái. Điều này đem lại khả năng đáp ứng công suất và mô-men tối ưu của động cơ với vận hành và giảm rung động tối đa của động cơ khi làm việc.
Nhờ ứng dụng hệ thống mới này, động cơ V6 hoặc V8 mới sẽ tiết kiệm nhiên liệu khoảng 5-10% so với các động cơ sử dụng công nghệ ngắt xi-lanh hiện tại và 15% so với các động cơ không sử dụng công nghệ biến thiên dung tích xi-lanh.
GM cho rằng: Công nghệ này sẽ là bước tiến mới của công nghệ biến thiên dung tích xi-lanh, hứa hẹn các công nghệ tiết kiệm nhiên liệu sẽ có bước tiến mới. Các hãng xe Nhật Bản, Hàn Quốc và châu Âu chọn phát triển các dòng động cơ cỡ nhỏ, sử dụng tăng áp và giảm số xi-lanh để tiết kiệm nhiên liệu.
Riêng năm 2015, các dòng động cơ cỡ nhỏ hiệu suất cao sẽ được các hãng xe giới thiệu như: Ford Ecoboost I-3, Volvo Drive E 3 xi-lanh, Hyundai Kappa, các dòng động cơ 3 xi-lanh của Audi... Riêng GM chọn hướng giải quyết vấn đề kinh tế bằng việc sử dụng công nghệ biến thiên dung tích xi-lanh… “bỏ lửa”. Công nghệ này phù hợp để giải quyết vấn đề nhiên liệu của các dòng động cơ nhiều xi-lanh thường thấy trên các mẫu xe Mỹ.