Chế tạo xe hybrid bằng công nghệ in 3D
Kor Ecologic đến từ Canada hôm qua 15/10 đã trình làng chiếc xe thứ hai chế tạo bằng công nghệ in 3D. Điểm khác biệt là xe sử dụng hệ thống hybrid và sẽ được thử thách bằng hành trình xuyên nước Mỹ.
Công nghệ in 3D đã được các nhà khoa học đặt nền tảng từ cách đây 3 thập kỷ, và được ứng dụng trong ngành công nghiệp xe hơi lần đầu tiên bởi công ty của Jim Kor. Chiếc xe đầu tiên Urbee được xuất xưởng hồi tháng 9/2011 bằng các sử dụng máy in 3D đặc biệt, “xuất xưởng” sau 2.500 giờ, theo cách tương tự cách mà các máy in phủ mực lên giấy hiện nay. Nhưng máy in của Kor lại được “đổ” composite và phun nhiều lớp để hình thành lớp vỏ cứng lên một cái khuôn dựng sẵn. Sau đó, xe được gia cố bằng bộ khung kim loại.
Trong bài phát biểu tại một hội nghị được tổ chức ở San Francisco ngày 15/10, Kor cho biết: “Điều mà chúng tôi thích ở công nghệ in 3D là nó có thể in bất cứ thứ gì”. Trên thực tế, Urbee chỉ là một món đồ chơi không hơn không kém, in ra rồi để đấy. Còn chiếc xe thứ hai, cũng mới ở dạng mô hình, cho tới khi thử thách đầu tiên diễn ra vào năm 2015.
Chiếc xe được thiết kế khá thấp, hình thoi, 2 chỗ ngồi và 3 bánh. Kor và các đồng nghiệp của anh - từng thiết kế xe bus và các thiết bị nông nghiệp – đã tạo ra một chiếc xe tối ưu các đặc điểm khí động học.
Kor cho biết anh cùng các nhân viên của mình dự định sẽ lái chiếc xe từ New York đến San Francisco vào năm 2015. Chuyến đi được thực hiện trên chiếc Urbee 2 nhỏ gọn sẽ tiêu tốn chưa đầy 40 lít xăng, Kor nói. Khoảng cách giữa 2 thành phố này là… hơn 4.100km.
Theo sử sách ghi nhận, hành trình xuyên nước Mỹ bằng xe hơi đầu tiên diễn ra năm 1903 cũng đã chọn 2 thành phố kể trên, chỉ có điều nó đi từ bờ Tây sang bờ Đông, tức là theo chiều ngược lại. Năm đó, Horatio Jackson và Sewall Crocker đã lái xe từ San Francisco đến New York trong khoảng thời gian là 2 tháng 9 ngày.
Ngay cả khi chiếc xe của Kor không thực hiện được hành trình lịch sử trên, việc chế tạo xe hơi và bất kỳ thứ gì khác bằng công nghệ 3D cũng chỉ là chuyện sớm muộn. Trong lúc này, có lẽ các chiến lược gia ngành ôtô Việt Nam nên thôi loay hoay với chuyện không sản xuất được bu-lông ốc vít đi để mà phóng tầm mắt ra xa hơn về tương lai.