Phòng tránh nổ lốp bất ngờ để không bị tai nạn đáng tiếc

Nổ lốp bất ngờ là tình trạng dễ xảy ra vào những ngày nắng nóng. Lúc này, tài xế thường mất lái và nguy cơ xảy ra va chạm rất cao. Vì thế, việc “bỏ túi” kinh nghiệm xử lý tình huống xe bất ngờ nổ lốp có thể giúp tài xế tránh tai nạn đáng tiếc.

Phong-tranh-no-lop-bat-ngo-de-khong-bi-tai-nan-dang-tiec-anh-1
 
Phòng tránh lốp nổ bất ngờ
Không dùng lốp lưu kho hơn 5 năm: Khi mua lốp xe mới, chúng ta nên chú ý ngày tháng sản xuất khắc trên lốp. Nếu lốp đã tồn kho hơn 5 năm kể từ ngày sản xuất, thì không nên dùng, dù trông sản phẩm vẫn còn mới nguyên. Bên cạnh đó, cẩn thận ghi chép thời điểm thay lốp mới và chỉ số km ở đồng hồ công-tơ-mét để có căn cứ chính xác khi cần thay lốp.
 
Kiểm tra lốp thường xuyên: Vào mùa nắng nóng, chúng ta nên tiến hành kiểm tra lốp thường xuyên để phát hiện và khắc phục kịp thời các nguy cơ tiềm ẩn. Chẳng hạn như: lốp mòn, áp suất không đều hay lốp quá căng... Khi thấy lốp đã quá mòn, thì thay ngay. Nếu áp suất không đúng tiêu chuẩn, cần điều chỉnh lại.
 
Ôm cua với tốc độ chậm: Khi xe ôm cua, lốp sẽ bị bẻ gấp. Lúc này, lốp vừa chịu lực lớn tác động lên thành (lốp) vừa chịu lực xé ngang, từ đó tăng nguy cơ nổ lốp. Vì thế, nên hạn chế việc ôm cua gắt với tốc độ nhanh.
 
Cho xe nghỉ ngơi sau hành trình dài: Khi phía trước là quãng đường xa, việc cho xe nghỉ ngơi giữa chặng là cần thiết, nhất là khi thời tiết nắng nóng hơn 40 độ C. Trong nền nhiệt này, lốp xe tiếp xúc với đường càng lâu, với tốc độ cao, càng sinh nhiệt lớn, khiến lốp có thể bị nở hơi và nổ bất ngờ.
 
Không dùng lốp quá 40.000km: Theo khuyến cáo của nhà sản xuất, lốp xe cần thay sau khoảng 5-6 năm sử dụng hoặc xe đã đi khoảng 40-50 nghìn km. Trường hợp xe thường chạy đường trường, địa hình xấu... chúng ta nên căn cứ tình hình thực tế cũng như độ mòn của lốp để điều chỉnh thời gian thay thế hợp lý. Kinh nghiệm cho thấy lốp dù có chất lượng tốt, thì cũng không nên dùng quá 80 nghìn km đối với xe tải và 40 nghìn km với xe du lịch.
 
Muốn xử lý tốt tình huống xe nổ lốp bất ngờ phải tập thói quen cầm lái đúng cách, nghĩa là tay trái nắm vô lăng ở vị trí 9 giờ, trong khi tay phải ở vị trí 3 giờ. Đây là cách cầm vô lăng giúp người điều khiển xe luôn chắc tay để đối phó tốt hơn với tình huống bất ngờ trên đường.
 
Phong-tranh-no-lop-bat-ngo-de-khong-bi-tai-nan-dang-tiec-anh-2
 
Luyện tâm thế bình tĩnh trước mọi sự cố. Thông thường khi lốp bị nổ bất ngờ, đa số tài xế đều giật mình, thậm chí hoảng loạn và xử lý theo cảm tính, đánh tay lái về phía ngược lại do thấy xe nghiêng sang một bên, vô tình làm trạng thái mất cân bằng của xe trở nên trầm trọng hơn, rất dễ mất lái. Thao tác đúng là cố gắng duy trì vô lăng giữ xe chạy thẳng đúng làn đường, nhả nhẹ chân ga, từ từ rà phanh, chờ các hệ thống hỗ trợ lái xe an toàn can thiệp xử lý.
 
Khi xe trở về trạng thái cân bằng, không vội vã đạp chân phanh mà kiên nhẫn rà phanh và đánh lái cho xe tấp vào lề kết hợp bật đèn ưu tiên cho đến khi xe dừng hẳn.