Toyota ngại Thái Lan, Malaysia xóa bảo hộ, Việt Nam án binh bất động

Ngành sản xuất ôtô Thái Lan gặp khó khăn do bất ổn chính trị, Malaysia nhanh chóng tung ra chính sách khuyến khích đầu tư mới, xóa bỏ việc bảo hộ các hãng ôtô nội địa. Trong lúc đó, Việt Nam tiếp tục để cơ hội trôi qua khi quẩn quanh với các kế hoạch tận thu từ việc đánh thuế ôtô cao ngất ngưởng.

Toyota cân nhắc giảm sản lượng ở Thái
 
Hãng xe lớn nhất thế giới là Toyota hôm qua cho biết có thể xem xét lại khoản đầu tư lên đến 20 tỷ baht (609 triệu USD) vào Thái Lan, thậm chí có thể cắt giảm sản lượng, nếu tình trạng bất ổn chính trị kéo dài, Kyoichi Tanada, Tổng giám đốc Toyota Thái Lan, trao đổi với hãng tin Reuters.
 
“Đối với các nhà đầu tư nước ngoài, tình hình chính trị có thể buộc họ phải tìm kiếm cơ hội ở những nơi khác”, Tanada nói. “Những nhà đầu tư từ lâu như Toyota sẽ không làm thế. Nhưng chúng tôi không chắc mình có thể tiếp tục mở rộng hay không”.
 
Thái Lan là thị trường ôtô lớn nhất ở Đông Nam Á, đồng thời là trung tâm sản xuất xe toàn cầu cho nhiều hãng, bao gồm cả Honda và và Ford. Trong đó, Toyota là nhà sản xuất xe hơi lớn nhất, với 850.000 xe vào năm 2013, khoảng 445.000 bán trong nước, số còn lại xuất khẩu. Từ đầu năm ngoái, hãng đã đặt kế hoạch tăng sản lượng thêm 200.000 xe trong vòng 3-4 năm tới.
 
Theo ước tính của Toyota Thái Lan, lượng tiêu thụ giảm và kinh tế tăng trưởng chậm sẽ khiến lượng tiêu thụ xe năm 2014 sẽ giảm 13,6%, xuống còn 1,15 triệu chiếc (năm ngoái là 1,33 triệu xe, giảm 7,7%). Đây sẽ là năm thứ hai thị trường ôtô nước này giảm, sau khi tăng tới 80% vào năm 2012, nhờ chính sách trợ cấp cho trợ cấp cho người mua xe lần đầu và nhu cầu tăng vọt sau khi sản lượng xe bị sụt giảm mạnh do trận lũ lịch sử cuối năm 2011.
 
Malaysia mở cửa thị trường
 
Cùng lúc đó, Bộ Thương mại Malaysia ngày 20/1 tổ chức họp báo công bố chính sách mới khuyến khích sản xuất ôtô, tăng ưu đãi, giảm đánh thuế đối với xe nước ngoài, nhằm thu hút những khoản đầu tư khổng lồ đang đổ vào Thái Lan và Indonesia.
 

Bộ Thương mại Malaysia Mustapa Mohamed với lời hứa giảm giá xe 20-30% trong 5 năm tới. Ảnh: The Star
 
Theo Bộ trưởng Mustapa Mohamed, chính sách mới nhắm đến những nhà đầu tư đáp ứng yêu cầu sản xuất ôtô nhỏ, tiết kiệm nhiên liệu. Đây là một sự thay đổi lớn so với chính sách trước đây chăm chăm bảo hộ các hãng xe nội địa thuộc sở hữu nhà nước là Proton và Perodua, khi chỉ cấp phép hạn chế cho một số hãng xe, với những mẫu xe có động cơ dung tích 1,8 lít trở lên.
 
Ông Mustapa cho biết mục đích của việc ban hành chính sách mới là nhằm nâng cao tổng sản lượng ngành công nghiệp lên 1,25 triệu xe, trong đó 250.000 xe dành cho xuất khẩu vào năm 2020. Năm ngoái, Malaysia sản xuất khoảng 570.000 xe và xuất khẩu 20.000 chiếc. Con số này là mơ ước của Việt Nam, nhưng thua xa Thái Lan, với hơn 2 triệu ôtô sản xuất trong năm 2013, trong khi Indonesia đã vượt mốc 1 triệu chiếc.
 
Chính sách này cũng nhằm mục đích tăng gấp đôi kim ngạch xuất khẩu phụ tùng và linh kiện ôtô, đạt 10 tỷ ringgit (3 tỷ USD) vào năm 2020.
 
Ưu đãi bao gồm giảm thuế và trợ cấp sẽ được cung cấp cho các nhà sản xuất dựa vào đầu tư của họ. Cùng với đó là ngân sách hơn 2 tỷ ringgit (603 triệu USD) cho vay ưu đãi dành cho việc phát triển xe tiết kiệm nhiên liệu.
 
Theo Mustapa, sẽ không có sự phân biệt đối xử giữa các doanh nghiệp quốc doanh với các liên doanh với nước ngoài. “Thái Lan và Indonesia cũng đang có những chính sách tương tự, nhưng những gì chúng tôi thực hiện sẽ toàn diện hơn. Thị trường xe tiết kiệm nhiên liệu hoàn toàn rộng mở”, ông nói.
 
Ngoài ra, Bộ này cũng đã có một kế hoạch nhằm giảm giá xe 20-30% trong vòng 5 năm tới.
 
Việt Nam án binh bất động
 
Chính sách mới của Malaysia sẽ khiến các hãng xe nội địa được bảo bọc hàng chục năm qua gặp khó khăn hơn nữa. Từng thống trị thị trường, thị phần của Proton hiện chỉ còn chưa đầy 30%, so với hơn hai phần ba cách nay một thập kỷ. Tuy nhiên, người Mã chấp nhận điều đó như một sự sửa sai.
 
5 năm trước, Malaysia từng là thị trường ôtô hàng đầu Đông Nam Á, với quy mô gần bằng Thái Lan nhưng hiện thụt lùi rất xa. Nguyên nhân chính là do việc ưu đãi tối đa cho các doanh nghiệp ôtô nhà nước. Cũng như Việt Nam, thuế nhập khẩu xe nguyên chiếc vào Malaysisa đang giảm dần theo quy định của AFTA, nhưng thuế tiêu thụ đặc biệt vẫn còn rất cao, từ 65 đến 105%.
 
Theo Mustapa, chính phủ nước này năm ngoái thu được 9,83 tỷ ringgit (3 tỷ USD) tiền thuế từ ngành công nghiệp ôtô, trong đó thuế tiêu thụ đặc biệt chiếm tới 75%. Tính tổng cộng, cả ngành công nghiệp ôtô đóng góp khoảng 3,4% vào tổng sản phẩm quốc gia (GNP).
 
Cũng như Việt Nam, Malaysia không có ý định giảm thuế tiêu thụ đặc biệt, do sẽ làm trầm trọng tình trạng thâm hụt ngân sách. Tuy nhiên, khác với Malaysia, Việt Nam hồi đầu năm một lần nữa đặt đề án mới về phát triển công nghiệp ôtô Việt Nam đến năm 2020, tầm nhìn đến năm 2030, nhưng đến nay vẫn dừng nguyên ở đó.
 
Các loại thuế, phí khiến giá và chi phí sử dụng xe cao ngất ngưởng không những không giảm, mà mới đây, lại còn có đề nghị từ phía Hải quan về việc tăng thuế tiêu thụ đặc biệt với xe dung tích 3 lít trở lên, nhằm bù vào phần thiếu hụt khi phải giảm thuế nhập khẩu. Và như hai thập kỷ vừa qua, vẫn không thể đặt ra một chính sách nhất quán trong định hướng phát triển: Vừa muốn ngành ôtô phát triển, vừa lập quy hoạch giao thông hạn chế lượng xe hơi vào năm 2020 ở mức 3,5 triệu chiếc.
 
“Ở các nước đang phát triển như Việt Nam, bạn phải chuẩn bị cho những thay đổi bất ngờ do ảnh hưởng của môi trường kinh doanh bởi vì không bao giờ biết điều gì sẽ xảy ra trong những tháng sắp tới”, ông Anderas Klingler, Tổng giám đốc Porsche Việt Nam, phát biểu khi trả lời phỏng vấn của Songmoi.vn mới đây.
 
Đấy là lý do thị trường ôtô Việt Nam năm 2014 dự đoán chỉ tăng thêm 10 nghìn xe, một con số không thấm vào đâu so với quy mô dân số tăng trung bình 1 triệu người mỗi năm.
 
X.O.
 

Tin tổng hợp

otoxemay.vn