Mẫu xe “rẻ nhất thế giới” Tata Nano sắp bị khai tử

Hãng ôtô Tata của Ấn Độ đang chuẩn bị “khai tử” Nano - mẫu xe ra đời cách đây một thập kỷ với danh hiệu “chiếc xe mới rẻ nhất thế giới”.

 
“Cái chết” của Nano được minh chứng rõ ràng bằng sản lượng. Tờ Thời báo kinh tế Ấn Độ cho biết, tháng 6 vừa qua, Tata chỉ sản xuất đúng một chiếc Nano, sụt giảm đáng kể so với con số 275 xe cùng kỳ năm 2017. Thậm chí không có một xe nào được xuất khẩu, trong khi tháng 6 năm ngoái đạt 25 chiếc.
 
Chính hãng xe Ấn Độ cũng phải thừa nhận rằng: Với tình trạng hiện tại, Nano khó có thể “sống sót” sau năm 2019.
 
Tata Nano ra mắt vào năm 2008 tại Auto Expo và được quảng cáo là mẫu xe rẻ nhất thế giới với giá khởi điểm 100.000 Rupi, tương đương 1.500 USD. Sau đó, mức giá tăng dần lên 236.477 Rupi (3.435 USD) ở thời điểm hiện tại.
 
Mang trên mình rất nhiều kỳ vọng nhưng ngay từ đầu, Nano đã vướng phải không ít rắc rối. Theo kế hoạch, xe sẽ được sản xuất tại nhà máy của Tata ở Singur (West Bengal). Tuy nhiên, trước những cuộc biểu tình của nông dân trước việc bị thu hồi đất, công ty phải chuyển dây chuyền sản xuất sang một cơ sở mới ở Gujarat.
 
Suốt gần một thập kỷ có mặt trên thị trường, Nano không hoàn thành các chỉ tiêu về doanh số. Một trong những nguyên nhân đầu tiên là việc mẫu xe bị phàn nàn vì thiếu an toàn. Năm 2009 là thời kỳ khủng hoảng đối với Tata khi Nano liên tục gặp sự cố cháy nổ khiến người tiêu dùng ngày càng mất niềm tin và bắt đầu xa lánh.
 
Trường hợp của Nano trở thành bài học đắt giá cho bất cứ hãng ôtô nào muốn thành công ở Ấn Độ: Việc cắt giảm chi phí “đến tận xương tủy” để theo đuổi danh tiếng sẽ trở nên vô nghĩa nếu như bản thân sản phẩm không đủ sức hấp dẫn, đặc biệt ở một thị trường luôn tập trung vào giá trị như Ấn Độ.
 
Chiếc xe “rẻ nhất thế giới” thất bại trong bối cảnh phần còn lại của thị trường xe hơi Ấn Độ đang chứng kiến sự tăng trưởng ở mọi phân khúc. Cụ thể, kết thúc tháng vừa qua, lượng tiêu thụ xe du lịch tăng trưởng 38%, trong khi xe thương mại cũng cải thiện 42%.