Dàn nhạc thính phòng Vienna và đêm nhạc Toyota

Hà Nội có nhiều nét đẹp của một thành phố còn vương nhiều nét của một đô thị châu Âu xưa cũ hơn thế kỷ trước. Và vẻ đẹp đó thật mê hồn trong những buổi tối cuối thu đầu đông se se lạnh tại khu trung tâm thành phố. Nhất là khi bạn đi nghe nhạc giao hưởng, đứng trên bậc thềm Nhà hát lớn cổ xưa ngắm nhìn những con phố vắng vẻ hun hút đi vào trong những cơn gió.

Tối chủ nhật 4/11 là một tối như vậy. Đặc sắc của tối hôm đó là giàn nhạc giao hưởng thính phòng Vienna trình diễn  trong đêm nhạc Toyota, và chỉ trình diễn ở Việt Nam có một đêm để rồi thứ ba tới họ đã chơi ở Seoul, Hàn Quốc. Sau đó là Malaysia, Brunei, Philippines. Dàn nhạc thính phòng hàng đầu thế giới và lại đến từ Vienna, kinh đô âm nhạc quốc tế, nên lịch trình lúc nào cũng kín đặc ở quy mô toàn cầu.
 
Có điều, ba khuôn mặt chính của buổi diễn lại là ba nghệ sỹ châu Á. Nhạc trưởng Joji Hattori đến từ Nhật Bản, nơi ông là một nhạc sỹ trong những nhạc sỹ đứng đầu của thế hệ mình. Ông vốn biểu diễn violon, sống nhiều năm ở Áo để cảm nhận đến sâu thẳm vẻ đẹp của âm nhạc cổ điển châu Âu, để đứng lên chỉ huy dàn nhạc. Nghệ sỹ guitar Soichi Murajy, nghệ sỹ guitar cổ điển người Nhật nổi tiếng nhất hiện nay sinh năm 1982 và hiện sống tại Washington DC. Những đêm biểu diễn của anh làm say đắm những người yêu thích guitar trên toàn thế giới. Và, điều làm nức lòng khán giả Việt Nam là nghệ sỹ Lê Hoài Nam chơi violon. Anh sinh tại Hà Nội, bắt đầu học nhạc tại nhạc viện Hà Nội và hiện là bè trưởng bè violon 2 của Hongkong Sinfonetta và giảng dạy tại học viện nghệ thuật biểu diễn Hongkong. Anh biểu diễn cùng cây đàn Raffacle ed Antonio Gagliano 1846.
 
Và đêm nhạc xứng đáng với sự kỳ vọng. Mở màn với các giai điệu của Bethoven: Khúc mở màn Egmont. Một mở đầu bay bổng đưa ta vào thế giới của âm nhạc: huyền thoại và siêu thực. Tiếp đó, giai điệu sống động của Vivaldi, Concerto cho Mandolin giọng đô trưởng, vang lên trong phòng nhạc Hà Nội cổ xưa với sự điêu luyện của nhạc sỹ guitar Soichi Murajy. Và rồi âm vang cả nhạc sỹ Nga thiên tài Tchaikovsky, rất quen biết với người Việt, khúc“Giai điệu” trong “Ký ức về chốn thân thương” được nhạc sỹ Lê Hoài Nam chơi thật nhiệt tình và sống động. Anh được sống với cố hương thân thương chăng?
 
Rồi đến những bản khác, những bản nhạc cổ điển của những nhà soạn nhạc cũng đã trở thành kinh điển: Strauss, Joaquin Rođrige, Astor Piazzolla, Richard Rodgers...
 
Một đêm nhạc tuyệt vời. Một buổi biểu diễn làm cho người ta hiểu được thế nào là châu Âu, thế nào là đô thành và tại sao lại cần có nhạc cổ điển. Đêm nhạc làm cho Hà Nội sống động hơn và trở thành một nơi chốn đáng sống hơn.
 
Có điều, buổi biểu diễn luôn bị cắt rời bởi những tràng vỗ tay nhiều khi không đúng lúc, nhiều khi không biết kết thúc ở chỗ cần dừng, ở chỗ để cho âm nhạc đọng lại. Đến nỗi chỉ huy dàn nhạc Joji Hattory đã phải hóm hỉnh nhận xét rằng khó mà rời khỏi Việt Nam vì các bạn vỗ tay liên tục làm chúng tôi cứ phải chơi thêm. Người chỉ huy này thậm chí đã phải vui vẻ hướng dẫn cho khán giả biết cần phải vỗ tay như thế nào khi ông sẽ chỉ huy bản cuối cùng sau rất nhiều giai điệu đã chơi để đáp ứng tiếng vỗ tay của khán giả Việt.
 
Có vẻ khán giả Việt chúng ta chưa đủ tự tin để nghe nhạc cổ điển, và vỗ tay luôn luôn vì ngại rằng không vỗ như thế sẽ thất thố chăng. Thậm chí lại có kẻ nào đó để chuông điện thoại réo inh ỏi: nghe điện thoại nhiều khi vẫn còn là cái quá quan trọng với ai đó cứ như nghe nó là để khẳng định mình còn tồn tại.
 
Cũng có điều, mới hơn 10 giờ đêm khi chương trình kết thúc mà phố xá đã vắng hoe. Hai quán cafe sang trọng đối diện Nhà hát lớn, Paris Delhi và Highland đã lục tục xếp bàn ghế ngoài đường: gần như không còn khách nữa. Vậy mà đáng ra đây mới là lúc để người ta túm tụm bàn về âm nhạc, về cuộc sống, và về những gì cao cả, những gì mơ ước cho một ngày mai tốt đẹp hơn. Cuộc sống đi lên phải nhờ những cuộc thảo luận sôi nổi như thế, những cuộc tranh luận tạo ra những thoả mãn tinh thần để xây dựng...
 
Ngày xưa, những quán ca fe ở châu Âu đã là nơi để khoa học, nghệ thuật, văn chương hình thành, và hình thành nên cả lối sống sáng tạo hiện đại. Ở đó con người chắt lọc tinh hoa từ những cái cũ và tạo ra thế giới mới từ những ý tưởng nảy sinh ra giữa con người.
 
Những thành phố lớn không biết ngủ đêm. Trong khi đó, mới 22 giờ 30 phút, trung tâm Hà Nội đã đi vào màn đêm tĩnh lặng.
 

Tin tổng hợp

otoxemay.vn