Vì sao thị trường không “mặn mà” với xe hơi thông minh

“Nhìn lại lịch sử ôtô gần đây cho thấy, vô số những chiếc xe “thông minh” mang tính chất tiên phong chỉ xuất hiện như thứ đồ giải trí cho cuộc sống nhàm chán của con người, để rồi bị chán ghét, thể hiện thông qua thất bại về mặt thương mại…”

Citroën C4 Cactus
 
Ý nghĩ phổ biến ngày nay là thứ gì “thông minh phi thường” cũng là đáng giá cả. Thế nhưng, ai còn nhớ các nhà làm phim thường đưa hình ảnh sự bắt nạt trường học lên màn ảnh thông qua hình ảnh quen thuộc: những đứa “chất” sẽ dìm những cái đầu tổ quạ “mọt sách” vào đâu đó đi kèm các lời chế giễu dè bỉu. Hóa ra, “thông minh” có tốt không vẫn là câu hỏi khó trả lời, hay ít nhất, có được yêu thích không là điều khó nói. Nhìn lại lịch sử ôtô gần đây cho thấy, vô số những chiếc xe “thông minh” mang tính chất tiên phong chỉ xuất hiện như thứ đồ giải trí cho cuộc sống nhàm chán của con người, để rồi bị chán ghét, thể hiện thông qua thất bại về mặt thương mại.
 
Chiếc Audi A2 suy nghĩ tân tiến đã cố gắng sống sót trong sáu năm, trong thời gian đó, công ty mất khoảng 4.000 bảng cho mỗi chiếc xebán ra. Chiếc xe Insight hybrid nhỏ gọn của nhà Honda được thừa nhận đi trước thời đại song dấu ấn để lại vô cùng mờ nhạt. Rồi chiếc Fiat Multipla chịu sự chế giễu trong nhiều quý, Citroën C4 Cactus chết lặng, hay Toyota iQ bị làm ngơ. Ngay cả chiếc Mercedes-Benz A-Class 1997 thành công rực rỡ, một kiệt tác về hiệu quả không gian, cũng chứng tỏ không thể đứng vững trước thử thách của thời gian. Mặc dù đạt được doanh số hơn một triệu xe với hai thế hệ đầu, nhưng mẫu xe sở hữu thiết kế “sandwich floor” với sàn xe cao hơn hẳn bình thường đã bị bỏ rơi vào năm 2012, khi thế hệ thứ ba đã trở lại với bố cục thông thường.
 
Mercedes-Benz A-Class 1997 tại triển lãm Frankfurt International Motor Show 1997
 
Có thể nói, những chiếc xe này bị xem là “kẻ kỳ quặc”, mặc dù được “người lớn” khen ngợi nhưng lại không thể tìm được tiếng nói chung với số đông, giống như những chàng “mọt sách” trên phim vậy. Con người có xu hướng cá nhân hóa những chiếc xe của mình, nên ít nhất theo bản năng, chúng ta thường yêu thích những chiếc xe đẹp, thể thao, thông minh (nhưng không thể “quá” thông minh), thể hiện đẳng cấp – có thể ví von chúng ta muốn những chiếc xe là ngôi sao điện ảnh, ca sĩ hay vận động viên, mà không phải các vị bác học đầu tóc bù xù, đeo kính và vùi đầu trong nhà (dù rằng vẫn ngưỡng mộ họ).
 
Cấu trúc bằng nhôm có thể giúp A2 của Audi giảm thiểu trọng lượng, nhưng đánh đổi lại là mức giá quá đắt khiến nó kém cạnh tranh. A-Class có thể mang đến không gian lớn trong dáng hình của một chiếc xe nhỏ, nhưng nó không đủ ấn tượng như nhiều tính năng “đóng mác” khác của Mercedes, cũng không thể trở thành chuẩn mực cho những người thường xuyên vi vu trên các con đường nhỏ như BMW 1-Series đã làm được.
 
Audi A2
 
Toyota iQ gây tò mò có thể là phương tiện giao thông đô thị tối ưu theo nhiều cách, nhưng người ta không có đủ thời gian để tận hưởng cảm giác công nghệ nó mang lại; và mặc dù về lý thuyết, nó có thể chở 4 người nhưng tốt nhất thì vẫn chỉ nên là 2, trong khi người ta đã mua một chiếc ôtô thì dĩ nhiên không mong chờ nó lại chỉ có sức chứa như một chiếc xe máy.
 
Nói cách khác, phần lớn những chiếc xe “thông minh” nói trên ít có giá trị sử dụng. Vấn đề mà chúng giải quyết, như tắc đường, nhiên liệu hay môi trường, dù cũng quan trọng, nhưng lại không phải điều mà công chúng quan tâm. Ít nhất là chưa đến lúc họ quan tâm.
 
Toyota iQ
 
Ngược lại, người ta có cảm giác rằng khái niệm về giao thông cá nhân vẫn gắn liền với những ý tưởng lãng mạn về tốc độ, sức mạnh và con đường rộng mở, hay nói cách khác là các nấc thang xã hội và gây ấn tượng với người khác giới. Do đó, những chiếc xe khơi dậy trí tưởng tượng của công chúng, đồng thời họ cũng khát khao những chiếc xe tiếp tục đi theo hướng đó.
 
Tuy nhiên, sẽ là sai lầm khi đưa cảm giác chung của chúng ta vào cuốn tiểu thuyết hiện thực và thay đổi các mẫu xe chỉ đơn giản vì thời trang hay sự ưa thích, vì thực tế dường như tồn tại những vấn đề sâu hơn thế.
 
Chẳng hạn, khái niệm cửa sổ Overton mô tả cách nhận thức của dư luận có thể được sửa đổi để những ý tưởng quá xa chính sách và chuẩn mực hiện tại - thường bị gọi là điên rồ - có thể chấp nhận được trong thời gian dài. Tuy nhiên, doanh nhân Raymond Loewy cũng phát triển lý thuyết có phần tương tự là Most Advanced Yet Acceptable (MAYA, tạm dịch: Tiến bộ nhất nhưng ở mức chấp nhận được) cho thấy rằng công chúng không nhất thiết sẵn sàng chấp nhận các giải pháp hợp lý cho các yêu cầu của họ nếu giải pháp là quá lớn, quá khác biệt so với những điều được coi là chuẩn mực. Từ đó, Raymond nói rằng kể cả khi người dùng muốn tiếp cận những sản phẩm mới và “nguyên gốc”, thực tế họ vẫn muốn những sản phẩm đó là biến thể của một thứ quen thuộc mà họ đã biết, nhưng gây bất ngờ hơn. Bằng cách này, Raymond đã có ảnh hưởng đến người tiêu dùng Mỹ nhiều hơn bất kỳ doanh nhân nào.
 
Có lẽ việc rút ngắn vòng đời sản phẩm đã có tác dụng thúc đẩy phần nào các nhà sản xuất có trách nhiệm hơn. Dĩ nhiên cũng có những ví dụ như Espace của Renault hay Mini của Alec Issigonis mất thời gian tìm kiếm dấu ấn trên thị trường trong khi Citroën 2CV, một “tay” đặc biệt thông minh và dĩ nhiên cũng không thiếu ánh mắt hoài nghi, lại bắt thị trường khá nhanh. Nhưng đó là bởi nó đã xuất hiện đúng thời điểm, khi người ta không có nhiều lựa chọn thay thế.
 
Renault Escape
 
Nhìn chung, về cơ bản, những “kẻ” thông minh thường không được chào đón nồng nhiệt cho lắm, nhưng luôn có tia nắng trong cả những ngày mưa, bởi một tay quan sát sắc sảo sẽ biết rằng lý thuyết cửa sổ Overton có thể thay đổi đáng kể theo thời gian, đôi khi trong một khoảng thời gian ngắn đáng kể. Những thứ từng được coi là cấp tiến thường có thể đi vào dòng chính trong bối cảnh có các đề xuất khác, thậm chí còn kỳ quặc hơn. Đó là trường hợp của Espace (chỉ có 9 chiếc được bán ra trong tháng đầu tiên) đã mở đường cho Zafira sau này còn A-Class và A2 thì có vẻ là lý do mà người tiêu dùng dễ dàng chấp nhận BMW i3 hơn. Hay Honda Insight đã mở ra cánh cửa cho nhiều loại xe hybrid “bình thường hơn”, như Toyota Prius và có lẽ là cả những chiếc EV sau đó. Giống như điện toán đám mây từng chỉ là sở thích mơ hồ đối với một số mọt sách thì những người đam mê những chiếc xe “dị” cũng có thể dọn đường cho bức tranh công nghiệp ôtô ngày mai. Rốt cuộc, chúng ta sẽ ra sao nếu iPhone hay mạng xã hội không xuất hiện?
 
 
Honda Insight
 
Đó là một công việc khó khăn và mạo hiểm, nhưng phải có ai làm điều đó. Đấy chính là điều chúng ta vẫn hay tôn vinh: những người tiên phong!