Trò chuyện với lão làng độ xe Chicara Nagata

Mỗi chiếc xe khi ra đời từ xưởng độ của Chicara Nagata đều được gọt đẽo duy nhất bởi chủ nhân của nó, từ trong trí tưởng tượng đến việc cắt từng miếng tôn, gò, hàn và khâu da. Trung bình ông mất 5-7.000 giờ cho mỗi chiếc xe. Và dù bận rộn nhưng Nagata vẫn dành thời gian cho độc giả của tạp chí Xe&Đời Sống.

PV: Xin chào Nagata, khó có thể nói những chiếc xe này là “một chiếc xe”. Theo cách tôi hiểu, đó chính là một tác phẩm điêu khắc hơn là một phương tiện đi lại. Nhân tố nào là nguồn cảm hứng cho ông biến một khối sắt thành chiếc xe?
 
Nagata: Động cơ! Phần lớn thời gian tôi chỉ đứng chiêm ngưỡng vẻ đẹp của những bộ máy và từ đó xây dựng những chi tiết để tạo nên một phong cách cho nó trong một sự cân đối hoàn hảo. Đây cũng là lý do tại sao tôi luôn đi tìm chọn động cơ đầu tiên.
 
PV: Những thiết bị cơ khí nào ông thường sử dụng để thiết kế hệ thống treo, khung và những cấu kiện khác?
 
Nagata: Tôi tự tay thực hiện hầu hết tất cả các phần việc để tạo ra chiếc xe từ thiết kế, gia công kim loại, làm da bọc yên. Hầu hết chỉ là những thiết bị cầm tay chứ không có một cỗ máy gia công cao cấp đắt tiền nào trong xưởng của tôi. Tất cả hình ảnh chiếc xe máy mà tôi gửi cho cậu đều được làm sau 5-7.000 tiếng lao động.
 
PV: Quá trình này hẳn là phải đúc kết từ hàng chục năm kinh nghiệm. Vậy ông có thể chia sẻ một vài điều cho những người thợ độ xe trẻ tuổi được không?
 
Nagata: Tôi có 30 năm kinh nghiệm làm thiết kế đồ họa và trong đó có 20 năm độ xe. Trong mỗi khâu thực hiện luôn xảy ra các vấn đề mà tôi phải đối mặt. Tôi không thể đếm bao nhiêu lần tôi đã bỏ nghề làm xe. Nhưng tôi nhận ra rằng, nếu chúng ta không bỏ cuộc, chúng ta có thể làm được đến cùng. Hay nói một cách khác, chúng ta có thể làm một điều không thể thành có thế. Đây là những gì tôi học được từ việc làm xe máy và hành trình vẫn còn đang tiếp diễn.
 
 
PV: Đây quả là một kinh nghiệm quý báu mà tôi sẽ chia sẻ với bạn bè tôi, những người đã bắt đầu vào con đường làm xe và đôi khi cảm thấy lạc lối, thất vọng thậm chí đã bỏ nghề và lại quay đầu vào máy hàn và máy cắt. Thường khi làm một chiếc xe, ông thực hiện các bước như thế nào?
 
Nagata: Tôi thiết kế hình hài cho chiếc xe và chế tạo nó. Về cơ bản tôi làm cả 2 việc cùng một lúc giống như bạn tạo ra một chùm hình ảnh trong tâm trí vậy.
 
PV: Ông thiết kế trên bản vẽ hay trên máy tính?
 
Nagata: Không, như tôi đã nói ở trên, tôi thiết kế chiếc xe phần lớn là trong đầu tôi. Ít khi tôi vẽ thiết kế hay dùng máy tính. Tôi là một gã cổ hủ analog.
 
PV: Ông có bao nhiêu đồng sự?
 
Nagata: Chỉ có duy nhất mình tôi chứng kiến chiếc xe thành hình trong suy nghĩ cho đến khi chào đời trên giá treo.
 
PV: Tại Việt Nam, một trong những lý do khiến những người độ xe trẻ tuổi nản lòng chính là vấn đề tài chính? Khi bắt đầu bước vào con đường xe cộ, ông có gặp phải vấn đề tương tự không?
 
Nagata: Nhật Bản là nước giàu có, nhưng không phải ai ở Nhật cũng giàu, tôi cũng không phải là ngoại lệ. Tôi không có bố, mẹ tôi không phải là người khỏe mạnh, nhưng bà đã nỗ lực kiếm tiền để nuôi 3 đứa con, trong đó có tôi. Ngay từ khi 10 tuổi tôi đã phải làm những công việc vặt để kiếm sống thêm. Tôi cũng không có đủ tiền để học tại một trường đào tạo về thiết kế. Tôi đã phải tự học sau khi nhân được một công việc tại văn phòng thiết kế năm 1983, sau 9 năm tôi có văn phòng riêng và tham gia các cuộc thi khác nhau. Năm 1993, tôi bắt đầu bước vào độ xe và cũng mày mò tự học cho đến tận bây giờ. Nhưng độ xe không phải là công việc kiếm sống của tôi.
 
 
PV: Ông nghĩ gì về “hành động” độ xe?
 
Nagata: Công việc kiếm sống của tôi là thiết kế đồ họa. Độ xe không phải là nghề thu nhập chính, mà đó là một khoảng kết nối giữa lao động và cuộc sống. Qua đó, tôi trình hiện bản sắc của tôi, sự tồn tại của tôi trước con người và cộng đồng thông qua việc làm ra một chiếc xe.
 
PV: Hẳn là có một mối liên hệ giữa nghề nghiệp và đam mê của ông?
 
Nagata: Theo một cách nào đó thì đúng như vậy. Thiết kế đồ họa là trên mặt phẳng 2D, còn chiếc xe máy là trong không gian 3 chiều. Tôi nghĩ về chiếc xe trên một mặt phẳng 2D thật hoàn hảo, chỉnh sửa phong cách của nó chiếm phần lớn thời gian. Hàn, cắt kim loại chỉ là những phần việc tất yếu phải xảy ra.
 
PV: Khi chứng kiến những gì ông đã làm tôi thường liên tưởng đến một nghệ nhân làm kiếm và ông ta chỉ làm ra thanh kiếm cho riêng mình.
 
Nagata: Tôi không biết được nếu mình có kinh nghiệm của một nghệ nhân làm kiếm như cậu đề cập đến. Tuy nhiên, tôi muốn sáng tạo để thỏa mãn bản thân mình với toàn bộ năng lực của mình. Hiện nay, tôi vẫn đang làm thiết kế đồ họa cho các khách hàng của tôi và thực hiện đam mê cuộc đời của mình: Độ xe.
 
PV: Ông có thể cho một lời khuyên đối với những người độ xe trẻ tuổi tại Việt Nam khi họ đối mặt với khó khăn được không? Làm thế nào để tránh được những khó khăn về thời gian, tài chính và cả sự bế tắc về tư tưởng?
 
Nagata: Làm thế nào để thoát ra khỏi những rắc rối? Nếu bạn muốn tạo ra một chiếc xe máy cho chính mình, bạn phải dành toàn bộ thời gian và duy trì niềm đam mê ở mức độ rất cao. Có thể là bạn sẽ tạo ra được cái mà bạn muốn. Công việc đó sẽ rất thú vị, và hơn nữa, thành quả là chiếc xe sẽ hồi đáp lại cho tác giả của nó niềm hạnh phúc tột đỉnh! Tuy nhiên, mặt khác nó cũng sẽ tạo ra một áp lực tư tưởng như đối với tôi. Nhưng khi áp lực đến một mức độ nào đó, nó lại tạo ra những ý tưởng khác nhau và các mẫu thiết kế đã “đến” với tôi. Có những công việc mà chúng ta không muốn làm và những việc khác mà chúng ta muốn làm.. hầu hết, ai cũng cảm thấy như vậy. Nếu những gì mà bạn phải gánh chịu nhiều hơn so với niềm đam mê, bạn sẽ không thể sáng tạo được.
 
Nhưng câu chuyện có thể được đơn giản hóa theo cách này. Giả sử, một người có niềm đam mê và sống với giấc mơ của mình, người đó có thể sẽ đến được nơi anh/cô ta thực sự muốn khi họ tiếp tục trau dồi kỹ thuật, nâng cao khả năng cảm thụ cái đẹp trong bất kỳ môi trường nào. Tôi vẫn đang làm điều này, tiến bộ từng tí một mỗi ngày. Tôi sẽ không dừng lại khi trước mắt vẫn là vùng không gian vô hạn. Tôi sẽ đi cho tới khi nào đến được đó.
 
Hi vọng những gì tôi chia sẻ có ích cho bạn bè và độc giả của cậu.
 
PV:  Cảm ơn Nagata về những chia sẻ bổ ích của ông. Tôi và độc giả của Xe&Đời Sống sẽ tiếp tục đón chờ các tác phẩm mới của ông.
 
 
Cuộc đối thoại với Nagata quả là thú vị vì tôi biết câu chuyện của người đàn ông tại đảo Kyusyu, phía Nam Nhật Bản chắc chắn sẽ truyền cảm hứng cho rất nhiều người trẻ đang độ xe tại Việt Nam. Có một điểm chung giữa các nghệ nhân làm xe mà tôi đã biết là họ đều thích bộ phim “The World's Fastest Indian - Chiếc Indian nhanh nhất thế giới” của đạo diễn Roger Donaldson, diễn viên gạo cội Anthony Hopkins thủ vai chính. Đây là điều dễ hiểu, bởi bất kỳ ai khi nghĩ về một chiếc xe dù 2 hay 4 bánh nó phải nhanh và mạnh nhất. Nhưng sức mạnh của cỗ máy đó không tồn lưu trong sắt thép mà trong chính tinh thần của người tạo ra nó và chinh phục được nó. Điểm chung thứ 2 thì đơn giản hơn. Nếu không độ xe nữa thì họ sẽ dành thời gian… nghĩ về xe. Nếu không nghĩ về xe thì tất cả đều sẽ đi “ngủ”
 
 
 
 
 
 
 
 
Chicara Nagata sinh năm 1962. Ông đã từng đoạt giải vô địch độ xe AMD năm 2006. Sản phẩm mới nhất của ông chính là chiếc Little Honda P25 chỉ còn nguyên bộ máy từ năm 1966, còn tất cả kết cấu khung, hệ thống treo đều được làm lại hoàn toàn. Mẫu xe của Nagata đã tham dự triển lãm thiết bị an ninh vừa diễn ra tại Tokyo vào tháng 3 vừa qua. Rất đúng chủ đề, ngoài việc có kiểu dáng tối giản có tính ước lệ cao, mẫu P25 này còn được đặt máy quay tứ phía, ghi nhận hình ảnh HD nhằm phục vụ cho mục đích an ninh. Đây là đơn đặt hàng đầu tiên và cho thấy sức mạnh sáng tạo của Nagata. Có lẽ, không ai cần một thiết bị phát hiện trộm đạo cầu kỳ đến như thế bởi chính nó cũng có thể trở thành đối tượng bị đánh cắp bởi bất kỳ ai quá yêu xe.
 

Tin tổng hợp

otoxemay.vn