Phạt xe vượt đèn vàng – không mới nhưng vẫn gây tranh cãi

Sau 2 ngày thực hiện nghị định 46, hàng nghìn trường hợp đã bị xử lý vì các lỗi vi phạm giao thông theo quy định mới. Nhiều người tỏ ra bất ngờ với mức xử phạt mới cao hơn nhiều so với quy định cũ. Không ít trường hợp tỏ ra bực bội vì bị yêu cầu dừng xe khi vượt đèn vàng dù chỉ bị nhắc nhở mà chưa áp dụng phạt.

Phạt xe vượt đèn vàng – không mới nhưng vẫn gây tranh cãiẢnh: 24h.
 
Nghị định 46 quy định xử phạt vi phạm hành chính trong lĩnh vực giao thông đường bộ - đường sắt bắt đầu có hiệu lực từ ngày 1/8. Nghị định này thay thế cho các nghị định 171 được thực hiện trước đó. Theo đó, các mức phạt đều đã được nâng cao với mục tiêu răn đe và nâng cao ý thức chấp hành trong người dân. Các lỗi vi phạm cũng được chỉ rõ như: quay đầu, chuyển hướng không đúng khu vực quy định, dừng đỗ nơi có biển báo hay không thực hiện theo bảng hướng dẫn giao thông, lái xe sau khi sử dụng đồ uống có cồn và chất ma túy. Đặc biệt quy định phạt ô tô khi vượt đèn vàng đang gây tranh cãi trong dư luận.
 
Nghị định 46 quy định người chạy xe vượt đèn vàng hay đèn đỏ sẽ bị phạt tiền như nhau, với ô tô sẽ chịu phạt tối đa là 2 triệu đồng và xe máy là 400.000 đồng. Khoản 3 điều 10 của Luật giao thông đường bộ có quy định rõ: tín hiệu xanh là được đi; tín hiệu đỏ là cấm đi; tín hiệu vàng là phải dừng lại trước vạch dừng, trừ trường hợp đã đi quá vạch dừng thì được đi tiếp; trong trường hợp tín hiệu vàng nhấp nháy là được đi nhưng phải giảm tốc độ, chú ý quan sát, nhường đường cho người đi bộ qua đường. Điều này có nghĩa đèn vàng là tín hiệu báo cho người tham gia giao thông chuẩn bị tư thế dừng lại để bảo đảm an toàn.
 
Dù quy định phạt hành vi vượt đèn đỏ đã được thực hiện từ năm 2008, nhưng nay khi được nhắc lại nhiều người vẫn tỏ ra bức xúc, có lẽ một phần do mức phạt đã được đẩy lên quá cao. Độc giả Hoàng Thanh chia sẻ với ÔtôXeMáy rằng vượt đèn vàng là một lỗi rất mơ hồ và cảm tính trong khi mức phạt lại rất cao. Nhiều người sẽ mất tiền oan vì lỗi này. Ý kiến này nhận được nhiều đồng tình, đa phần đều cho rằng đây là bất cập bởi khi xe đang chạy ngon trớn thì rất khó hãm kịp lúc đèn tín hiệu chuyển màu. Anh Thành Nghĩa lấy ví dụ xe đang chạy với vận tốc 40km/h. Cách vạch stop 2m thì đèn vàng nhảy lên, lúc đó mà chạy qua thì bị phạt, thắng lại thì đảm bảo là ngã xe gây tai nạn. Tương tự, bạn đọc Tín Châu băn khoăn: "Tín hiệu vàng là phải dừng lại trước vạch dừng, trừ trường hợp đã đi quá vạch dừng thì được đi tiếp...". Vậy nếu tôi chạy xe với tốc độ 30 đến 60km/h khi cách vạch dừng quá gần khoảng 3 mét trở lại mà đèn vàng thì làm sao thắng kịp đây. Vậy quy định này có phản khoa học không?”. “Nếu cụm đèn giao thông có đồng hồ đếm ngược thì được. Còn đối với đèn không có đồng hồ thì quy định này giống như cái bẫy quá, làm sao mà biết sắp vàng để dừng, độc giả có email hoangphuong@ chia sẻ. Báo Thanh Niên mới đây còn đăng tải clip thử nghiệm chạy xe và dừng trước vạch khi đèn chuyển vàng. Theo thử nghiệm này thì đèn chuyển màu xe đã không kịp dừng lại và chèn lên vạch vài chục cm, và xe đang chạy với tốc độ 35km/h.
 
Bên cạnh những ý kiến phản đối thì cũng không ít người đã đưa ra phân tích ngược lại. Độc giả Bùi Duy Cường nhận định, trong luật có quy định khi đến các ngã ba, ngã tư, nơi đường giao nhau các phương tiện tham gia giao thông phải giảm tốc độ chú ý quan sát, nếu ai cũng cứ chạy qua ngã ba ngã tư với tốc độ 40 tới 60km/h thì tai nạn sao tránh khỏi. Ý kiến này cũng trùng với quan điểm của bạn đọc: “Khi tới ngã ba, ngã tư thì bạn phải nên luôn nghĩ rằng phía bên kia sẽ có con ma men hoặc cậu choai choai nào đó đang chuẩn bị vượt đèn đỏ mà giảm tốc mà cảnh giác” – Khánh Tùng; “Qua ngã tư mà chạy 40-60 hèn gì ở VN nhiều tai nạn quá. Nói rõ thêm công dụng của đèn vàng là giúp hãm phanh khi chuẩn bị sang đèn đỏ. Đèn giao thông ở VN có đếm ngược mà, khi tới giao lộ là phải canh ngay để biết đường mà chạy” – Mỹ Anh. Kỹ sư Phan Tiến phân tích: “Nếu chưa đến giao lộ mà thấy đèn vàng thì bắt buộc giảm tốc độ và dừng hẳn khi đèn đỏ, nếu đến giao lộ mà vẫn là đèn xanh cho dù chỉ là 1-2 giây cuối thì vẫn được đi. Tranh cãi là do các vị thiết lập đèn không phù hợp, giả sử khi bên đây chuyển sang đỏ thì bên kia phải chờ thêm 1-2 giây cho phía đèn đỏ ngừng hẳn thì mới chuyển sang xanh cho đi, đèn vàng chỉ là cảnh báo giảm tốc độ. Một phần nữa là do ý thức người Việt Nam quá kém cho dù đèn đỏ cũng ráng vượt thì có quy định phạt đèn vàng như đèn đỏ cũng là bằng thừa”.
 
Trước những ý kiến phản đối của người dân, các nhà chức trách vẫn khẳng định quy định trên là hợp luật và phù hợp với chuẩn quốc tế. Đại diện Cục Cảnh sát giao thông đường bộ cho biết, theo Nghị định 46 người tham gia giao thông bị xử phạt trong 3 trường hợp không tuân thủ đèn tín hiệu giao thông, gồm: vượt đèn vàng, vượt đèn đỏ và đèn xanh phương tiện không đi. Cả ba trường hợp vừa nêu bị phạt như nhau, và nội dung này được quy định rõ trong luật giao thông đường bộ từ năm 2008. Nếu nghĩ rằng đèn vàng vẫn được đi hoặc chỉ bị nhắc nhở chỉ là do người dân chưa hiểu đúng quy định của luật. Theo quy định, khi thấy đèn vàng, phương tiện phải giảm tốc độ và dừng trước vạch dừng, trừ trường hợp đèn xanh và phương tiện đã vượt qua vạch dừng, đang trong khu vực nút giao ngã ba, ngã tư… thì khi đèn chuyển vàng phương tiện tiếp tục đi theo hướng đã định.
 
Đại diện Cục Cảnh sát giao thông cũng cho rằng, quy định nêu trên hoàn toàn phù hợp với pháp luật hiện hành, phù hợp với quy định của quốc tế. Nghị định 46 chỉ là tăng mức xử phạt để răn đe. Cũng chung ý kiến này, Phó giám đốc Công an Hà Nội Đào Thanh Hải khẳng định, luật giao thông của tất cả nước trên thế giới đều quy định khi đèn vàng phương tiện phải dừng lại. Ngoài ra khi chuyển đổi tín hiệu đèn đều có dư lệnh thời gian bởi nếu chuyển tín hiệu đột ngột các phương tiện sẽ rối loạn. Dư lệnh ấy đủ để các chủ phương tiện chủ động điều khiển các phương tiện theo hiệu lệnh.
 
Tuy nhiên, nếu không có những văn bản hướng dẫn chi tiết, rất khó để phân định thế nào là “vượt” đèn vàng. Ví dụ đi qua vạch khi đèn vàng và khi vượt qua giao lộ dù đã có đèn vàng đều có thể gọi là “Vượt”. Điều này khiến cho việc phân định hành vi trở nên mơ hồ dễ dẫn đến việc cảnh sát giao thông xử lý theo cảm tính. Nếu không được xử lý triệt để, tác dụng của đèn vàng sẽ gần như bị hóa giải và trở nên vô nghĩa, còn người dân có thể sẽ tiếp tục bức xúc cho rằng mình bị mất tiền phạt oan.