Người dân Hà Nội tự sơn phản quang cho khúc cua ‘tử thần’
Anh Dương Văn Khoa, cùng với nhóm bạn, đã quyết định tự sơn phản quang lên dải phân cách ở chỗ rẽ trên đường Thanh Niên, đoạn gần nhà hàng bánh tôm Hồ Tây, nhằm cảnh báo về một địa điểm vốn xảy ra nhiều tai nạn.
Khúc cua trên đường Thanh Niên (Hà Nội) được người dân sơn phản quang để cảnh báo cho người đi đường. Ảnh: Minh Châu
Sáng sớm ngày thứ 2 (5/5), người dân bắt đầu trở lại làm việc sau gần 1 tuần nghỉ lễ. Các phương tiện đi qua đường Thanh Niên hướng ra Yên Phụ bất ngờ thấy một đoạn vỉa ba toa trên dải phân cách giữa được sơn trắng và có vạch phản quang ở giữa đứt đoạn. Địa điểm này vốn là điểm đen khi liên tiếp năm nào cũng có vụ xe ôtô tông vào gốc cây trên dải phân cách. Tìm hiểu sự việc, phóng viên được biết đây là việc làm tự phát của một nhóm người tham gia giao thông muốn cảnh báo sự nguy hiểm từ khúc cua này vào ban đêm.
Anh Khoa và nhóm bạn tham gia sơn phản quang vào đêm 3/5. Ảnh: Facebook Khoa Quay
Theo anh Dương Văn Khoa (sinh năm 1975), trú tại đường Điện Biên Phủ, quận Hoàn Kiếm, khúc cua này từng khiến một người bạn thân tử nạn vào năm 2003 và bản thân anh đã cứu một người không quen biết lái xe Toyota Yaris đâm vào gốc cây năm 2011. “Sau khi viết về câu chuyện lên diễn đàn Otofun, tôi đã quyết định sơn phản quang lên góc cua này và nhận được sự tham gia của 3 thành viên nữa, trong đó có anh Phạm Quang Huy, người tôi cứu cách đây 3 năm”, Khoa chia sẻ.
Anh Khoa là người lái xe bán tải Triton đã cứu một thanh niên trong xe Yaris đâm vào gốc cây tại khúc cua “tử thần” này vào đêm 30/4/2011. Ảnh: Khoa Quay
Nói là làm, nhóm của Khoa, gồm 5 người đã mua sơn và chổi hết khoảng 1 triệu đồng, nhưng có đến 3 lần định sơn thì gặp mưa. Mãi đến đêm 3/5, rạng sáng 4/5 công việc mới hoàn thành. Quan sát trực tiếp đoạn vỉa ba toa được sơn cảnh báo, phóng viên thấy điểm bắt đầu sơn khi vào cua và kết thúc có độ dài khoảng 50m.
Gốc cây là điểm đen va chạm cũng được sơn phản quang
Quá trình sơn diễn ra vào đêm và rạng sáng, trong hơn 1 tiếng 30 phút. Rất ít người đi đường quan tâm tới việc làm của nhóm. “Một vài người còn lầm tưởng chúng tôi là công nhân trồng cây, riêng những người câu cá đêm tại đây thì đồng cảm với công việc sơn vỉa ba toa này vì họ đã chứng kiến rất nhiều vụ tai nạn tại khúc cua”, anh Khoa cho biết.
Thời gian gần đây, cư dân mạng cũng liên tiếp chia sẻ những việc làm tự phát của người đi đường để giúp cộng đồng như gắn thông báo rẽ phải ở đèn đỏ (có cho phép rẽ), hay đứng thông báo đường cấm, đặt biển cảnh báo rải đinh… Những hành động này mang hiệu quả thiết thực, nhưng cũng cho thấy các cơ quan nhà nước đã không hoàn thành trách nhiệm.