Một người Việt độ xe giữa lòng châu Âu
Chiếc Harley-Davidson Ironhead 1976 độ thành Bobber, giống như một cỗ máy thời gian, mang hơi thở quá khứ trở lại với hiện tại. Đó chính là chiếc xe độ tuyệt vời qua bàn tay của Nguyễn Văn Hải, một Việt kiều tại Đức. Chiếc xe như một niềm đam mê, là một tuyệt tác tạo nguồn cảm hứng cho những người đang theo đuổi con đường độ xe tại Việt Nam. Tạp chí Xe& Đời Sống đã có cuộc trao đổi thú vị với anh.
Như đã từng chia sẻ, sau một chuyến dã ngoại ở Đông Nam Á, anh quyết định mua chiếc xe máy đầu tiên – chiếc Triumph Scrambler và sau đó tìm thấy niềm đam mê thực sự của mình là xe độ. Anh có thể cho độc giả biết thêm về chuyến đi của anh trong đó có Việt Nam và nguồn cảm hứng độ xe phải chăng là xuất phát từ phong cảnh sơn thủy, con người ở những nơi anh đi qua?
Trước khi bỏ ra gần 1 năm trời để hoàn thành chiếc Harley-Davidson Ironhead 1976 độ lại thành dáng bobber, năm 1999, tôi từng bay đến Đông Nam Á 1 lần, hầu hết thời gian tôi ở Thái Lan và sau đó đi xe bus từ Cambodia tới Việt Nam. Tôi đã ngao du khắp các thành phố trên một chiếc xe máy nhỏ, hưởng thụ khá lý thú trên những miền đất mới. Điều khiển một chiếc xe máy trên những cung đường ở Việt Nam khá đơn giản và bạn có thể khám phá nhiều điều kỳ thú ở mọi góc cạnh cũng như nhiều phong cảnh nên thơ. Xe máy sẽ thuận lợi và giúp người lái phóng tầm nhìn nhiều hơn so với xe hơi. Trong quá trình di chuyển, bạn có thể quen biết nhiều người hơn cũng như thưởng thức những âm thanh lạ tai.
Khi tôi quay trở lại Đức, tôi muốn ít nhất mỗi năm một lần được đặt chân đến Việt Nam. Khoảng 4 năm trước, tôi từng làm việc cho hãng xe Audi tại một thị trấn nhỏ ở Đức trong vị trí thiết kế. Đây là một công việc khá tốt, nhưng tôi luôn cảm thấy không có khả năng phát triển bản thân, vì vậy đã quyết định mua chiếc xe máy đầu tiên cho mình vào năm 2009, đó là chiếc Triumph Scrambler. Trong suốt hành trình du lịch ở Việt Nam, tôi cũng đã nhìn thấy nhiều những chiếc xe máy được độ khá độc đáo. Hầu hết chúng chỉ khoảng 250 phân khối, nhưng lại được thiết kế với hình dáng rất bắt mắt. Ví dụ như khi thấy một logo BMW được gắn trên bình xăng, nhưng tôi biết đó không phải là chiếc xe BMW.
Vì vậy, khi tôi mua chiếc Triumph Scrambler trong năm 2009, một thương hiệu đẹp và khá quen thuộc, nhưng chỉ 8 tuần sau đó, tôi đã quyết định tạo một chiếc xe máy cho riêng mình. Cho dù chiếc xe cũ này đến từ xứ sở sương mù vốn đã gây sự chú ý với hình dáng cổ điển đẹp tuyệt!
Thật may mắn, ông chủ của công ty Audi trước đã giúp đỡ tôi khá nhiệt tình. Tôi không có garage riêng trong nhà nên tầng hầm đã được biến thành xưởng độ xe. Những dụng cụ điện ít ỏi mà tôi có là một chiếc máy mài, nén và hàn cùng khoan tay. Thêm vào đó, tôi cũng không có nhiều tiền nên phải tự mình làm mọi việc. Triumph Scrambler là chiếc motor khá đẹp, nhưng phần khung sau quá dài kéo theo phần yên xe dài, vì vậy, nó cần phải cắt bỏ. Ở Đức có những hạn chế khá nghiêm ngặt khi thay đổi trên xe máy, nói chung, nó ít bị thay đổi. Vì vậy, tôi thay đổi chiếc Triumph Scrambler không được như ý… Và đó là lí do tôi quyết tâm độ chiếc xe thứ hai, biến chiếc Harley-Davidson Ironhead 1976 thành một chiếc bobber của riêng tôi.
Anh có thể chia sẻ kinh nghiệm độ xe máy trong khi ngân sách eo hẹp? Đây sẽ là những thông tin quý giá cho những chàng trai trẻ ở Việt Nam, những tay nài đang mày mò tìm đường độ những chiếc xe cho riêng mình từ một chiếc motor cũ (như Jawa 360, Minsk 125, yamaha 250)?
Thực sự bạn không cần thiết phải có nhiều thiết bị và tất nhiên, máy móc cũng không cần đắt đỏ. Trong trường hợp của tôi chỉ có một máy mài, khoan tay, máy nén khí và một máy hàn. Một không gian trong nhà vừa đủ để thỏa sức sáng tạo. Tất nhiên, trong điều kiện như vậy sẽ không tốt bằng điều kiện ở những hãng độ xe chuyên nghiệp, nhưng với tôi vậy là đủ. Hơn nữa, tôi không thích mua đồ đắt tiền đắp vào xe, không phải vì không có tiền, mà nó sẽ phá vỡ “bức tranh” tổng thể. Người xem sẽ không cảm nhận được tinh thần của một chiếc xe độ mà chỉ thấy được những bộ phận đắt tiền nhất.
Với chiếc Ironhead, tôi thậm chí còn không có đi được một lần bởi nó quá lớn. Nhưng lý do thực sự là: Tôi không chuộng phong cách đó... Chiếc xe đã được tháo rời ngay ngoài sân vì nó quá nặng và to để mang xuống tầm hầm, chỉ còn lại động cơ và phần khung. Tôi đã gọi bạn bè giúp đỡ vận chuyển xe này xuống tầng hầm, thậm chí nơi đây còn không có điện và phải đặt dây cáp điện đi xuống đó.
Anh có thể kể một vài câu chuyện bên lề chiếc xế độ này? Các chi tiết thiết kế, những ý tưởng từ quá trình thiết kế đến khi hoàn thành là như thế nào?
Dòng Ironhead đời 1976, với dung tích 1.000 phân khối này từng được 3 người sở hữu trước đó, vì vậy nó không còn mới nguyên vẹn khi đến tay tôi. Phần phuộc xe AME đã được thiết kế lại, phần chỗ để chân của người ngồi sau xe được đẩy về phía trước… Theo quan điểm của tôi, đó không phải là một chiếc motor đẹp, nó quá nặng như một chiếc trực thăng nhìn khá cồng kềnh và không một chút bắt mắt. Nhưng điều không hài lòng nhất là phần phuộc xe AME bị kéo quá dài về phía trước, chỉ có phần động cơ và những thiết bị gắn theo khung là thứ tôi cần.
Sau khi tôi bắt đầu dỡ bỏ các bộ phận của xe và nhanh chóng được mang xuống tầng hầm. Ý tưởng “thay áo” cho xe bắt nguồn từ cảm hứng bộ phim “bệnh nhân người Anh”. Mặc dù chiếc xe trong phim không phải Harley Davidson, mà là chiếc Triumph 3HW và tôi thích ý tưởng này.
Khi bắt đầu nghiên cứu một dự án, Harley đã được nhắc đến nhưng không có nhiều ý tưởng để sửa chữa mọi thứ. Tôi đã mất nhiều thời gian để nghiên cứu trước khi chạm đến cái ốc vít đầu tiên của xe dù trên Internet từng đề cập nhiều đến chủ đề này. Tôi tìm hiểu khá nhiều điều từ bình xăng hoặc kích cỡ vành bánh sau của dòng bobber, tôi băn khoăn liệu có nhất định phải là lốp “béo” với vành 16 inch? Khi tôi đến một tiệm bán đồ Harley nổi tiếng ở Berlin và muốn mua một chiếc vành bánh xe 18 inch. Ngay lập tức anh chàng chủ tiệm nói rằng: một chiếc bobber luôn phải lắp vành bánh sau to và béo. Tôi đáp trả: “hầu hết mọi người đều muốn làm theo cách đó, nhưng tôi muốn tạo nên sự khác biệt. Khi tôi trò chuyện với những tay độ xe khác về kế hoạch thiết kế lại chiếc xe của mình, nhiều người cũng khuyên bảo tôi không nên làm như vậy, bởi nó không đúng kiểu”.
Để có hình dáng bình dầu thật vuông hộp đúng chất bobber, nên tôi phải hàn gò lại, vay mượn dáng từ chính hộp ắc quy của chiếc Harley ban đầu, và hàn nối lại để làm ra một bình dầu mới. Nó vẫn cần có nguyên vẹn cột báo dầu, bởi với tôi chức năng này rất quan trọng khi bạn có một động cơ khô.
Việc tìm kiếm một bình xăng chuẩn mực bobber cũng khá khó khăn, bình xăng cũ của Harley không thể đáp ứng “khẩu vị” của tôi. Hầu hết chúng quá rộng hoặc có những đường nét không vừa mắt. Bình xăng cũ của những chiếc xe từ Anh Quốc là một sự lựa chọn hợp lý như của chiếc motor Triumph hoặc BSA cũ. Tuy nhiên, phong cách xe của người Anh và người Mĩ luôn đối lập nhau và tôi không muốn có sự cạnh tranh này. Điều này buộc tôi đi tìm một hướng khác. Một người bạn ở Đức của tôi có một cửa hàng xe máy cũ đã gợi ý cho tôi nên sử dụng bình xăng từ chiếc Jawa. Cuối cùng, tôi đã tìm thấy chiếc MZ BK 350 với chiếc bình xăng quá đẹp và đầy chất cổ điển. Nhưng bình xăng nguyên bản của MZ không vừa với khung của Ironhead. Vì vậy tôi đã lại phải “đục khoét” chiếc bình này cho vừa với bộ khung của xe. Trong khi đó, đối với các thiết bị điện tử, tôi cũng đã phải hàn cắt tạo nên một hộp kim loại mới để chứa chúng, kiểu thiết kế này được tôi lấy cảm hứng từ dòng xe Indian motorcycle của Ấn Độ.
Tôi thích phụ kiện crôm nhưng không phải trong tình trạng quá mới. Vì thế, tôi đã cố tình làm cũ toàn bộ những chi tiết crôm trên xe bằng cách điện phân hoặc ngâm tẩy axít muối. Rõ ràng, đây là một quyết định khá mạo hiểm nhưng tôi đã thành công. Chắc chắn rằng, sẽ có một chút mạo hiểm nhưng tôi nghĩ cuối cùng thứ màu oxit hóa xám mờ sẽ toát lên được giá trị của nó. Tôi phải đối mặt với hơi nóng rát khi sử dụng đến axit clohydric. Do vậy, mọi công đoạn sử dụng hóa chất cần được làm ngoài trời và phải đeo kính bảo hộ, mặt nạ thở.
Ngoài ra, một vài bộ phận không nên sơn bởi vì nếu làm như vậy thông số kỹ thuật của nó sẽ bị thay đổi, ví như ốc nhái, căm chốt! Nên tôi cũng phải nghĩ ra cách dùng hóa chất để biến màu chúng.
Nếu anh có thể độ một chiếc motor và đưa ra lời khuyên cho bất cứ ai (giống như anh trai, con trai hay người bạn thân nhất), lời khuyên đó sẽ là…
Nếu ai đó đưa ra ý kiến, đó là sự góp ý, nhưng quan trọng nhất vẫn là ở bạn, không nên bị ảnh hưởng hoặc chịu chi phối quá từ nhiều phía. Khi bắt đầu một dự định nghĩa là bạn đã có khả năng và có một phong cách đặc biệt trên con đường phía trước. Chúng ta thấy rằng, những góp ý tốt sẽ là hữu hiệu. Nhưng kết quả là việc kết hợp của nhiều ý kiến, hiển nhiên, sự thống nhất trên một sản phẩm sẽ không còn thống nhất.
Anh có kế hoạch mở một của hàng hay dự kiến gì tiếp theo, sau khi độ 2 chiếc xe của mình?
Phục hồi một chiếc xe máy khá thú vị và tôi đang ấp ủ việc này vào năm tới. Tôi rất hạnh phúc khi được làm việc dưới tầng hầm của mình, nhưng không thể sống ở đó. Thời gian và tiền bạc sẽ giúp bạn hoàn thành tốt những dự định và những khoản đầu tư bạn có thể lấy lại nếu bán chúng cho một tay độ xe khác. Hiện tại tôi đang giúp một người bạn độ lại một chiếc Triumph Scrambler khác. Còn bản thân mình, tôi đang khá thích thú với ý tưởng độ lại một chiếc Norton Commando được sản xuất năm 1974.
Anh có phải đăng ký lại xe ở Đức? Quá trình đó như thế nào cũng như chi phí hết bao nhiêu? Ở Việt Nam việc đăng ký lại xe sau khi “chế biến” vẫn chưa được hợp pháp, các nhà lập pháp luôn “chậm nghĩ” trước thực tiễn và với tư duy xe phải nguyên chiếc. Điều vốn chỉ có lợi cho các tập đoàn nhập khẩu, lắp ráp nhưng là một rào cản trói buộc sự sáng tạo và khả năng tự lực công nghệ đang nảy mầm tại chính các xưởng độ xe Việt.
Về cơ bản, ở Đức khá dễ dàng để hợp pháp hóa một chiếc xe cũ hơn là một model mới. Tuy nhiên, đối với Harley vẫn khá khó khăn vì mẫu xe này bị hạn chế. Tôi đã mất nữa năm để tranh luận với TUV (Hiệp hội Kỹ thuật Đức), thực hiện các cuộc gọi cho đến khi tìm thấy một kỹ sư công nghệ, người đã giúp tôi cải thiện về mặt kỹ thuật bởi tôi phải chứng minh chiếc xe của mình hoàn hảo về mặt kỹ thuật. Chi phí cấp phép mất tới 650 euro, khá nhiều tiền.
Ở Đức bạn được quyền tự do thiết kế xe cho riêng mình nhưng khá khó khăn trong việc phê duyệt cho những thay đổi. Những xưởng sữa chữa chuyên nghiệp làm điều này khá đơn giản, bởi vì ở đó những chuyên gia công nghệ làm việc tốt hơn. Nên trước khi quyết định thay đổi chiếc Ironhead tôi đã tìm đến các chuyên gia công nghệ thảo luận từng bước phải làm. Cũng không nên quá ngạc nhiên trong việc này.
Tôi cảm thấy đáng tiếc khi ở Việt Nam khó chấp nhận những chiếc xe đã bị thay đổi, nhưng có nhiều người mạo hiểm. Giống như tôi, học hỏi trên internet và mọi thứ đều tốt đẹp. Người sử dụng ở Việt Nam thường so sánh học hỏi những thiết kế với các nước khác. Nhưng còn nhiều khó khăn để đạt đến các tiêu chuẩn quốc tế. Hy vọng mọi thứ có thể thay đổi để mang lại nhiều điều tốt đẹp cho các tay mê xe độ và thích độ xe...
Cảm ơn anh rất nhiều. Anh có thể giới thiệu về mình với độc giả?.
Tôi tên là Nguyễn Văn Hải, 45 tuổi, sinh ra và lớn lên tại Phước Tĩnh gần Bà Rịa – Vũng Tàu, đến khi 9 tuổi tôi chuyển sang Đức sống học tập. Kể từ đó, tôi làm việc như một chuyên gia dựng mô hình kiến trúc. Tôi đã khám phá ra niềm đam mê xe độ từ năm 2009 cùng với niềm say mê nhảy điệu Tango. Tôi luôn nhớ về Việt Nam mặc dù tôi lớn lên ở Đức, tôi luôn cố gắng để bay về Việt Nam mỗi năm ít nhất một lần