Giới trẻ khoái xe đạp và đi bộ hơn lái ôtô

Giới trẻ đang muốn chính phủ đầu tư vào làn đường cho xe đạp hơn nữa. Ít nhất đó là những gì mà giới trẻ Mỹ ngày nay mong muốn, sau nhiều năm bị ám ảnh bởi việc sống ở ngoại ô và sở hữu một chiếc xe hơi.

Ảnh: Getty Images
Tờ USA Today đã dẫn một ví dụ từ Christina Cook - một người thường đi xe đạp từ nhà đến nơi làm việc và trên đường thì thả cậu con trai bé bỏng của mình xuống nhà trẻ. Cô thích đi xe đạp hơn là chiếc xe Camry đời 2003 của nhà mình - mới chỉ đi được gần 200.000 dặm đường.
 
Christina Cook, 26 tuổi, giống như rất nhiều người khác cùng thế hệ với mình - được gọi là thế hệ Millennials hay thế hệ Y (những người hiện nằm trong độ tuổi từ 18-34). Họ không say mê ôtô như các thế hệ trước – những người luôn coi động cơ đốt trong như biểu tượng của sự tự do và là “tấm hộ chiếu” đến ngôi nhà khang trang rộng rãi ở vùng ngoại ô.
 
Một nghiên cứu gần đây của tổ chức phi lợi nhuận hoạt động vì người tiêu dùng U.S. PIRG có trụ sở ở Boston cho thấy: Thế hệ Y có nhu cầu lái ô tô ít hơn so với đi bộ, đi xe đạp hay bắt tàu điện, xe buýt. Phineas Baxandall, một trong những tác giả của bản báo cáo, cho biết: những công dân Mỹ từ 16-24 tuổi đi làm bằng xe hơi năm 2013 đã giảm 1,5% so với năm 2006, tức là từ 83,9% xuống 82,4%. Trong khi một nghiên cứu khác của American Planning Association (Hội Quy hoạch Hoa Kỳ) cho thấy 56% những người thuộc thế hệ Y thích sống trong “cộng đồng đi bộ”.
 
Thống kê từ việc đăng ký bằng lái càng thể hiện rõ nét xu hướng này. Ba mươi năm trước, gần một nửa những người 16 tuổi có bằng lái, nhưng đến năm 2008, tỷ lệ này chưa đến 1/3, theo báo cáo của Đại học Michigan. Còn theo tổ chức An toàn giao thông, năm 2011, tỷ những người từ 16-24 tuổi có giấy phép lái xe đã xuống mức thấp nhất kể từ năm 1963, ở mức 67 phần trăm.
 
Cố nhiên, xe hơi vẫn là phương tiện di chuyển “xương sống” của người Mỹ, đặc biệt khi họ lập gia đình và có con. Nhưng nó không còn là nhu cầu thiết yếu của cuộc sống hàng ngày như trước kia, khi một thiếu niên xác định mục tiêu lấy bằng lái vào năm 16 tuổi và đi làm thêm dành tiền đến năm 18 tuổi có thể mua được ít nhất một “con” xe cũ. Điều này một phần là do thế hệ trẻ ngày nay không còn quá hứng thú với việc sở hữu một ngôi nhà ở ngoại ô xa xôi. Thay vào đó, họ dành tiền thuê nhà gần trung tâm hay nơi làm việc, trường học. Theo nghiên cứu của Pew, 32% những người trẻ tuổi sống gần trung tâm thành phố. Khoảng cách thu hẹp lại đã khiến cho ôtô trở nên khá bất tiện. Mà giới trẻ ngày nay luôn đặt sự tiện lợi lên hàng đầu. Matt Alexander, 28 tuổi, cho biết anh đang sống trong trung tâm thành phố để có thể nhanh chóng đi đến bất cứ nơi nào cần thiết. “Ôtô đã từng rất cần thiết. Nhưng nay hầu hết thời gian nó nằm trong bãi đậu xe hay garage.” Thêm vào đó, vấn nạn tắc nghẽn giao thông cũng khiến giới trẻ trở nên ngao ngán với việc lái ôtô. Theo trang Triple Pundit trích lời của Christina Milanowski, đi xe đạp khiến cô cảm thấy độc lập hơn. Không những vậy còn tiết kiệm chi phí nhiên liệu, thân thiện với môi trường, thoát khỏi nạn kẹt xe vào giờ đi làm và còn là cơ hội tập thể dục khá tốt khi cô đã ngồi quá nhiều trong văn phòng.
 
Không những vậy, giới trẻ ngày nay sống trong thời đại chia sẻ, và họ “chia sẻ” mọi thứ, mọi lúc, mọi nơi, ngay cả phương tiện đi lại. Đó là lý do cho sự phát triển của những dịch vụ như Uber - một ứng dụng trên điện thoại di động ra đời từ năm 2009 tại San Francisco (California, Mỹ), cho phép người dùng đặt xe của các tài xế xa lạ và thường có giá rẻ hơn so với các dịch vụ taxi thông thường. Dịch vụ này đang được phổ biến rộng rãi tại nhiều thành phố lớn trên thế giới và được những người trẻ tuổi rất ưa thích bởi tính tiện lợi và giá rẻ hơn rất nhiều so với việc gọi một chiếc taxi thông thường.
 
Có thể nói, smartphone cũng góp phần đe dọa thị phần của xe hơi so với các phương tiện khác, và chuyển sự hứng thú của giới trẻ vào hệ thống giao thông công cộng. Trước kia người ta thường thấy khó chịu với việc chen chúc trên một chuyến xe buýt hay tàu điện ngầm. Nhưng ngày nay, khi giới trẻ còn mải lướt Facebook hay đọc email thì họ đã không còn rảnh tay để điều khiển xe. Việc cung ứng dịch vụ wifi trên các chuyến tàu càng khiến phương tiện công cộng trở nên hấp dẫn hơn nhiều so với việc chen chúc trên đường vào giờ cao điểm. Cố nhiên, đó là ở Mỹ, chưa phải ở Việt Nam. Khi những chiếc xe buýt xập xệ và công trình hạ tầng chồng chéo khiến cho sự phát triển mạnh mẽ của smartphone không thể tạo nên làn sóng lan tỏa sang các lựa chọn giao thông công cộng. Do đó, việc sở hữu một chiếc xe gắn máy và mơ đến xe 4 bánh vẫn là nhu cầu dai dẳng của người Việt.
 

Tin tổng hợp

otoxemay.vn