Gắn đồ chơi môtô phân khối lớn đắt chẳng kém đi mua xe

Tậu được một chiếc môtô phân khối lớn (PKL) giá vài trăm triệu mới là bước đầu của cuộc chơi tốc độ. Muốn cho đúng điệu, biker tiếp tục phải móc hầu bao cho hàng loạt các phụ kiện từ loại chỉ có tính trang trí bề ngoài cho đến những thiết bị tăng hiệu năng xe với giá cao ngất ngưởng.

Đồ chơi trang trí giá tính từ tiền triệu

Chơi xe PKL không thể thiếu đồ trang trí bên ngoài giúp xe cứng cáp và mạnh mẽ hơn. Để trang bị những món đồ chơi cơ bản nhất như kính hậu, tay nắm, bộ chống ngã, miếng dán bảo vệ... cũng đã lên đến tầm 20 triệu đồng. Những cặp kính hậu được thiết kế đặc biệt, cắt CNC với vật liệu nhôm cao cấp có giá thấp nhất từ 2 triệu đồng/chiếc cho đến loại hơn 5 triệu đồng/chiếc. Để có một cặp tay nắm đồ chơi, chủ xe cũng phải chi ít nhất từ 1,5 triệu đồng trở lên. Tuy nhiên, danh sách đồ chơi trang trí vẫn còn rất dài như: bình dầu, nắp che bình xăng, chồng ngã, bảo vệ lốc máy, bảo vệ két nước, gác chân, ghi-đông… Ngay cả một miếng đệm nhỏ để lót ở mặt tiếp xúc đất của chân chống nghiêng cũng có giá lên đến 1,3 triệu đồng.

Một tín đồ sử dụng xe Kawasaki Z1000 đã chi đến gần trăm triệu đồng để lắp đặt các phụ kiện trang trí cho xế cưng của mình. Hai thương hiệu thông dụng nhất ở thị trường đồ chơi trang trí cho PKL là Rizoma và DMV. Tuy nhiên, trong thời gian gần đây, hàng loạt các phụ kiện fake (hàng dỏm) có cùng thiết kế xuất hiện rất nhiều với giá chỉ bằng một phần ba hàng thật.

Hàng chục nghìn USD để giống… xe đua

So với đồ trang trí, các phụ kiện để tăng hiệu năng cho xe PKL còn đắt hơn gấp nhiều lần. Gần như hầu hết các xe PKL tại Việt Nam đều có thay đổi ở phần pô xe. Để tăng thêm độ “ầm ĩ” cũng như hiệu suất, chủ xe thường chọn giải pháp nhẹ nhất là móc pô cho đến thay các loại pô từ các thương hiệu nổi tiếng như Akrapovic, Yoshimura, Overracing, Leovince… Các loại pô độ này do được đặc chế, sử dụng các chất liệu như carbon, titanium nên có giá khá khủng từ vài trăm đến vài nghìn USD.

Độ một cặp pô khủng và vành Carrozerria.

Ngoài ra, để pô có thể ăn khớp với máy, xe PKL cần phải được trang bị thêm bộ tinh chỉnh xăng, gió, góc đánh lửa bu-gi từ các nhà sản xuất thứ ba. Thiết bị này cũng ngốn tầm từ 5 triệu đồng trở lên tuỳ loại. Một số phụ kiện khác được các biker ưa chuộng như bộ tay thắng, tay của Accosato, Brembo…, lọc gió/lọc dầu K&N, bình ắc-quy lithium, trợ lực tay lái DMV, Ohlins, bu-gi bạch kim…

Cặp phuộc Ohlins giá gần 5.000USD bán trên mạng, chưa tính tiền vận chuyển.

Với mong muốn có được những đặc tính kỹ thuật vốn chỉ được trang bị trên các xe đua chuyên nghiệp, biker sẵn sàng bỏ ra vài trăm triệu đồng để tăng cường các thiết bị đặc chế. Phuộc Ohlins được xem là đỉnh cao của công nghệ treo cho xe PKL, một bộ phuộc trước và sau của Ohlins có thể lên đến trên 5.000USD. Một số phụ kiện kỹ thuật liên quan đến động cơ cũng được nhập về và có giá rất đắt như: tinh chỉnh xăng gió cho các bec-phun, tự động tinh chỉnh xăng/gió, hỗ trợ sang số nhanh, bộ ổn định dòng điện, heo phanh Brembo… Một trong những dự án độ xe được nhắc đến nhiều trong giới biker đó là chiếc Kawasaki ZX10R với chi phí đầu tư cho các phụ kiện nhằm tăng hiệu suất và khả năng điều khiển xe lên đến gần 300 triệu đồng.

Một chiếc Kawasaki độ “toàn thân”.

Có thể nói thú chơi phụ kiện xe PKL là không có điểm dừng và vô cùng tốn kém, tuy nhiên, không phải cứ lắp đầy phụ kiện là xe đẹp và chạy tốt, biker cần có một cái nhìn thẩm mỹ tốt cũng như được tư vấn kỹ thuật để chọn ghép các thiết bị đúng và phù hợp với con xe của mình.
 

Tin tổng hợp

otoxemay.vn