Động cơ đốt trong vẫn còn đất sống sau năm 2035
Ủy ban châu Âu (EC) phác thảo kế hoạch cho phép các nước thành viên bán ôtô mới trang bị động cơ đốt trong sau năm 2035. Tuy nhiên, động cơ đốt trong trang bị trên dòng ô tô này phải sử dụng loại nhiên liệu điện tử tổng hợp (e-fuel) thân thiện với môi trường.
Theo Reuters, dự thảo sẽ tạo ra hạng mục xe mới hoạt động nhờ vào nhiên liệu trung hòa khí CO2. Dòng xe này có thể phải sử dụng công nghệ để không thể hoạt động với các nhiên liệu khác. Dù vậy, đề xuất này có thể tạo ra lối thoát cho các nhà sản xuất xe hơi giúp họ vẫn bán được ôtô trang bị động cơ đốt trong tại các nước thành viên của EC từ sau năm 2035 khi mà thời hạn lệnh cấm có hiệu lực.
EC nhượng bộ có điều kiện trước phản ứng bất ngờ của Đức về đạo luật cấm bán xe mới trang bị động cơ đốt trong từ sau năm 2035
Sự nhượng bộ của EC nhằm giải quyết xung đột với Đức khi quốc gia Tây Âu này phản đối lệnh cấm dự kiến áp dụng từ sau năm 2035. Thậm chí, Đức còn lập liên minh cùng 7 quốc gia khác để phản đối lệnh cấm này. Bởi trước đó, trong năm 2022, các quốc gia EU và Nghị viện châu Âu đã nhất trí về đạo luật cấm bán xe mới trang bị động cơ đốt trong từ sau năm 2035. Tuy nhiên, đến tháng 3/2023, Volker Wissing - Bộ trưởng Giao thông Đức - bất ngờ phản đối chỉ vài ngày trước lần bỏ phiếu cuối cùng để dự thảo thành luật. Yêu cầu chính của Bộ trưởng Bộ Giao thông - Vận tải Đức là EU cho phép bán ôtô mới chạy nhiên liệu tổng hợp từ sau năm 2035.
Hiện tại, các bên liên quan đang tìm giải pháp cho vấn đề này. Bởi điều kiện mà EC đưa ra là ôtô phải nhận biết được nhiên liệu trung hòa CO2. Đây là vấn đề không dễ giải quyết do có thể khiến các hãng xe của Đức phải phát triển động cơ mới. Song, Bộ trưởng Volker Wissing không muốn cự tuyệt với dự thảo của EC, nhưng cần có một số cải thiện. Trong khi đó, một quan chức EU cho biết: Mọi dự thảo về ôtô chạy nhiên liệu tổng hợp chỉ có thể được đưa ra sau khi luật cấm động cơ đốt trong được thông qua.
Nhiên liệu điện tử tổng hợp (e-fuel) thân thiện với môi trường là mấu chốt giải quyết mâu thuẫn hiện nay
Nhiên liệu điện tử tổng hợp được tạo ra bằng cách tổng hợp CO2 và hydro được sản xuất bằng nguồn điện sạch. Hiện nay, loại nhiên liệu này chưa được sản xuất đại trà. Một nghiên cứu do Viện Nghiên cứu Khí hậu Potsdam (Đức) công bố cho thấy mọi dự án về nhiên liệu điện tử trên thế giới có thể chỉ đáp ứng 10% nhu cầu ở Đức trong các lĩnh vực hàng không, tàu biển và hóa học trong ít năm tới.