“Dị” như Mini Cooper S Countryman

Mini Countryman – phiên bản crossover đầu tiên của nhãn hiện xe Anh Quốc dưới thời BMW - vẫn giữ nguyên đặc trưng thiết kế truyền thống trước đây, thoạt nhìn đã yêu. Countryman cũng là một trong 2 mẫu xe Mini đầu tiên được dự kiến phân phối chính hãng tại Việt Nam từ tháng 9.

Ngày nay, các sản phẩm của Mini, bao gồm Clubman, Countryman và dòng 2 cửa với các phiên bản Coupe, Convertible và Roadster, đều có chung một tinh thần là bám rất sát phong cách thiết kế và các đặc trưng của xe cổ điển. So sánh Clubman, Countryman và những chiếc xe 2 cửa, sự khác nhau lớn nhất giữa chúng là phần thân, kích thước, số cửa và kiểu dáng mui, còn lại phần đầu thì giống nhau đến độ không dễ gì phân biệt được, kể cả chiếc Mini Cooper S Countryman trong bài viết này, vốn thuộc dòng crossover/SUV.
 
 
Mini Countryman được giới thiệu vào năm 2010, là chiếc crossover/SUV đầu tiên của Mini dưới thời BMW. Về thiết kế, Countryman vẫn định hướng bám sát truyền thống của hãng nên mới nhìn qua không thể nào nhầm lẫn được. Cũng chính vì chịu ảnh hưởng rất nhiều từ những mẫu Mini cổ điển mà các dòng xe hiện nay, trong đó bao gồm cả Countryman là những chiếc xe mang kiểu dáng lạ mắt nhất, không đi theo một xu hướng thời đại nào cả và đôi khi bị gọi là “dị”. Cũng vì thế mà mới nhìn vào, thường có hai luồng ý kiến khác nhau, hoặc “ghét” ngay là hoặc là “yêu” ngay lập tức.
 
 
Cùng với kiểu dáng bên ngoài lạ mắt, chiếc Cooper S Countryman trong bài viết này được thiết kế và những trang bị bên trong ca-bin luôn tạo ra sự độc đáo rất riêng. Cooper S Countryman làm cho người nhìn vào cảm thấy vui vẻ, thoải mái và dễ chịu, tất cả các chi tiết đều tròn tròn xinh xinh. Cửa gió điều hòa tròn, tay nắm cửa cũng tròn, đồng hồ vòng tua máy phía sau vô-lăng cũng được thiết kế hình cầu, phía trên bảng điều khiển cũng có một vòng tròn to không kém… vô-lăng mấy để báo tốc độ, chính giữa vòng tròn này là màn hình hiển thị thông tin và tất cả các chỉ báo liên quan đến hoạt động của xe.
 
 
Mặc dù mô tả theo kiểu nữ tính nhẹ nhàng như vậy, nhưng thực tế đội ngũ thiết kế của Mini đã lồng vào các chi tiết nội thất xe những hình ảnh mạnh mẽ, có tính khoa học kỹ thuật và công nghệ cao. Dù tròn tròn xinh xinh nhưng các cửa gió điều hòa và màn hình trung tâm lại được tạo khối thành hình giống các turbine phản lực của máy bay, vốn là ngành khởi thủy của BMW và cả Bristish Aerospace (tập đoàn sở hữu Mini trước đây).
 
 
Lý do nữa để yêu sản phẩm này là các đặc tính kỹ thuật và công nghệ của BMW. Tại thị trường Mỹ, Countryman có 3 phiên bản bao gồm Cooper Countryman, Cooper S Countryman và Cooper S Countryman ALL4 (4x4). Phiên bản thứ ba là chiếc xe dẫn động 4 bánh đầu tiên dưới thời BMW. Cả 3 phiên bản đều được trang bị động cơ xăng dung tích 1,6 lít DOHC với công nghệ Valvetronic của BMW. Riêng động cơ của phiên bản Cooper S ALL4 và Cooper S trong bài viết này còn được trang bị turbo sử dụng thêm công nghệ phun xăng trực tiếp nên công suất cực đại đạt tới 181 mã lực (so với 121 mã lực của Cooper Countryman thường). Hộp số có thể chọn loại số tay 6 cấp hoặc tự động 6 cấp, và chiếc Cooper S Countryman ở đây trang bị số tự động 6 cấp. Nhờ đó mà Cooper S Countryman thể hiện các đặc tính vận hành khá mạnh mẽ, không như “diện mạo” nhẹ nhàng và vui nhộn của xe.
 
 
Bên cạnh đó, danh mục các trang bị trên Cooper S Countryman cũng rất đầy đủ, hiện đại với các hệ thống cao cấp như trợ lực lái thích ứng theo tốc độ, bướm ga điện tử, cùng với các hệ thống điện tử như ổn định điện tử (DSC), kiểm soát lực kéo (DTC), phanh ABS 4 kênh, phân phối lực phanh điện tử EBD, kiểm soát phanh khi vào cua (CBC), hiển thị áp suất lốp, 7 túi khí, khởi động bằng nút nhất… và rất nhiều các trang thiết bị tiện ích thú vị khác.
 
 
Mini Cooper S Countryman tiêu chuẩn tại Mỹ có giá bán hơn 26.000USD, chỉ cần bổ sung thêm một số “option” là vượt 32.000USD, tức là nếu về đến Việt Nam giá có thể lên tới gần 90.000USD.
 
 
 
 
 
 
 
 
Sau khi mua lại Rover Group, MINI và cả Land Rover vào năm 1994 từ tay British Aerospace, thì đến năm 2000, BMW lần lượt chia nhỏ nhóm này và bán hết cho các đối tác (MG và Rover “đá” sang Pheonix, Land Rover bị “tống” qua cho Ford), BMW chỉ giữ lại duy nhất thương hiệu MINI. Hãng xe Đức lúc đó dường như thấy được tiềm năng của thương hiệu này, mặc dù MINI khi ấy cũng rất bết bát, phải dừng sản xuất, tái cấu trúc và lên kế hoạch đầu tư mới gần như hoàn toàn. Không lâu sau đó, doanh số của MINI tăng liên tục, từ vài chục nghìn xe lên hàng trăm nghìn xe mỗi năm, trong đó có những năm tỷ lệ tăng ở mức 2 con số như 2003 (22,3%), 2007 (18,5%), và ngay cả năm mà kinh tế thế giới khó khăn như 2011, doanh số của MINI cũng tăng tới 22%. Trong suốt 42 năm lịch sử trước đó (từ 1959 đến 2000), tổng số xe MINI được sản xuất cũng chỉ đạt chưa đến 5,4 triệu chiếc, nhưng chỉ cần 12 năm thì BMW Group cũng đã bán được hơn 2,1 triệu chiếc MINI.