Chuyện kinh doanh trong độ xe: Cuộc chơi mạo hiểm ở Việt Nam?
Độ xe mới trở thành trào lưu và được giới trẻ hưởng ứng cách đây không lâu. Nhưng ở Việt Nam chuyện độ xe là một “trò chơi” đàn ông, còn mạo hiểm hơn phương Tây dù bài toán độ cũng giống hệt. Đơn giản bởi vì độ xe có thể bị xếp vào hàng phi pháp. Và các xưởng độ phải tự mình luồn lách qua quan niệm của các xưởng sửa chữa và tồn tại trong thế giới kinh doanh.
Ở Việt Nam, có hai kiểu hình tạo dựng một xưởng độ xe mục đích hướng tới sự phát triển độ xe chuyên nghiệp và thành một hoạt động kinh doanh. Một từ các cửa hàng sửa chữa nắm bắt nhu cầu của thị trường và cung cấp những sản phẩm xe độ; một từ giới trẻ mới yêu thích và ảnh hưởng bởi văn hóa độ xe phương Tây, phá vỡ những rào cản vật chất trong cuộc sống để theo đuổi niềm đam mê.
Đã có không ít câu chuyện “xương máu” đến từ những người từng thất bại trong việc kinh doanh độ xe, cuối cùng lại trở về với tư cách của một người chơi xe thuần túy. Đó cũng là vấn đề chung mà các xưởng độ ảnh hưởng của tinh thần chơi xe phương Tây. Giữa cái gout và quan niệm về cái đẹp riêng và thị hiếu chung của giới chơi xe Việt Nam có nhiều khác biệt. Các xưởng độ “trẻ” phải dung hòa tinh thần đó và nguồn thu vật chất, để tồn tại và phát triển. Tuy nhiên Dương Đoàn, chủ xưởng DuongDoan’s Design ở Hà Nội, cũng không ngần ngại chia sẻ, việc độ xe được anh coi là kinh doanh, nhưng đây vẫn mang đậm sở thích bởi đó chưa thể là nguồn thu chính. Anh vẫn phải phải làm những công việc khác để duy trì cuộc sống của mình.
Trong khi đó, anh Nguyễn Huy Sang - chủ nhân một lò độ xe môtô PKL cao cấp tại Sài Gòn - cho rằng, thành công trong chuyện kinh doanh là không bao giờ phải lắng nghe đồng tiền “lên tiếng. Gợi mở những kinh nghiệm kinh doanh cho các xưởng độ xe mang hơi hướng tinh thần phương Tây, anh Sang cho rằng giữa rất nhiều phong cách độ xe, phải biết định vị và làm nổi bật hướng độ xe đặc trưng của riêng mình. Xưởng độ của anh chọn phong cách xe PKL muscle (cơ bắp với các chi tiết có kích thước lớn trên các mẫu xe chủ đạo Harley Davidson). Hơn thế nữa, cơ sở vật chất kỹ thuật tại Sài Gòn cũng “ưu ái” cho việc độ xe hơn miền Bắc khi dễ dàng tìm kiếm các xưởng gia công CNC (gia công chính xác có sự hỗ trợ của máy tính). Nhờ sự cố gắng và tự tin rằng trình độ kỹ thuật của dân độ xe Việt Nam không hề thua kém nước ngoài. Anh Sang đã mang những sản phẩm độ xe của mình trưng bày tại sự kiện của một vài hãng mỹ phẩm và nhờ đó, khách hàng dần biết tới xưởng độ của anh. Con đường kinh doanh cứ dần rộng mở khi lượng khách hàng sẽ tới. Trong kinh doanh, đó không phải là một sự may mắn ngẫu nhiên, mà là hệ quả tất yếu của những hành động chủ định. Chẳng cái gì tự nhiên tới dễ dàng và từ trên trời rơi xuống.
Những câu chuyện dài chỉ là những mẫu điển hình tiêu biểu cho hiện tại của thú chơi độ xe tại Việt Nam. Có không ít những niềm đam mê vội vàng, gặp thất bại trong chuyện kinh doanh. Hoặc thất bại vì thiếu chiến lược kinh doanh, hoặc vì chạy theo lợi ích vật chất, trở thành những cái tên đen làm ăn chộp giật và sớm đi vào quên lãng trong giới chơi xe… Hay vì sự thiếu thốn cơ sở vật chất kỹ thuật như các máy móc cơ bản hỗ trợ việc độ xe, thiếu những phụ tùng tùy chọn chất lượng, mà chủ yếu vẫn sử dụng những món hàng độ có nguồn gốc từ Trung Quốc… Xã hội Việt Nam còn thiếu một tầng lớp làm việc với tác phong chuyên nghiệp, số “nghệ nhân” thấm nhuần tư tưởng và phong cách chơi xe phương Tây chỉ là thiểu số, mà trong mắt đa số dân chơi xe họ là những “nghệ sĩ trời đánh”… Tất cả vẽ nên một bức tranh một bên là sự khao khát tự do sáng tạo của giới chơi xe độ, một bên là hình ảnh giằng co giữa đam mê và vật chất của các con người kinh doanh xe độ lơ lửng trên mây, mà nếu đặt chân xuống đất họ có thể sa vào vòng lao lý, dù rất mong manh, nhưng đầy bắt trắc, điều khiến sự sáng tạo có thể sớm bị dập tắt. Liệu đó phải là nối luyến tiếc hoài nghi sẵn có tại Việt Nam khi chúng ta phát hiện ra những người nông dân độ máy bay, độ lò đốt rác sớm chôn vùi ước mơ hoặc chạy ra nước ngoài để sống như chính mình? Độ xe tại Việt Nam đã có một đam mê trở thành một ngành kinh doanh nghiêm túc, nhưng có lẽ, nó còn thiếu một không gian văn hóa và pháp lý để có đủ khoáng trống trưởng thành, phát triển, tạo nên bản sắc độc đáo cho mình.