Các hãng xe và cuộc đua bay vào không gian
Không chỉ giới hạn ở xe hơi, nhiều thập kỷ qua, các hãng xe vẫn đang “âm thầm” tham gia một cuộc đua bay vào không gian. Tên lửa Falcon Heavy, tàu vũ trụ cá nhân Lexus Skyjet hay robot Kirobo đều phần nào cho thấy tham vọng của các nhà sản xuất trong mục tiêu chinh phục những hành tinh mà con người chưa đặt chân tới.
GM Robonaut 2
General Motors (GM) có một mối quan hệ đối tác lâu đời với Cơ quan Hàng không và Vũ trụ Hoa Kỳ (NASA) trong các dự án khám phá không gian. Năm 2010, nhà sản xuất ôtô Detroit đã khiến không ít người phải trầm trồ khi vén màn robot hình người tên gọi Robonaut 2. Với hình dáng đặc biệt, nó có thể thực hiện một loạt hành động khác nhau trong môi trường khắc nhiệt nhất.
Năm 2011 đánh dấu sự kiện Robonaut 2 chính thức bay vào vũ trụ trên phi thuyền Space Shuttle Discovery và hoàn thành nhiệm vụ tiếp tế cho Trạm không gian quốc tế.
Các nhà khoa học kỳ vọng trong tương lai không xa sẽ để Robonaut 2 cư trú lâu dài trong không gian, với mục đích trợ giúp các phi hành gia thực hiện những công việc mạo hiểm.
Audi Lunar Quattro
Năm 2015, Audi quyết định hiện thực hóa tham vọng đặt chân lên mặt trăng khi hợp tác với nhóm kỹ sư Part-time Scientists tham gia cuộc thi Google Lunar Xprize. Sản phẩm của lần hợp tác này là chiếc xe tự hành Audi Lunar Quattro.
Về thiết kế, chiếc xe được trang bị 4 camera, đảm bảo nó có thể di chuyển an toàn trên bề mặt gồ ghề và bụi bặm, chụp lại những bức ảnh 360 độ và gửi về Trái Đất. Tương tự những chiếc xe hiện tại của Audi, Lunar Quattro sử dụng hệ dẫn động bốn bánh toàn thời gian với các mô-tơ điện gắn ở mỗi trục bánh xe. Hãng xe Đức tuyên bố phương tiện đạt vận tốc tối đa 3,6km/h.
Lexus Skyjet
Với màn ra mắt con tàu vũ trụ cá nhân Skyjet, thương hiệu xe sang của Toyota muốn chứng minh một điều rằng, khả năng của hãng không chỉ bó hẹp trong lĩnh vực ôtô.
Thực chất, Skyjet được phát triển dành cho bộ phim khoa học viễn tưởng “Valerian and the City of a Thousand Planets” (Tạm dịch: Valerian và thành phố ngàn hành tinh) với sự hợp tác của Lexus và hãng phim Europa Corp.
Tại thời điểm đó, Lexus Skyjet ra đời phục vụ một dự án phim ảnh, nhưng nó còn thể hiện tầm nhìn và trí tưởng tượng của một hãng sản xuất ôtô về phương tiện di chuyển của con người trong tương lai.
Tesla Roadster/SpaceX Falcon Heavy
Sẽ thiếu sót nếu không nhắc đến Tesla, đặc biệt CEO Elon Musk với những ý định táo bạo trong lĩnh vực hàng không vũ trụ. Bên cạnh Tesla, ông còn sở hữu một công ty riêng có tên gọi SpaceX cùng sản phẩm nổi bật là mẫu tên lửa Falcon Heavy.
Tháng 2/2018, SpaceX phóng thành công tên lửa siêu nặng Falcon Heavy với kiện hàng thử nghiệm là chiếc xe thể thao Tesla Roadster đời 2018 màu đỏ mận. Sự kiện đã để lại tiếng vang lớn bởi đây là lần đầu tiên, con người đưa xe hơi ra khỏi Trái Đất.
Tháng 6/2019, SpaceX tiếp tục phóng tên lửa Falcon Heavy thứ ba của mình. Công ty dự kiến sẽ phát triển những loại tên lửa mạnh hơn nhằm phục vụ các nhà du hành vũ trụ trong hoạt động thám hiểm không gian.
GM/Apollo Lunar Roving Vehicle
Lunar Roving Vehicle (LRV) là một chiếc xe bốn bánh chạy bằng pin được sử dụng trên Mặt trăng trong ba nhiệm vụ cuối cùng thuộc chương trình Apollo của Mỹ giai đoạn 1971-1972.
Về cơ bản, LRV là chiếc ôtô với 2 chỗ ngồi nhưng sở hữu ngoại hình thô sơ và không hề có lớp thân vỏ để bảo vệ người ngồi bên trong, thậm chí thiếu cả những chi tiết như vô-lăng hay pedal. Xe có trọng lượng 204kg được trang bị 4 mô-tơ điện công suất 1/4 mã lực ở các bánh xe, kết hợp hai khối pin 36V không thể sạc lại.
Toyota Kirobo
Kirobo là robot “phi hành gia” của Nhật Bản và được phát triển bởi một loạt tên tuổi khác nhau, trong đó có Toyota.
Sở hữu chiều cao chỉ 34cm với trọng lượng khoảng 1kg nhưng chú robot “tí hon” có những khả năng khiến con người phải ngạc nhiên, bao gồm nhận diện giọng nói, xử lý ngôn ngữ, nhận diện khuôn mặt và quay video.
Chú robot được thiết kế dành cho các môi trường không trọng lực. Sự ra đời của Kirobo nhằm khám phá cách thức con người và robot có thể tương tác với nhau trên vũ trụ. Nó cũng đã có chuyến “du hành” lên Trạm không gian quốc tế vào năm 2013.