Nâng cao kỹ năng lái môtô cào cào

Hoàn thiện kỹ năng điều khiển môtô cào cào thông qua các khóa huấn luyện chính quy sẽ giúp biker Việt trải nghiệm cảm giác lái phiêu lưu, tăng khả năng tránh rủi ro trên nhiều điều kiện giao thông.

Biker Việt ngày càng thích môtô cào cào

Lái môtô cào cào (cách gọi bình dân và hình tượng hóa đối với các loại môtô địa hình như adventure, enduro, motorcross…) trên đường phố luôn tạo nên cảm xúc vừa mãnh liệt vừa khác lạ vì dáng xe rất cao, tạo tư thế ngồi lái dũng mãnh, trẻ khỏe hơn so với nhiều dòng môtô khác. Trong khi giới trẻ Việt Nam hiện nay đạt chiều cao lý tưởng nhờ được hưởng chế độ ăn uống đầy đủ dinh dưỡng hơn các thế hệ cha ông, kết hợp nền y tế chăm sóc sức khỏe tiên tiến hơn. Do vậy, nhiều biker Việt có xu hướng chọn mua các mẫu môtô phân khối lớn thuộc dòng xe cào cào, tiêu biểu là các model xe Enduro, Adventure…

HLV Văn An thị phạm kỹ năng băng qua đường sình lầy kết hợp mô đất đá

Tuy nhiên, đa số tay lái lại không nắm vững kiến thức điều khiển loại môtô cồng kềnh, “cao lêu nghêu” này, mà thường là các thành viên trong hội nhóm “truyền miệng” nhau những thao tác xoay ghi-đông, vặn người, cắt côn… rất dễ dẫn đến các sự cố gây thiệt hại người và xe.

Chính vì thế, biker nên chọn theo học các khóa huấn luyện của các hãng xe hợp tác với đội ngũ huấn luyện viên (HLV) chuyên nghiệp trong và ngoài nước, nhằm hướng dẫn họ trau dồi kỹ năng điều khiển một trong những loại môtô rất khó chế ngự này.

Bất ngờ với những kiến thức điều khiển môtô cào cào

Các HLV cho biết: “Các học viên khá ngạc nhiên khi chúng tôi khởi động chương trình bằng chuỗi lý thuyết mô tả tỉ mỉ cách chọn trang phục đồng bộ theo xe như mũ bảo hiểm full-face, giày cổ cao… Nghe có vẻ nhàm chán vì tâm lý “chuyện nhỏ, ai mà không biết” nhưng đây là bước chuẩn bị quan trọng, trong nhiều trường hợp sẽ ảnh hưởng trực tiếp sự toàn vẹn sức khỏe và sinh mạng của người cầm lái!”.

HLV Minh Tú tư vấn lái môtô cào cào Enduro

HLV Richard tư vấn lái môtô Adventure

Tiếp theo, trước khi bước vào thực hành lái xe, một trong những lỗi nhiều biker mắc phải là ngồi xa ghi-đông, với cánh tay duỗi thẳng để có tư thế ngồi lái thẳng lưng cho “đẹp dáng”, trong khi đúng là phải ngồi sát bình xăng với khuỷu tay gập góc 90 độ hoặc thu hẹp hơn, lưng hơi cong gập về phía trước… nhằm linh động xoay trở ghi-đông khi muốn vượt địa hình gập ghềnh, có vật cản đột ngột xuất hiện.

Bên cạnh đó, khi ngồi gần ghi-đông, biker sẽ dễ dàng kẹp đùi vào bình xăng để cơ thể bám chặt hơn vào xe khi phóng qua các mố cao, góp phần duy trì thân xe không đảo lắc ngoài tầm kiểm soát. Đối diện địa hình off-road nhẹ, biker cưỡi môtô adventure không cần xì lốp xe vì khối lượng loại xe này thường nặng, khi xì thì lốp sẽ dễ bật ra khỏi vành xe.

Tuy nhiên, nếu đường quá lầy hoặc cán lún, lốp có thể được xì bớt hơi nhưng sau khi vượt qua địa hình xấu, cần bơm lại đúng quy chuẩn áp suất của hãng.

Vị trí mũi giày cần đặt vào bàn đạp chuyển số (rất khác với cách đặt chủ yếu lòng bàn chân lên thanh gác chân trên các loại môtô sportbike, nakedbike…) giúp biker linh hoạt hơn khi muốn sang số khẩn cấp cũng như kịp thời nâng người tăng tầm quan sát trước khi chạy vào khu vực như cây cỏ um tùm chẳng hạn. Vị trí nhón mũi chân như vừa nêu còn cải thiện các bước phối hợp nhịp nhàng cụm khớp ở đầu gối và mắt cá chân để hấp thụ lực dằn xóc hiệu quả hơn.

“Tiếp theo, khi cầm lái môtô cào cào đối diện địa hình hiểm hóc, biker thường có thói quen tập trung nhìn chăm chú vào mặt đường – nơi có vị trí xe khó vượt qua, và đúng thật là trong vô thức thì tay lái sẽ giữ nguyên cho hướng xe lao vào vị trí không thể vượt qua đó!”, một HLV nhấn mạnh. Vì vậy, biker cần mở rộng tầm quan sát bao quát bằng cách nhìn hơn chếch lên, đồng thời nhìn theo hướng mình muốn xe chạy tới, từ đó tự tin điều khiển uyển chuyển tay lái để xe đổi hướng chính xác đến khu vực an toàn.

Biker cũng cần tập bóp tay với dụng cụ tay nắm lò xo cuộn hình chữ V để tăng lực co của các ngón tay, giúp bóp/nhả hoặc giữ càng côn chỉ bằng 1-2 ngón tay (ngón giữa và/hoặc ngón trỏ), còn các ngón khác phải nắm cùm tay lái thật chặt để nhanh nhạy cân bằng thân xe khi lăn bánh qua đường dốc nghiêng liên tiếp.

Những kỹ năng lái xe nâng cao

Cưỡi môtô cào cào ở tầm chuyên nghiệp cần một động tác mới lạ so với khi cầm lái các dòng môtô khác, đó là thường xuyên… đứng lái xe, nhất là trên đường cát, mưa trơn trượt, đường dốc 45 độ trở lên và các vật cản như thân cây ngã chắn ngang đường… giúp thuận tiện phối hợp nhịp nhàng với thao tác chồm để ấn đầu xe giúp tăng độ bám cho lốp xe; hoặc đổi tư thế sang ngửa người để chuyển trọng tâm về phía sau xe, dễ bốc đầu vượt qua vật cản lớn, lối chạy gập ghềnh.

Một ưu điểm nữa khi đứng lái xe đó là biker dồn khối lượng cơ thể vào bàn gác chân, hạ trọng tâm nên thân xe khó ngã đổ hơn khi biker ngồi (khiến trọng tâm chuyển lên yên xe sẽ khiến xe dễ lắc lư hơn).

Nhằm hỗ trợ hiệu quả cho việc đứng lái, biker cần luyện tập kỹ năng giữ thăng bằng khi lái xe tốc độ rất chậm, thông qua việc nhấp nhả nhịp nhàng tay côn và hệ thống phanh, cũng như chọn nấc số hợp lý để tăng sức kéo của động cơ trên đường bùn lầy. Lưu ý, đây là kỹ năng rất khó nên biker cần làm quen với những mẫu xe cào cào hạng dưới 400 phân khối, sau đó dần tiến tới điều khiển những dòng xe cào cào 600-1.000 phân khối hoặc lớn hơn.

Trong các trường hợp tăng tốc, cần nhớ trước khi vào cua thì chồm người đè bánh trước để lốp xe bám đường hơn. Nếu cán vào vũng lầy thì ngồi lùi ra xa ghi-đông để bánh sau tăng ma sát với địa hình, lúc này đầu xe nhẹ hơn sẽ dễ bốc đầu, đưa xe vượt hố bùn.

Áp dụng vào việc lái xe hằng ngày

Môtô cào cào thường có khối lượng nhẹ, động cơ mạnh mẽ, hệ thống phuộc có biên độ đàn hồi lớn, nên nhiều trường hợp khó kiểm soát khi lái xe hơn các dòng môtô khác. Việc cầm lái môtô cào cào phù hợp hơn với các tay lái trẻ, có chiều cao trên 1m70, còn giữ được sức khỏe dồi dào và khả năng phản xạ tốt, khát khao chinh phục các cung đường phượt “theo đường chim bay”, bất chấp suối, lạch ngầm, đèo núi, các cánh rừng rậm… cản trở. Sau khi trải qua các khóa huấn luyện lái xe cào cào với độ khó cao, khi tham gia giao thông hằng ngày trên đường phố, các học viên sẽ tăng xác suất an toàn khi xử lý các tình huống như vừa bẻ lái vừa giữ thăng bằng khi tránh xe lấn làn đột ngột. Kiến thức lái xe cào cào còn giúp tạo thói quen tăng cự ly quan sát đường chạy, nhất là khi được ngồi xe cào cào yên cao, tăng khả năng phán đoán tình huống va chạm có thể xảy ra để chủ động phòng tránh từ xa.

Tin tổng hợp

otoxemay.vn