Mẹo đơn giản lái xe an toàn đường đèo dốc

Lái xe vi vu trên những đoạn đường đèo dốc có thể là một trải nghiệm thú vị nhưng cũng tiềm ẩn không ít rủi ro. Dưới đây là một vài lời khuyên đơn giản mà mỗi tài xế đều có thể vận dụng để có được một chuyến đi an toàn cho cả người và phương tiện.

 
Trước hết, trước mỗi chuyến đi, người lái nên chắc chắn hệ thống phanh, cần gạt nước, kính chắn gió, hệ thống xả, dầu phanh…của xe đều trong trạng thái “tốt”. Qua thời gian, dầu phanh sẽ bị ẩm hay nhiễm phải một số chất có thể làm giảm nhiệt độ sôi của chất lỏng. Liên tục áp dụng phanh có thể làm chất lỏng quá nóng, làm giảm hiệu quả trong những trường hợp cần thiết. Ngoài ra, cũng nên kiểm tra lốp xe để đảm bảo chúng luôn đủ áp suất và không bị mòn quá mức cho phép.
 
 
Khi xuống dốc, không nên rà phanh liên tục để đi ở tốc độ mong muốn. Thay vào đó, hãy chuyển cần số về vị trí S +/- hoặc L hay D +/-.. đối với xe có hộp số tự động, cốt để đưa xe về số thấp. Tùy theo mức độ dốc nhiều mà để xe chạy ở số nhỏ dần 2 hoặc 1 (thao tác là gảy số trừ để về số). Khi đó vòng tua máy sẽ lên cao hơn 2000v/p, mô-men xoắn mạnh để ghìm tốc độ trôi xe theo quán tính, máy có thể gào nhưng đó là điều bình thường, không hề hỏng xe như nhiều người lầm tưởng, chỉ cần rút ngắn thời gian thay dầu máy sau đó. Với xe số sàn cũng vậy, đưa về số thấp tương tự.  Thời điểm duy nhất người lái cần đặt chân lên chân phanh là khi cần chậm lại để chuyển về một số nhỏ hơn, hoặc rà nhẹ tại góc cua nếu xe trôi nhanh hơn mức độ kiểm soát, nếu bạn chạy số 3.
 
Khi lên dốc, tài xế cũng nên chuyển cần số về số nhỏ hơn, để ý đến nhiệt độ trong xe và tắt hệ thống điều hòa khi khu vực trong xe bắt đầu trở nên quá nóng. Nếu muốn làm mát động cơ, tốt nhất nên tìm một nơi an toàn để dừng xe lại bên lề đường để phương tiện có thể “nghỉ ngơi”. Tuy nhiên, không nên tắt hẳn động cơ và bỏ nắp tản nhiệt đang nóng ra. Cách hiệu quả hơn là bật máy sưởi, có điều nó có thể làm cho tài xế cảm thấy hơi khó chịu.
 
 
Dường đồi núi thường hẹp hơn đường cao tốc mà chúng ta thường gặp. Vậy nên, không nên đi ở giữa đường bởi đây là một hành động vừa không khôn ngoan, lại khá nguy hiểm. Chẳng hạn ở một khúc cua, có một chiếc xe khác đang đi ngược chiều ở vị trí tương tự, hai phương tiện có thể đâm thẳng vào nhau gây tai nạn nghiêm trọng.
 
Tài xế cũng cần nhớ mang theo nước uống trong suốt cuộc hành trình bởi ở khi lên cao, thiếu độ ẩm có  thể dẫn đến các triệu chứng như say độ cao, ảnh hưởng đến sự tỉnh táo của người lái khi đang điều khiển phương tiện.
 
 
 
Trong trường hợp thời tiết xấu như mưa lớn, sương mùa, hãy đi chậm lại và quan sát cẩn thận hơn. Nếu cảm thấy lái xe khác đang trong tình trạng thái vội vàng, hãy nhường đường cho họ vượt. Vào mùa đông, cũng có thể thêm một dung môi đặc biệt vào kính chắn gió để đề phòng trường hợp nước có thể đóng băng làm cản trở tầm nhìn.
 
Một điều cũng không kém phần quan trọng là nghỉ giải lao trong mỗi chặng đường đi bởi lái xe trên những đoạn đường đèo dốc sẽ rất áp lực và căng thẳng. Không những vậy, đây còn là thời điểm để bước ra khỏi xe và tận hưởng vẻ đẹp của thiên nhiên hùng vĩ.
 
Như vậy, để điều khiển phương tiện ở những cung đường đèo dốc, người lái cần vận dụng không chỉ một mà rất nhiều kinh nghiệm và kỹ thuật nhưng không quá khó. Quan trọng là không nên nóng vội, bởi chỉ cần một chút sai sót hay lơ đễnh cũng có thể cướp đi sinh mạng của hàng chục người vô tội.
 

Tin tổng hợp

otoxemay.vn