Các mẫu môtô cào cào hạng trung đáng mua

Dòng xe môtô cào cào (motocross) luôn có sức hút lớn với các biker bởi kiểu dáng cao lớn, hùng dũng, phong cách lái phóng khoáng, mạnh mẽ, đậm chất thể thao hơn môtô adventure, bất kể là đường off-road hay trên phố.

Tại Việt Nam, số lượng người quan tâm mua xe cào cào ngày càng nhiều. Theo xu hướng mới, người bắt đầu tập chơi loại xe này có thể bỏ qua bước làm quen với dòng xe cào cào 150 phân khối để tiết kiệm thời gian cũng như chi phí, tiến thẳng đến phân khúc tầm 250 phân khối. Đây là phân khúc của những mẫu xe cào cào không cồng kềnh, thuận tiện đi làm hằng ngày, đồng thời máy khá mạnh, đủ “chiến” các cung đường off-road xả stress sau tuần làm việc căng thẳng. Một số điều cần lưu ý khi chọn dòng xe cào cào 250 phân khối như sau:

Dáng xe khỏe đẹp

Đối với dòng xe cào cào tầm trung (250cc), sức mạnh động cơ không phải là điều ưu tiên để thể hiện, mà do sử dụng hằng ngày trên phố nên xe cần có kiểu dáng sắc sảo, cao ráo bắt mắt. Yamaha Serow 250 dễ thu hút tầm mắt nhờ kiểu dáng lạ mắt với bình xăng nhô cao tránh người lái bị trượt về phía trước khi phanh gấp. Dàn vỏ thân xe có khe thoát gió tăng tính khí động học. Yên xe cao 830mm ngang Kawasaki KLX230, là cỡ phù hợp biker Việt cao 1m65 chống chân vững.

Yamaha Serow 250

Bên cạnh đó, ưu tiên chọn xe gắn đĩa phanh cỡ lớn với đường kính 300mm theo xu hướng thiết kế mạnh mẽ dành cho xe cào cào. Dòng xe cào cào thường có màu sơn thiếu đa dạng (xanh, đen), như Kawasaki KLX230, nhưng chi tiết này không đáng kể, vì chủ xe có thể đặt sơn màu tùy thích.

Honda CRF250L

Tuy có đội ngũ thiết kế giàu kinh nghiệm nhưng mẫu xe Honda CRF250L, Kawasaki KLX230… cũng không thoát khỏi kiểu dáng đơn điệu của dòng xe cào cào, với các chi tiết quen thuộc như bánh căm (nan hoa), phuộc dài, vè chắn bùn cao nhỏ, ống pô đơn chếch cao, chóa đèn pha nhỏ… Chưa kể yên xe quá cao 875mm là trở ngại hàng đầu để mẫu xe này có thể “phổ cập” hơn đến biker Việt. Tuy nhiên, các biker có vóc dáng cao vượt trội càng muốn nổi bật có thể chọn Kawasaki KLX230R 2022 với yên xe cao tới 925mm.

Kawasaki KLX230S

Có kích thước lớn nhất trong dòng Kawasaki KLX230 là phiên bản S với chiều dài 2.080mm, rộng 835mm, cao 1.110mm. Đây cũng là kích thước “đồ sộ” hàng đầu trong phân khúc. Kích thước càng lớn thì khung sườn càng phải chế tạo bằng hợp kim chất lượng cao, vì đây là một bộ phận rất quan trọng đối với dòng xe cần khả năng chịu lực cao như môtô cào cào.

Yamaha Serow 250

Các mẫu xe đáp ứng tiêu chuẩn này gồm Honda CRF250L, Yamaha Serow 250, Kawasaki KLX230S, Suzuki RM-Z250. Đường phố Việt có đặc trưng nhiều ngõ hẹp nên chọn xe có chiều dài cơ sở ngắn (khoảng 1.360mm) và lốp gai thường như Suzuki RM-Z250, Kawasaki KLX230SM, Honda CRF250L phù hợp ôm cua gắt trong ngõ hẹp.

Công nghệ mới

Chỉ số đường kính phần tác động đĩa phanh (brake effective radius) – được tính từ tâm của đĩa phanh đến điểm giữa trên bề mặt tiếp xúc của bố phanh và đĩa – lớn so với đối thủ nên dòng xe Kawasaki KLX230 có quãng đường phanh ngắn hơn. Biến thể KLX230SM là mẫu SuperMoto được tinh chỉnh hệ thống ECU giúp xe giữ vòng tua máy thấp ở chế độ không tải nên khởi động êm tai. Chức năng hiệu chỉnh khí quyển (atmospheric correction) tác động ECU hỗ trợ xe chạy địa hình cao - nơi mà không khí thường loãng hơn – vẫn bảo đảm tỷ lệ hỗn hợp xăng và không khí đi vào buồng đốt đủ. Nhờ đó tăng độ nhạy tay ga, giảm hiện tượng hụp ga và công suất luôn duy trì tốt. Chế độ tản nhiệt bằng không khí giúp không cần châm nước làm mát định kỳ và điều quan trọng hơn là giúp thu gọn cấu trúc cụm động cơ nhỏ hơn, nhẹ hơn, góp phần giảm trọng lượng xe.

Kawasaki KLX230SM

Yamaha Serow 250

Yamaha Serow có cảm biến ôxy giúp điều chỉnh tỷ lệ không khí hút vào nhiều hơn so với nhiên liệu, giúp xe khó tắt máy hoặc giảm công suất khi off-road đường núi. Đèn pha Yamaha Serow 250 có thể điều chỉnh nên góc chiếu sáng linh hoạt hơn. Còn Honda CRF250L tiên phong ứng dụng công nghệ phun xăng điện tử kết hợp hộp số 6 cấp giúp xe chạy mượt êm, tiết kiệm nhiên liệu hơn đối thủ. Thêm trục cân bằng giúp giảm rung chấn khi máy nổ. Tuy vậy phuộc sau khá mềm khiến xe chậm lấy lại gia tốc. Chóa đèn pha nhỏ nên chiếu sáng kém. Nhưng Honda CRF250L vẫn rất hấp dẫn nhờ các gói nâng cấp gồm: thay ly hợp trợ lực và chống trượt giúp giảm 20% lực bóp phanh, khắc phục tình trạng văng đuôi khi tăng tốc đột ngột; màn hình LCD thời thượng kèm nút tắt ABS để chạy off-road tốt hơn; ghi-đông kéo lùi giúp thẳng lưng khi cầm lái, giảm mệt mỏi.

Honda CRF250L

Hạn chế của hầu hết xe cào cào là bình xăng dung tích nhỏ, như Kawasaki KLX230R 6,6 lít, nên người chơi cần đem xăng dự trữ. Riêng Yamaha Serow 9,3 lít, Honda CRF250L tới 12 lít… có lợi thế chạy đường dài ít lo bơm xăng.

Sức mạnh động cơ

Trang bị động cơ mạnh mẽ với công suất 24 mã lực/9.000 vòng/phút và mô-men xoắn 23Nm/6.500 vòng/phút, tuy vậy gia tốc của Honda CRF250L phần nào giảm sút do xe có khối lượng nặng hơn 10-20kg so với đối thủ.

Honda CRF250L

Kawasaki KLX230R

Còn Kawasaki KLX230R (động cơ 233cc, xy-lanh đơn, hộp số 6 cấp) công suất 20 mã lực/8.000 vòng/phút và 21Nm/6.000 vòng/phút, yếu hơn mẫu xe cào cào của Honda. Bù lại, đây là mẫu xe có khối lượng nhẹ hàng đầu phân khúc (119kg).

Yamaha Serow gắn động cơ xy-lanh đơn, 248cc, công suất 18 mã lực/7.500 vòng/phút và mô-men xoắn 19Nm/6.500 vòng/phút. Tuy máy không mạnh nhưng nhờ khối lượng xe ở mức trung bình (130kg) nên Serow 250 khá cơ động. Khả năng tiết kiệm nhiên liệu (2,5 lít/100km) thêm ưu điểm cho mẫu xe này.

Suzuki RM-Z250

Tính năng an toàn

Tương tự dòng xe Kawasaki KLX230, Honda CRF250L cũng có phanh ABS, có thể bật/tắt ABS. Giảm xóc bánh sau Pro-Link cải tiến giữ thân xe ổn định hơn khi đánh lái qua lại liên tục. Người chơi motocross lưu ý chọn gầm xe cao hàng đầu phân khúc như Kawasaki KLX230R (300mm) để tránh nguy hiểm do vướng gầm gây mất lái, an toàn hơn Honda CRF250L có khoảng sáng gầm xe chỉ 245mm.

Kawasaki KLX230R

Chọn biến thể lắp lốp gai to bản, sắp xếp tỷ lệ bánh trước/sau là 21inch/18inch như Suzuki RM-Z250, Kawasaki KLX230R giúp xe có dáng dũng mãnh cũng như nâng cao khả năng leo địa hình xấu.

Kawasaki KLX230S

Riêng Suzuki RM-Z250 còn có công nghệ kiểm soát độ bám đường

Giá bán cạnh tranh

Thế mạnh về giá rẻ tưởng như thuộc về xe cào cào Trung Quốc nhưng ở Việt Nam hiện nay hầu như không có xe cào cào dòng 250cc “Made in China”. Phần nữa, tại thị trường Việt Nam, tâm lý biker yêu thích môtô cào cào cũng tương tự lớp người sử dụng xe máy phổ thông, nghĩa là vẫn ưu tiên chọn thương hiệu nổi tiếng trong lĩnh vực chế tạo môtô cào cào như Honda, Kawasaki, Yamaha.

Kawasaki KLX230S

Nhưng cào cào Honda thường là sự lựa chọn sau cùng của biker Việt vì giá luôn thuộc hàng cao nhất trong dòng xe cào cào 250cc tại thị trường Việt Nam, như mẫu CRF250L giá 203 triệu đồng, so với các đối thủ mới nhất như Kawasaki KLX230 (145-151 triệu đồng).

Mẫu Suzuki RM-Z250, Yamaha Serow 250 kiểu dáng đẹp chủ yếu thu hút các tín đồ Việt chịu chi, bởi giá bán quốc tế đã ngang 196-205 triệu đồng, khi nhập về Việt Nam sẽ có giá bán khoảng 260-300 triệu đồng.

Tin tổng hợp

otoxemay.vn