Bí kíp “bỏ túi” khi mua xe cũ
Việc tìm mua được một chiếc xe đã qua sử dụng chất lượng tốt, giá hợp lý chưa bao giờ là điều dễ dàng, nhất là khi bạn không phải là chuyên gia về xe cộ. Tuy nhiên, “khám sát” chiếc xe thật kỹ, truy vấn thông tin lịch sử của xe cũng như áp dụng vài chiêu khác là bạn có thể hạn chế bớt những rủi ro khi bỏ tiền ra mua.
Xe cũ bắt đầu đắt khách
Cùng với việc phục hồi của thị trường xe mới thì phân khúc xe cũ cũng bắt đầu nhộn nhịp bởi đây được coi là thời điểm kinh doanh tốt nhất trong năm, bởi vậy, các showroom kinh doanh xe cũ bắt đầu ồ ạt trưng hàng và liên tục đưa ra các lời mời chào hấp dẫn để dụ khách như xe tốt giá hời, chế độ bảo hành, giấy tờ bảo đảm... Tuy nhiên, khác với mọi năm những dòng xe bình dân, xe nhỏ sẽ là trọng tâm của thị trường ôtô cũ thì nay, các showroom đều chật cứng các xe tầm trung và hạng sang và được nhiều người quan tâm. Những mẫu xe được hỏi nhiều nhất là Toyota Camry, Hyundai Santa Fe, Mercedes E-class, Lexus LS460 …
Không giống như xe mới, giá của ô tô cũ rất khó xác định và thường phụ thuộc nhiều vào lời rao của người bán, bởi thế hầu hết các xe đều được thổi lên cao hơn nhiều so với giá trị thực của xe. Trong khi đó, người có nhu cầu mua xe thường rất ít khi có khả năng đánh giá chất lượng xe để có thể định giá chính xác. Trên các diễn đàn mua bán, nhiều thành viên bày tỏ khá lúng túng khi lựa chọn mua xe cũ và xin tư vấn. Phần lớn là lo ngại về chất lượng của những chiếc xe đã qua sử dụng cũng như nguồn gốc, lịch sử tai nạn của xe. Rất nhiều lời khuyên đưa ra song hầu hết đều cho rằng mua được xe tốt giá hợp lý chỉ là may rủi, bởi phần lớn các hợp đồng mua bán chỉ dựa vào sự thỏa thuận và người mua chỉ biết tin theo lời giới thiệu của nhân viên bán hàng.
Những chiêu chọn xe
Tuy nhiên, nói vậy không có nghĩa là bạn chỉ có thể mua xe một cách mù mờ vô định, theo kinh nghiệm của giới buôn xe, thì khi ra showroom, không chỉ lựa xe theo tầm giá tiền mình có thì người mua cũng cần xác định rõ loại xe muốn mua là gì? Đó có thể là một chiếc sedan 5 chỗ phục vụ nhu cầu đi lại hàng ngày cho cả gia đình hoặc một chiếc SUV 2 cầu phục vụ cho sở thích offroad. Và dù có là dòng xe nào thì cũng nên cân nhắc chọn xe phù hợp với nhu cầu thiết yếu và định hướng ngay từ trước khi ra cửa hàng.
Bước tiếp theo là tìm nguồn đáng tin cậy để mua xe. Nếu có ý định mua lại xe của người thân thì mọi việc trở nên thật đơn giản bởi bạn biết rõ nguồn gốc và lịch sử của chiếc xe. Nhưng nếu không có ai quen biết để nhờ cậy thì cũng đừng quá lo lắng bởi hiện nay có rất nhiều nguồn uy tín tham khảo như các diễn đàn về ôtô hay các đại lý xe cũ, các trang mua bán trên mạng. Dù mua ở nguồn nào thì bạn cũng nên dành ưu tiên cho các xe chính chủ, không mua qua trung gian để đảm bảo về giấy tờ và nguồn gốc của xe.
Sau khi đã chọn được chiếc xe quan tâm, bạn cần hỏi người bán thật kỹ để nắm được càng nhiều thông tin về chiếc xe đó càng tốt. Những câu hỏi cơ bản nhất gồm: chủ cũ đã sử dụng chiếc xe đó trong bao lâu; xe đã qua mấy đời chủ; người bán là chính chủ hay môi giới; lý do bán xe; xe chạy được bao nhiêu vạn km; xe có còn sổ bảo dưỡng định kỳ không; xe đã từng bị tai nạn hay đại tu chưa; xe có nằm trong các đợt triệu hồi không, nếu có thì lỗi đó đã được khắc phục chưa;…
Tất cả những thông tin này sẽ giúp bạn nẵm rõ được lịch sử của xe và xác định được những vấn đề tiềm ẩn mà chiếc xe có thể gặp phải trong tương lai. Ví dụ một chiếc xe từng chạy hàng chục vạn km với nhiều đời chủ sẽ có thể gặp nhiều vấn đề hỏng hóc trong tương lai trong khi một chiếc xe chạy ít và trải qua một đời chủ thì cho dù tuổi đời có lên đến 10 năm cũng vẫn rất bền và có thể tiếp tục hoạt động tốt trong nhiều năm nữa.
Kinh nghiệm phổ biến mà nhiều người thường bảo nhau khi mua xe cũ là “tốt gỗ hơn tốt nước sơn” nhưng một chiếc xe còn giữ được vẻ đẹp dù là do được “mông má” lại đi chăng nữa thì cũng khó ai kìm lòng. Do vậy muốn tậu được chiếc xe “tốt gỗ tốt cả nước sơn” bạn hãy kiểm tra thân xe thật kỹ. Trước hết, hãy chú ý đến những đường nối của thân xe và mui xe. Nếu có các vết xước, rỉ sét hoặc thậm chí là giữa những đường nối này xuất hiện các khe hở thì cần cân nhắc. Đó là dấu hiệu của việc xe không được lắp ráp chính xác hoặc đã trải qua tai nạn phải sửa chữa.
Bước tiếp theo để đánh giá khung vỏ xe đó là chất lượng nước sơn của xe. Một chiếc xe có vấn đề về sơn xe không thể là một chiếc xe hoàn hảo, đặc biệt khi xuất hiện những mảng không tiệp màu nhau trên thân xe. Tuy nhiên, với các xe chuyên chạy trong phố, việc xe bị trầy xước và phải sơn lại thân vỏ xe là điều không thể tránh được. Do vậy, bạn hãy quan sát thân xe từ nhiều góc độ khác nhau. Nếu có những vùng lồi lõm bất thường kết hợp với màu sơn xe không đồng nhất, khả năng rất cao là chiếc xe đó đã bị va chạm nghiêm trọng.
Bên cạnh ngoại thất, bạn cũng nên quan sát và kiểm tra kỹ nội thất của xe. Với một chiếc xe đã qua sử dụng, việc các chi tiết nhựa và gỗ bị sờn hoặc mòn là khó tránh khỏi trong quá trình sử dụng. Tuy nhiên, nếu bảng điều khiển có các vết nứt, các nút bấm bị hỏng, ghế ngồi bị xuống cấp và chạy xệ hay bàn đạp phanh, ga bị mòn thì rất có thể chiếc xe đó đã được sử dụng quá nhiều, chi phí để hồi phục chắc chắn sẽ không ít. Nếu bạn mua xe ở những vùng hay bị ngập lụt, hãy chú ý đến mùi nội thật khi mới bước vào trong xe. Những xe bị ngập thì dù có dùng cách nào đi nữa cũng không thể khử được hoàn toàn mùi ẩm mốc bên trong xe. Bên cạnh đó, bộ phận quan trọng mà nhiều người khi mua xe thường bỏ qua đó là hệ thống túi khí của xe. Đơn giản nhất là hãy kiểm tra đèn báo túi khi trên bảng đồng hồ điều khiển. Trên lý thuyết, nếu đèn túi khí không sáng nghĩa là hệ thống này vẫn hoạt động tốt, chưa bị nổ túi khí lần nào. Tuy nhiên, hiện nay có khá nhiều người bán xe không trung thực nên bạn cần phải cẩn thận. Dù đèn báo không sáng bạn vẫn nên đưa xe đến gara để kiểm tra hộc túi khí bên dưới nắp taplo.
Bước tiếp theo cần làm là mở mui xe lên để kiểm tra động cơ và bộ tản nhiệt. Bộ phận đầu tiên không thể bỏ qua là két làm mát. Nếu dung dịch làm mát không đủ, có hiện tượng dính bẩn thì chứng tỏ bộ phận này đã bị chủ cũ lơ là khi bảo dưỡng. Tiếp đến là kiểm tra các lá tản nhiệt, dầu động cơ và hệ thống dầu nhớt của xe nói chung. Nếu thấy có cặn dầu, khả năng cao là động cơ đã bị hư hại và sẽ mất nhiều tiền để sửa lại.
Nhìn chung, hãy cố gắng mua chiếc xe mới nhất, đi ít nhất có thể trong tầm tiền của bạn. Bên cạnh đó, chỉ xem xe vào ban ngày và tránh buổi tối hay những hôm trời mưa. Việc thiếu ánh sáng trong những điều kiện thời tiết không thuận lợi sẽ gây khó khăn cho bạn trong việc phát hiện những vết sơn không hoàn hảo có thể là dấu hiệu của những vụ va chạm trước đó. Để chắc chắn hơn, hãy luôn đi cùng một người am hiểu về xe cộ và có kinh nghiệm mua bán xe cũ. Đó có thể là người thân, bạn bè hoặc một thợ sửa xe lành nghề bạn có thể nhờ cậy. Họ sẽ là người hỗ trợ đắc lực trong việc “soi” xe cho bạn và có thể phát hiện những lỗi mà bạn không ngờ tới nếu đi một mình.
Sau khi hoàn thành các bước trên, nếu ưng ý chiếc xe, bạn hãy yêu cầu được kiểm tra giấy tờ xe, bảo hiểm và sổ bảo dưỡng định kỳ. Kiểm tra thêm số VIN của xe để đảm bảo hơn về nguồn gốc và tính pháp lý của xe, giúp bạn yên tâm hơn khi lưu thông trên đường. Mỗi xe đều có một số VIN riêng, được hãng xe ghi lại những hỏng hóc nặng hay các đợt thu hồi. Ngoài ra, bạn cũng nên quan tâm đến việc người chủ cũ mua chiếc xe theo diện trả góp hay trả một lần để có phương án thanh toán thích hợp.
Cuối cùng, hãy lên xe và lái thử ít nhất 2 lần trên các cung đường khác nhau để đưa ra được những nhận định đúng đắn nhất về khả năng vận hành của chiếc xe. Quan trọng nhất trong bước thử xe đưa ra được các đánh giá về tình trạng máy móc, vận hành và xử lý tình huống của xe. Hãy bảo đảm rằng chiếc xe bạn đinh mua không bị rung vô lăng khi lái tốc độ cao, côn số ngọt khi tăng giảm số và không có tiếng va đập của kim loại trong lúc vận hành.
Nhìn chung, không bao giờ được vội vã khi lựa chọn mua xe hơi cũ, vì bản chất xe cũng chỉ hàng hoá. Hãy tự hỏi xem bản thân mình cần một chiếc xe như nào, khả năng tài chính đến đâu và các xe đang có đã đáp ứng được đến đâu các nhu cầu đã đặt ra.