VW thỏa hiệp với nạn ăn cắp mẫu mã của Trung Quốc
Vấn đề vi phạm bản quyền sở hữu trí tuệ đối với Trung Quốc, cho đến hiện tại đã trở thành điều “bình thường”. Đặc biệt trong ngành công nghiệp ô tô thì đã không còn gì là bí mật hay che đậy. Bởi các hiệu xe Trung Quốc đã xem việc sao chép kiểu dáng của các hiệu xe nước ngoài một cách rất công khai. Đến mức các hãng sản xuất ô tô nước ngoài hiện đang làm ăn tại thị trường Trung Quốc quá nản và thậm chí coi như đó là cái “giá” phải trả để tiếp tục hoạt động tại đây.
Vô số nhà sản xuất ô tô Trung Quốc đã từng bị bắt “quả tang” ăn cắp bản quyền mẫu mã và cả công nghệ của một hiệu xe khác quá nhiều lần. Cho dù có kiện cáo, điều đình kín bao nhiêu thì sự việc gần như chẳng hề thay đổi. Các nhà sản xuất ô tô phương Tây đã phải đặt vấn đề này lên bàn nghị sự quan yếu của họ, nhằm bảo vệ nguồn lợi nhuận khổng lồ mà họ đang thu được tại Trung Quốc. Gần đây nhất, tập đoàn Volkswagen đã có một thông báo dạng bán công khai cáo buộc nhà sản xuất ô tô Trung Quốc FAW, cũng đang là một đối tác liên doanh lâu năm của VW đã ăn cắp thiết kế của họ.
Theo một bài báo đăng trên tờ kinh tế Handelsblatt của Đức, VW cáo buộc nhà sản xuất FAW đã thực hiện những hành vi có “hệ thống và liên tục”. Để đánh cắp những mẫu thiết kế quan trọng nhất bao gồm cả động cơ và hộp số. Tuy nhiên, VW cũng than thở rằng họ chẳng có thể làm được gì để chống lại tình trạng này. Bài báo cho biết các nhà quản lý Volkswagen đã phát hiện ra FAW đã “ăn cắp” được cấu trúc thiết kế sản xuất kiểu hộp số MQ200 của họ, loại hộp số tiên tiến dùng để trang bị trên những dòng xe nhỏ như Polo. Dòng xe mà FAW đang tập trung đẩy mạnh nghiên cứu và chế tạo.
Đây cũng không phải là trường hợp đầu tiên các nhà sản xuất phương Tây phát hiện ra những thiệt hại thuộc loại này. Năm 2010, VW cũng phát hiện ra những bản thiết kế “nháp” của họ về kiểu động cơ EA 111 dành cho dòng xe 1.6 lít cũng đã không cánh mà bay.
Giám đốc điều hành VW, ông Martin Winterkorn thậm chí đã đưa ra những phàn nàn trực tiếp với FAW. Và vị chủ tịch Trung Quốc Xu Jianyi cũng có “xin lỗi”, giải thích rằng đó chỉ là một sai xót của viên kỹ sư có liên quan. Nhưng sau khi đưa ra lời xin lỗi, FAW sau đó đã xây dựng một nhà máy sản xuất ô tô ở Trường Xuân và sản xuất đúng kiểu xe đó!
Nhưng vấn đề không đi đến đâu với chuyện tranh cãi trắng đen trong các vụ vi phạm bản quyền. Bởi vì cũng chính từ nội bộ ban lãnh đạo VW đã thừa nhận sự “xuống nước” của họ với cách giải thích rất nhẹ nhàng. "Các vấn đề này chúng tôi cho rằng không nên đưa ra công khai quá. Điều này là không có lợi gì trong mối quan hệ hợp tác, dễ khiến cho lòng tin bị tổn hại”. Một lãnh đạo của VW đã nói với tờ báo như vậy.
Điều này cho thấy, VW hay kể cả vài hãng xe lớn khác không phải là họ không có khả năng để công khai chống lại nạn “ăn cắp” này. Nhưng thị trường Trung Quốc lại là mảnh đất làm ăn lớn nhất của họ, với kế hoạch tăng doanh số bán tới 4 triệu xe vào năm 2018. Thì có thể VW sẽ còn phải “ngậm bồ hòn” nhiều lần nữa.
Hiện tại, Trung Quốc là thị trường tiêu thụ xe lớn nhất của VW trên thế giới. VW đã bán được 2,26 triệu xe tại Trung Quốc trong năm 2011, doanh số đang tiếp tục tăng 15,6% với hơn 633.000 xe trong ba tháng đầu năm nay. Hai liên doanh Shanghai Volkswagen và FAW-Volkswagen sản xuất tổng cộng khoảng 50.000 xe, chưa kể các cụm hộp số, khung gầm và động cơ tại 10 nhà máy. VW dự định sẽ tiếp tục hợp tác chặt với 2 liên doanh Trung Quốc với khoản đầu tư tổng cộng lên đến 14 tỷ Euro vào năm 2016.
Còn về phía Trung Quốc, không phải là họ không biết đến những “trò xấu” của doanh nghiệp mình. Bởi tai tiếng của tệ nạn này đã đưa đất nước lên hàng đầu về tình trạng ăn cắp bản quyền và đứng thứ hai về tình trạng vi phạm quyền sở hữu trí tuệ trên thế giới. Ông Yan Xiaohong, phó Cục trưởng Cục bản quyền quốc gia cũng đã thừa nhận số lượng các vụ vi phạm bản quyền đã tăng gấp đôi so với 2 năm trước cộng lại… và ngày càng khó đối phó.
Nhưng có vẻ như họ đang cố tình “lờ” đi nhằm cố gắng tận dụng “mánh lới” bòn rút trí tuệ của người khác. Giúp nền kinh tế được hưởng lợi từ sự pha trộn giữa vốn và nhân công giá rẻ, ăn cắp quyền sở hữu trí tuệ… Nhưng nếu vẫn cứ tiếp tục như vậy, sớm muộn kinh tế Trung Quốc sẽ rơi vào "cái bẫy thu nhập trung bình", trì trệ và lạc hậu với hàng loạt sản phẩm có giá trị gia tăng thấp, mất tính cạnh tranh toàn cầu. Và tệ hại hơn, cả nền kinh tế nói chung sẽ phải đối mặt với nỗi lo sợ căng thẳng thường trực của kẻ “ăn cắp” luôn bị thế giới cảnh giác và xa lánh.