Việt Nam có thêm ‘kỷ lục thế giới’: Giá cước vận tải

Từ đầu năm đến nay, giá xăng dầu giảm liên tục, dù chưa tương xứng với đà xuống của thế giới song cước vận tải đường bộ cũng đã có thể giảm từ 5,6-8%, song đến nay giá cước vẫn chỉ giảm nhỏ giọt, thậm chí là không giảm. Bên cạnh đó, nếu tính trên thu nhập bình quân đầu người thì chi phí đi lại của người Việt thuộc diện cao nhất trên thế giới.

Tại cuộc tọa đàm về giá cước vận tải diễn ra vào chiều 13/11, Phó Chủ tịch chuyên trách Ủy ban ATGT Quốc gia, ông Khất Việt Hùng cho biết giá cước vận tải của Việt Nam thuộc diện thấp trung bình là 0,148 USD/tấn/km; ở Hàn Quốc là 0,766 USD/tấn/km. Tuy nhiên, nếu tính trên thu nhập bình quân đầu người thì giá cước vận tải ở Việt Nam cao gấp 3 lần Hàn Quốc. Thêm vào đó, chi phí vận tải ở Việt Nam chiếm 11,8% GDP trong khi Mỹ dưới 4,5%; Singapore 4,8%; EU 5,8%; Nhật 6%. Những số liệu này cho thấy chi phí vận tải ở nước ta đang quá cao. Nếu giảm được chi phí này sẽ giúp cải thiện sản xuất kinh doanh, đời sống xã hội.
 
Tuy nhiên, với mục đích hướng tới giảm giá cước vận tải đường bộ nhưng trong cuộc tọa đàm này lại không có bất kỳ doanh nghiệp vận tải đường bộ nào tham dự dù được mời. Lý giải điều này, Chủ tịch Hiệp hội Vận tải ôtô, ông Nguyễn Văn Thanh cho rằng có thể các doanh nghiệp “không dám tới” hoặc “không muốn đến” vì đang lo kê khai, chuẩn bị cho các cuộc thanh tra sắp tới. Trước đó, Bộ GTVT và Bộ Tài chính đã yêu cầu các doanh nghiệp vận tải giảm giá cước đồng thời sẽ tiến hành thanh kiểm tra việc kê khai giá của doanh nghiệp này.
 
Ngoài ra, tính từ đầu năm tới nay, tính trung bình giá xăng giảm 1,1%/tháng, giá dầu 1,6%/tháng. Với tỷ lệ giảm giá đó thì giá cước vận tải có thể điều chỉnh giảm khoảng 5,6-8%. Tuy nhiên, đã lên thì khó xuống. Đến nay mới chỉ có một vài doanh nghiệp rục rịch giảm giá cước một cách nhỏ giọt. Đến nay, chủ yếu là các hãng vận tải miền Nam thông báo giảm giá, trong khi các doanh nghiệp miền Bắc vẫn chần chừ. Tại TP.HCM có hơn 10 doanh nghiệp hoạt động vận tải tại Bến xe Miền Đông thông báo giảm giá cước. Về cước taxi, với hãng Mai Linh có điều chỉnh giảm tương ứng từ 300-2.000 đồng/km/tùy từng địa phương, taxi Group giảm 300 đồng...
 
Đánh giá về hiện tượng trên, ông Nguyễn Mạnh Hùng - Tổng thư ký Hội Tiêu chuẩn và Bảo vệ Người tiêu dùng Việt Nam (VINASTAS) - thừa nhận các công cụ quản lý giá vẫn chưa hữu hiệu. Lúc này, người tiêu dùng cần một hành động hơn là những lời giải thích suông, nói xong cũng chẳng có gì thay đổi.
 

Tin tổng hợp

otoxemay.vn