VAMA đòi các tỉnh áp lệ phí trước bạ 2% với xe pick-up
Hiện nay, với dòng xe bán tải do thành viên VAMA phân phối, có nơi thu lệ phí trước bạ (LPTB) 2% (Hà Nội) nhưng cũng có tỉnh thu 15% (Quảng Ninh). Cách hiểu khác nhau về Công văn số 2824 (BTC) đã dẫn đến các định nghĩa khác nhau cho kiểu xe pickup chở hàng, làm cho tỷ lệ thu LPTB chênh lệch lớn, gây khó khăn cho cả người mua và doanh nghiệp phân phối ôtô.
Tình trạng trên đã được Hiệp hội Các nhà sản xuất Ôtô Việt Nam (VAMA) phản ánh bằng công văn gửi tới các cơ quan báo chí. Cụ thể, theo VAMA, các mẫu xe bán tải (pick-up) như Toyota Hilux, Ford Ranger, Mitsubishi Triton, Isuzu D-Max... đang bị các tỉnh thành định nghĩa khác nhau về kiểu loại, dẫn đến việc áp dụng mức lệ phí trước bạ (LPTB) rất chênh lệch. Nếu như ở Hà Nội, Hải Phòng, Đà Nẵng…mức thu LPTB chỉ ở mức 2% (áp dụng cho xe tải) thì tại Tp.HCM và nhiều tỉnh thành khác, mức thu này áp theo Công văn số 2824 của BTC ra ngày 5/3/2012 là từ 10- 20% (LPTB của xe du lịch).
Mức thu LPTB quá khác biệt theo từng địa phương đã gây nhiều khó khăn cho cả người bán và người mua, bởi với loại xe bán tải giá bán thường dao động từ 400 - 600 triệu thì mức chênh lệch LPTB 13% sẽ tạo ra giá trị tuyệt đối từ 52 - 78 triệu đồng. Con số đó ảnh hưởng mạnh đến quyết định mua xe của các khách hàng tiềm năng, trong đó phần lớn là các doanh nghiệp cần mua xe phục vụ sản xuất, kinh doanh.
Để cải thiện tình hình, VAMA đã liên hệ và gửi Công văn tới các Chi cục thuế, Cục thuế các tỉnh/thành phố, Tổng Cục thuế và Bộ Tài Chính để trình bày về thực tế này. Đồng thời VAMA cũng bảo vệ luận điểm xe (nói trên) của họ phù hợp với các tiêu chí để xếp vào loại pick-up chở hàng - ôtô tải và được hưởng mức lệ phí trước bạ 2% (căn cứ theo TCVN 7271: 2003 về việc phân loại các phương tiện giao thông mà Cục Đăng kiểm lấy làm căn cứ xác định kiểu loại xe). Một bằng chứng giá trị mà VAMA đưa ra là bộ hồ sơ nhập khẩu, trong đó Đăng kiểm và Hải quan đã xác định kiểu loại xe là "Ôtô Tải" để áp mức thuế nhập khẩu 5% với dòng xe này. Với hồ sơ đăng kiểm nhập khẩu như vậy, lẽ ra các mẫu xe bán tải của VAMA phải tiếp tục được hưởng mức LPTB dành cho xe tải là 2% khi làm thủ tục đăng ký cấp biển số. Tuy nhiên, mới chỉ có 6 tỉnh thành gồm: Hà Nội, Hải Phòng, Quảng Ninh, Đà Nẵng, Đồng Nai và Bình Dương (thị xã Dĩ An) chấp nhận mức thu LPTB 2% với xe bán tải của VAMA. Các tỉnh thành còn lại vẫn từ chối áp dụng mức thu này vì cho rằng hướng dẫn theo các văn bản nói trên chưa đủ rõ ràng. Cụ thể, Công văn số 2824 của Bộ Tài chính hướng dẫn ngày 5/3/2012 có nêu rõ xe bán tải vừa chở người và chở hàng đều phải nộp LPTB như xe chở người dưới 10 chỗ.
Trích Công văn số 2824 của Bộ Tài chính nêu rõ xe bán tải vừa chở người
và chở hàng đều phải nộp LPTB như xe chở người dưới 10 chỗ
Như vậy, vấn đề nằm ở chỗ các văn bản quy định đang "lệch nhau", TCVN, Giấy chứng nhận chất lượng an toàn kỹ thuật do Cục Đăng kiểm cấp đang không đồng nhất với Công văn số 2824 về cách gọi xe tải, xe pick-up. Bất cập từ việc cho phép các tỉnh - thành tự quy định mức thu LPTB (dưới mức trần của chính phủ ban hành) là làm phát sinh vô số thông tư ngang hàng về LPTB với các mức thu chênh lệch đáng kể theo từng địa phương, cách xác định kiểu loại xe khác nhau dẫn đến khó giám sát kiểm tra, gây thất thoát ngân sách và khó khăn trong hoạt động mua bán ôtô.
Công bằng mà nói, trong khi VAMA nỗ lực chứng minh các mẫu pickup của họ là "Ôtô Tải" để được áp thuế nhập khẩu 5% và LPTB 2%, thì hiện nay các chủ xe và cả cảnh sát giao thông ở các đô thị đều ngầm hiểu đó là xe du lịch và mặc nhiên chấp nhận sự xuất hiện của chúng trên các tuyến đường cấm xe tải.
Trong bối cảnh căn bệnh tham nhũng, cửa quyền đang lan tràn hiện nay, các điều luật, quy định, thông tư... chồng chéo, mâu thuẫn, mập mờ đa nghĩa, không xác định nhiều yếu tố... thường bị các công chức quan liêu cố ý lý giải theo chiều hướng bất lợi với đối tượng áp dụng, gây khó dễ và o ép công dân phải tìm cách làm họ hài lòng thì mới được giải quyết thủ tục. Mà giả sử luật và các quy định đã được xây dựng hệ thống, khoa học, minh bạch, rõ ràng đến chi tiết... thì các "công bộc" vẫn cứ có cách phức tạp hoá vấn đề lên trên tầm hiểu biết của các công dân chất phác, hiền lành. Một Hiệp hội quy tụ toàn các Hãng sản xuất ôtô hùng mạnh đến từ Đức, Mỹ, Nhật, Hàn... như VAMA, với các chứng lý đầy đủ và sắc bén, mà còn gặp muôn trùng khó khăn khi tranh cãi về thuế với "công bộc". Thử hỏi những công dân oan ức, thấp cổ bé họng dám kỳ vọng gì?