Tranh cãi thủ tục, nhiều liên doanh ôtô bị dọa truy thu cả nghìn tỷ
Hiệp hội Các nhà sản xuất ôtô Việt Nam (VAMA) đang vội vã kiến nghị lên Chính phủ về việc một số liên doanh, trong đó có Toyota, Ford và Mitsubishi, có thể bị truy thu cả nghìn tỷ đồng tiền thuế.
Theo Hiệp định Thương mại hàng hoá ASEAN (ATIGA), để hưởng thuế nhập khẩu ưu đãi ở mức 0-5%, hàng hóa phải được nhập khẩu từ các nước ASEAN và có C/O mẫu D hợp lệ (tức là có hàm lượng giá trị sản xuất tại ASEAN từ 40% trở lên).
Ngày 17/8/2012, Tổng cục Hải quan ra công văn căn cứ trên các quy định xuất nhập khẩu của Bộ Tài chính cho biết muốn được hưởng ưu đãi thuế quan ATIGA, đơn vị nhập khẩu “phải nộp cho cơ quan hải quan nước nhập khẩu, tại thời điểm làm thủ tục hải quan, vận đơn chở suốt được cấp trên lãnh thổ của nước nhập khẩu”.
Từ lý lẽ này, Hải quan cho rằng các liên doanh ôtô nêu trên đã không có vận đơn chở suốt nên không thể hưởng thuế nhập khẩu ưu đãi, và do vậy đang dự tính truy thu cả ngàn tỷ đồng tiền thuế chênh lệch.
Trong công văn mới đây gửi Chính phủ và các cơ quan hữu trách, VAMA cho biết tại thời điểm mở tờ khai hải quan, các thành viên VAMA đã xuất trình C/O mẫu D và hồ sơ đầy đủ theo quy định về thủ tục hải quan và đã được chấp nhận. Điều này đồng nghĩa với việc được hưởng thuế nhập khẩu ưu đãi đặc biệt.
Về công văn nêu trên của hải quan, VAMA cho rằng theo Thông tư 21/2010/TT-BCT có quy định là ngoài các giấy tờ khác, thì để được hưởng ưu đãi thuế quan, tại thời điểm làm thủ tục nhập khẩu, người nhập khẩu phải nộp vận đơn chở suốt được cấp trên lãnh thổ của nước thành viên xuất khẩu khi được yêu cầu.
Theo VAMA, bản chất của vận đơn chở suốt phát hành tại nước xuất khẩu là căn cứ để chứng minh hàng hóa đã được vận chuyển trực tiếp từ nước xuất khẩu sang Việt Nam (không quá cảnh ở nước thứ ba) hoặc nếu quá cảnh thì vẫn nguyên số chì niêm phong như đã ghi trên vận đơn.
Do các thành viên VAMA sử dụng hình thức vận chuyển thẳng từ nước xuất khẩu sang Việt Nam, không quá cảnh tại nước thứ ba, nên không thuộc phạm vi điều chỉnh nêu trên và chỉ phải nộp vận đơn thông thường, kiến nghị nêu rõ.
Chống gian lận thuế là việc của hải quan, và những tranh cãi về các quy định giữa cơ quan nhà nước với doanh nghiệp không phải là chuyện hiếm. Tuy nhiên, từ việc này và nhiều sự kiện trước đó, có vẻ lúc này liên doanh ôtô đang là chỗ để cơ quan quản lý tăng thu cho ngân sách. Các ưu đãi đối với ngành ôtô cũng đang có nhiều dấu hiệu cho thấy sự thay đổi.