Tp.HCM phản đối tăng lệ phí trước bạ và thu phí ôtô

Ngày 17/02, đề xuất tăng phí trước bạ ôtô dưới 10 chỗ ngồi lên 20% của Sở GTVT đã bị Đại biểu HĐND TP.HCM phản bác. Các đại biểu cho cho rằng việc tăng lệ phí trước bạ không làm giảm tình hình ùn tắc giao thông mà còn có thể gây phản ứng bất lợi trong xã hội, do mức phí này vừa mới tăng lên 15% cách đây nửa tháng.

Trước đó, báo điện tử Vietnamnet phản ánh, ông Lê Toàn, Phó giám đốc Sở giao thông vận tải Tp.HCM đưa ra đề xuất tăng phí trước bạ lên 20% sau khi dẫn ra thực trạng số lượng phương tiện cá nhân tăng quá nhanh, trong khi tỷ lệ đất giao thông so với diện tích đất đô thị quá thấp. Tuy nhiên, đại biểu Dương Văn Nhân không tán thành đề xuất này, với lý do thành phố mới tăng mức lệ phí trước bạ từ 10% lên 15% vào ngày 01/01/2012.
 
Đồng thời, dự án thu phí ôtô đi vào trung tâm thành phố mà Sở GTVT đề xuất cũng bị đại biểu HĐND Nguyễn Hồng Hà phản đối với lý do cần có chuyên đề nghiên cứu riêng chứ không thể tiến hành vào thời điểm này. Theo bà Hà, khi thu phí ôtô vào trung tâm phải có đủ xe buýt chất lượng thay thế nhằm phục vụ nhu cầu đi lại của người dân. Hiện hệ thống xe buýt của thành phố chưa thể đáp ứng ứng được vì đã cũ mục, xả khói đen. Đó là chưa nói đến chính các điểm thu phí ôtô vào thành phố sẽ làm cho tình hình ùn tắc trở nên nghiêm trọng hơn.
 
Dù tình trạng ùn tắc giao thông chỉ thực sự diễn ra ở Hà Nội và Sài Gòn, nhưng từ đầu năm 2012, UBND hầu hết các tỉnh, thành phố trên cả nước đều đã quyết định tăng mức thu lệ phí trước bạ ôtô lên 10-15%. Ví dụ mới đây nhất là tỉnh Hà Nam, mặc dù ùn tắc giao thông không phải là vấn đề nổi cộm, vẫn tăng lệ phí trước bạ ôtô lên mức 15%.
 
Còn nhớ cách đây 9 năm, vào năm 2003 thành phố Hà Nội cũng đã áp dụng các quy định dừng đăng ký xe máy ở 4 quận nội thành, hạn chế sử dụng ôtô cá nhân bằng cách chỉ cho phép những đối tượng đã có chỗ để xe mới được đăng ký ôtô. Thủ đô cũng đã từng rất “kiên quyết” trả lại vỉa hè cho người đi bộ bằng các giải pháp hành chính như cấm treo, bày bán hàng hoá bên ngoài cửa hiệu và giải toả hàng rong, quy định giờ  hoạt động của nhà hàng, quán ăn...
 
Năm 2003, UBND Hà Nội cũng từng đề nghị sắp xếp lại giờ làm việc, thời gian lệch ca giữa các khối ngành từ 30 phút đến 1 giờ.
 
Những tiền lệ thất bại này cho thấy sự vô vọng trong tương lai của các giải pháp, quy định kiềm chế
phương tiện cá nhân và giảm ắc tắc giao thông hiện nay.
Thống kê của Bộ Xây dựng cho hay, mặc dù Tp.HCM đã quy hoạch tổng diện tích cho bến bãi đậu xe là 1.140ha, nhưng thực tế đến nay diện tích này chỉ khoảng 68ha.
Liên quan đến việc giải toả ùn tắc giao thông và đáp ứng nhu cầu gửi xe của nhân dân, từ năm 2004, UBND Tp.HCM đã chấp thuận chủ trương quy hoạch 8 vị trí xây dựng bãi đậu xe ngầm tại khu trung tâm quận 1. Các bãi đậu xe này khi hoàn thành sẽ làm nơi lưu đậu cùng lúc cho 8.000 ôtô và hơn 6.500 xe máy. Tuy nhiên, đến nay hầu hết các dự án đều đi vào bế tắc.
 
Phản ánh thực trạng hiện nay, hầu hết các ý kiến đánh giá việc tăng phí trước bạ ôtô lên 20% và xoá các bãi giữ xe như Hà Nội đang làm không phải biện pháp căn cơ cho vấn đề ùn tắc giao thông.
 
 

Tin tổng hợp

otoxemay.vn