Thương hiệu xe nội Trung Quốc ngã đau đớn

Những thương hiệu xe hơi nội địa Trung Quốc đang nằm dưới đáy trong thế giới ô tô, đó là những lời nhận xét mà nhiều chuyên gia Trung Quốc buộc phải rút ra khi ngay cả người dân trong nước cũng tỏ ra thờ ơ.

Ba thập kỷ sau khi Trung Quốc bắt đầu thực hiện quy định buộc các hãng ô tô nước ngoài hình thành liên doanh với các nhà sản xuất trong nước để từ đấy có cơ hội học hỏi, chính sách này giờ đã lộ rõ sự thất bại thảm hại khi dấu ấn nó mang lại hết sức nhạt nhòa. Trong khi chính sách đã mang lại công ăn việc làm cho hàng triệu người thì lại gần như không thể đóng góp tí nào cho việc xây dựng dù chỉ một thương hiệu được gọi là mạnh.
 
Liao Xionghui, phó chủ tịch của Lifan Industry Group phải cay đắng thừa nhận: “Chúng tôi đã cố gắng để tiếp cận thị trường trao đổi công nghệ, song không thể phủ nhận rằng chúng tôi chưa từng nắm được tí kỹ thuật nào ra hồn trong suốt 30 năm qua.”
 
Các xe mác Trung Quốc giờ đã mất đến 25% thị phần chỉ trong 2 năm qua khi người tiêu dùng giờ đây muốn GM, Volkswagen AG… chứ không phải bất cứ tên tuổi nào trong nước. Các chuyên gia dự đoán trong vòng 3 năm tới, Trung Quốc sẽ mất đi khoảng một nửa trong số 171 nhà sản xuất xe hơi nội, giờ chỉ chiếm 37% thị phần so với 49,2% hồi năm 2010, khi các thương hiệu nước ngoài sẽ tiếp tục công phá đến các thành phố nhỏ.
 
Chiếc Rolls-Royce Phantom 'made in China'
 
Sự thất bại của chính sách liên doanh là bởi Trung Quốc đã phát triển dựa trên sự phụ thuộc vào lợi nhuận từ sản xuất cho người nước ngoài, chứ không phải cho chính bản thân mình với một nét riêng đột phá. Không đối tác nước ngoài nào lại sẵn lòng chuyển giao công nghệ cho nước khác cũng như không một doanh nghiệp nhà nước nào thực sự để tấm đến vấn đề đó khi lúc nào cũng chỉ lo đến lượng tiêu thụ và tỉ lệ sử dụng cao.
 
Không thể phủ nhận rằng chính sách trên cũng phần nào tạo đà khởi sắc cho ngành công nghiệp ô tô ở Trung Quốc khi nước này trở thành một trong những thị trường tiêu thụ lớn nhất cho các loại xe mới từ năm 2009. Tuy nhiên, trong khi chỉ nêu ra con số các sự cố xe hơi đã giảm 30% thì người Trung Quốc lại quên mất rằng rằng tỷ lệ trục trặc của xe hơi nội địa vẫn vượt xa nước ngoài đến 75%.
 
Ngắm BYD S6 DM, người dùng dễ dàng nhận ra những nét hao hao
với Lexus RX và dòng xe Opel
 
Khi không thể sáng tạo ra điều gì hay ho hơn đối thủ, một số doanh nghiệp đã tính đến chuyện sao chép đã mang lại “danh tiếng” cho quốc gia này bấy lâu, đến mức vấn đề vi phạm bản quyền sở hữu trí tuệ đối với Trung Quốc cho đến nay đã trở thành “bình thường”. Không những thế, các nhà sản xuất ô tô nước này còn thông qua tuyển dụng nhân sự ngoại quốc, chứ không phải người Trung Quốc nào, để tạo nên xe hơi Trung Quốc. Công ty mẹ của BAIC hồi tháng tư đã thuê Leonardo Fioravanti, nhà thiết kế chiếc Ferrari Daytonam, làm trưởng phòng thiết kế. Brilliance China Automotive Holdings Ltd. chiêu mộ Dimitri Vicedomini của Pininfarina SpA. Great Wall Motor Co., một trong những nhà sản xuất ô tô tư nhân lớn nhất Trung Quốc, bổ nhiệm cựu chuyên gia thiết kế Mercedes-Benz, Andreas Deufel, làm giám đốc thiết kế hồi năm ngoái. Cùng với động thái này là công cuộc tìm kiếm cơ hội bành trướng ở thị trường nước ngoài cũng được đẩy mạnh. Tuy nhiên, mới đây, việc Úc cho thu hồi 23.000 xe Great Wall và Chery Automobile Co. đã dội gáo nước lạnh vào cái tham vọng đó.
 
Để vớt vát, Bộ Công nghiệp hồi tháng trước công bố sẽ thu hồi giấy phép sản xuất của các hãng xe chỉ sản xuất được dưới 1.000 phương tiện mỗi năm, trong hai năm liên tiếp, nhằm tạo cơ sở cho hoạt động thâu tóm và sáp nhập, hòng xóa bớt những thương hiệu nhỏ không mấy tên tuổi.
 
Tuy nhiên, ngay cả các ngôi sao nội cũng đang lâm vào thế khó. SAIC, Dongfeng và China FAW Group đều sút kém so với năm ngoái. SAIC đã đình chỉ việc sản xuất thương hiệu “Shanghai” vào năm 1991, và tập trung vào các dòng xe liên doanh còn 60% doanh số của Dongfeng thu được đến từ các thương hiệu hợp tác với nước ngoài.
 
Vậy là, giờ đây những chiêu từng giúp Trung Quốc đạt được thành công trong nhiều lĩnh vực như bóc lột nhân công giá rẻ, ăn cắp quyền sở hữu trí tuệ, vừa khua chiêng chống bán phá giá vừa thiết lập hàng rào bảo hộ trong nước… đã trở thành đòn “hồi mã thương” quật ngã nền công nghiệp ô tô Trung Quốc. Sự trì trệ, lạc hậu và tệ hại hơn là cái danh “ăn cắp” đã trở thành đối tác thân thiết và tạo nên cái nhìn đầy phản cảm ngay với cả người dân Trung Quốc đối với thương hiệu xe hơi nội địa.
 

Tin tổng hợp

otoxemay.vn