Thị trường ôtô, xe máy Việt Nam bị "thập diện mai phục"

Theo Tổng cục Thống kê, tháng 10/2012, sản xuất ôtô giảm 13,6 %, xe máy giảm 4,8%, sang tháng 11/2012 ngành hàng này vẫn bị tồn kho nhiều. Ngoài lý do kinh tế khó khăn, theo VAMA, nguyên nhân quan trọng khiến thị trường ôtô - xe máy suy giảm là lệ phí trước bạ (LPTB) và đăng ký xe tăng mạnh từ năm 2012. Thêm vào đó, các đề xuất về thuế, phí hạn chế xe cá nhân cũng khiến thị trường lo ngại.

Kinh tế khó khăn, người tiêu dùng thắt lưng buộc bụng, cắt giảm mạnh chi tiêu khiến lượng tiêu thụ ôtô, xe máy trong nước giảm rất mạnh. Lượng hàng tồn kho đạt mức kỷ lục. Năm 2012 có thể xem là một năm đặc biệt khó khăn cho ngành sản xuất kinh doanh ôtô xe máy và các ngành công nghiệp phụ trợ khác.
 
Ngày 10/12, VAMA thông báo, ngay cả khi nhu cầu mua ôtô đã gia tăng trong dịp cuối năm, tổng doanh số bán hàng của VAMA trong 11 tháng năm 2012 vẫn giảm 28% so với cùng kỳ năm ngoái. Con số này đã phản ánh thực trạng èo uột của ngành ôtô, xe máy trong cả năm 2012.

Nhìn lại cả năm 2012, nằm trong những lĩnh vực chịu ảnh hưởng nặng nề nhất do suy thoái kinh tế, các doanh nghiệp ngành ôtô, xe máy đang lao đao vì tồn kho quá lớn. Người tiêu dùng thắt chặt chi tiêu nên sản phẩm của ngành này không bán được. Số liệu thống kê sơ bộ từ Sở KH-ĐT Hà Nội cho biết, nhiều doanh nghiệp lớn đã phải cắt giảm đáng kể sản lượng bởi tồn kho lớn. Đơn cử, có thời điểm, Công ty CP Ô tô Xuân Kiên giảm tới 76%, Công ty CP Cơ khí chính xác số 1 giảm 32%, sản phẩm săm lốp ôtô của Công ty CP Cao su Sao Vàng giảm 25%, Công ty Ôtô 1-5 và Công ty Honda Việt Nam tồn kho hàng chục nghìn sản phẩm... 

Khảo sát tại một số showroom và cửa hàng xe máy trên các phố trung tâm Hà Nội cho thấy, dù đã bước vào mùa mua sắm đón tết, song lượng tiêu thụ tăng không đáng kể. Chị Hoàng Mai, nhân viên một cửa hàng xe máy lớn trên phố Huế (quận Hai Bà Trưng) cho biết: “Bình thường, giờ này năm ngoái, mỗi ngày cửa hàng bán ra hơn 100 xe nhưng nay chỉ bán ra được 40-50 chiếc/ngày. Tính ra, doanh số bán hàng giảm gần 50%”.

Bên cạnh kinh tế khó khăn, theo VAMA, một trong những nguyên nhân khiến thị trường ôtô, xe máy “teo tóp” là do mức thu lệ phí trước bạ (LPTB) và phí đăng ký tăng mạnh trên cả nước từ đầu năm 2012.
 
Thừa nhận thực tế này, TP.Hà Nội cho biết, sau khi tăng mức thu LPTB đối với ôtô chở người dưới 10 chỗ ngồi (từ 12% lên 20%), năm 2012, lượng ôtô đăng ký mới tại Hà Nội giảm rất nhiều so với các năm trước. Đại diện UBND TP.Hà Nội nói: “Bên cạnh tác động của suy thoái kinh tế làm ảnh hưởng đến sản xuất kinh doanh của các doanh nghiệp ôtô, việc tăng mức thu cũng đã góp phần đáng kể làm giảm lượng ôtô đăng ký mới trên địa bàn Hà Nội, làm giảm lưu lượng xe hoạt động tại TP, đặc biệt là xe dưới 10 chỗ”. Cụ thể: “Năm 2011, lượng ôtô đăng ký mới tăng 38% so với năm 2010 (tăng 10.414 xe). Trong khi đó, năm 2012, ước tính, lượng ôtô đăng ký mới chỉ khoảng 17.354 xe, bằng 46% năm 2011 (giảm 19.988 xe)!”. 

Ghi nhận việc sử dụng phương tiện không chính chủ ở Hà Nội còn phổ biến, UBND TP cho rằng, mức thu LPTB đối với trường hợp sang tên đổi chủ ôtô dưới 10 chỗ ngồi quy định tại Nghị định 45/NĐ-CP ở mức quá cao (từ 10% đến 20%). Tương tự, mức quy định tại Quyết định số 45/QĐ-UBND của UBND TP (đối với xe đăng ký lại là 12%) cũng khiến người sử dụng phương tiện né tránh làm thủ tục đăng ký lại. Để khắc phục vấn đề này, UBND TP đang chỉ đạo các ngành rà soát đánh giá để kiến nghị Chính phủ điều chỉnh mức thu phù hợp, khuyến khích người sử dụng đăng ký lại, để có thể quản lý tốt phương tiện giao thông trên địa bàn.

Đó cũng là nội dung kiến nghị mà VAMA gửi tới TP.Hà Nội. Ngành công nghiệp ôtô trong nước đang phải đối mặt với sụt giảm doanh số bán hàng chưa từng có, VAMA đề nghị Hà Nội xem xét giảm mức LPTB đối với ôtô chở người xuống mức thấp nhất là 10%, để giúp doanh nghiệp tháo gỡ khó khăn.
 
 
 

Tin tổng hợp

otoxemay.vn