Thị trường ôtô Việt Nam đạt 92 nghìn xe, thấp nhất trong vòng 5 năm
Kết quả bán hàng tháng 12 đã chốt lại một năm “vất vả” của thị trường ôtô Việt Nam. Mặc dù lượng xe bán tăng 4% so với tháng trước đó nhưng cũng chỉ giúp kết quả kinh doanh cả năm đạt mức 92.584 xe các loại.
Theo báo cáo mới công bố của Hiệp hội các Nhà sản xuất ôtô Việt Nam (VAMA), kết quả bán hàng của toàn thị trường trong tháng 12/2012 đạt 9.983 xe (bao gồm 3.858 xe con và 6.125 xe tải), tăng 4% so với tháng trước đó, trong đó lượng xe bán ra của riêng VAMA là 8.627 xe (tăng 16%). Tuy nhiên, tính tổng sản lượng bán hàng trên toàn thị trường năm vừa qua chỉ đạt 92.584 chiếc, giảm đến 33% so với năm 2011 và giảm về gần với mức của năm 2007.
Như vậy, giai đoạn leo dốc trong quý cuối của năm 2012 đã đúng như thông lệ truyền thống của thị trường và dự báo tiếp tục duy trì tăng trong tháng 1/2013, tháng trước Tết Quý Tỵ. Điểm lại “quãng ngắn mà vui” trong quý 4 năm 2012: tháng 10 thị trường bắt đầu hồi phục với mức tăng 4,1% so với tháng 9, tháng 11 tăng tiếp 16,2% và tháng 12 tăng nhẹ 4%. Vì chỉ được “tiếp sức” với mãi lực không quá lớn trong quý cuối năm trong khi thị trường ôtô Việt Nam 2012 có xuất phát điểm thấp nhất trong tháng 1 (chưa đến 5.000 xe) và lẹt đẹt “leo dốc” một cách chậm chạp, cả 3 quý chưa có tháng nào vượt ngưỡng 8.000 xe.
Tổng sản lượng bán hàng của toàn thị trường trong năm 2012
Nếu tính riêng mảng thị trường của riêng khối VAMA (chiếm khoảng 86% thị phần xe mới), mặc dù tổng lượng xe bán ra của năm chỉ đạt 80.487 xe, chỉ giảm 27% so với năm 2011. Tỷ lệ này vẫn thấp hơn so với mức giảm chung của toàn thị trường. Trong xu thế khó khăn chung của toàn thị trường, lượng xe du lịch vốn là mối quan tâm hàng đầu của người tiêu dùng có mức giảm lớn nhất 36% (đạt 26.074 xe), tiếp theo là xe đa dụng giảm 26% (đạt 16.956 xe) và cuối cùng là xe thương mại giảm 23% (đạt 35.528 xe).
Kết thúc năm 2012, cả thị trường vẫn chỉ có cuộc đua thứ hạng giữa 2 đại gia là Toyota và Trường Hải là nổi bật nhất. Mặc dù có theo sát Toyota và có vài tháng bứt phá (7 và 8) nhưng chung cuộc Trường Hải (bán được 24.001 xe) vẫn phải xếp sau Toyota (bán được 24.927 xe). Đáng chú ý là lượng tiêu thụ lớn của Trường Hải chủ yếu đến từ xe thương mại, trong khi đó thế mạnh của Toyota là xe du lịch, vì thế liên doanh Nhật Bản này nghiễm nhiên trở thành “không đối thủ” tại thị trường xe du lịch trong nước bởi các hãng xe tên tuổi khác cả năm vốn bán được chỉ vài ngàn xe (GM Việt Nam 5.613 xe, Ford 4.790 xe, Mercedes-Benz 1.929 xe, Honda 1.804 xe…).
Kết quả bán hàng tháng 12 của Vama
Nhìn chung, toàn bộ các thành viên của VAMA đều tăng trưởng âm, riêng Tổng công ty Máy động lực và Máy nông nghiệp Việt Nam (VEAM) đạt mức tăng trưởng 34% (bán được 1.881 xe) so với năm 2011. Trong số các hãng thế mạnh về xe du lịch, giảm mạnh nhất là GM Việt Nam (giảm 4.737 xe, -47%) và Ford với mức giảm 45% (giảm 3.907 xe), nhẹ nhàng nhất là Mercedes-Benz (-2%), giảm 49 xe so với năm 2011.
Kết quả trên mặc dù thiếu vắng thông tin chi tiết từ một số hãng xe bên lề khác như Audi, BMW, Renault, Nissan…nhưng cũng đủ cho thấy thị trường ôtô Việt Nam trong năm 2012 đã phải hứng chịu đòn “suy thoái” tổng lực khá nặng nề. Đầu tiên phải kể để suy thoái kinh tế góp phần tác động nhiều tới quyết định mua xe của người dân, sự ảnh hưởng này trông thấy rõ rệt nhất là ở các hãng bán nhiều xe có giá dưới 1 tỷ đồng như Ford và GM Việt Nam. Tiếp đến là việc tăng phí, thuế cùng với các loại thuế, phí mới được ban hành cũng góp phần giảm sức mua theo như nhận định của VAMA. Mặc dù thực tế mới chỉ có lệ phí trước bạ, cấp biển số tại một số tỉnh thành phố được điều chỉnh là ảnh hưởng cụ thể nhất nhưng cũng không thể quên rằng các tác động “tâm lý” như kế hoạch, dự kiến thu phí mới, tăng thu các loại phí/phạt trong giao thông cũng không hề nhỏ.
Kết quả bán hàng cả năm 2012 của Vama so với năm 2011
Điểm qua những khó khăn như vậy mới thấy thị trường ôtô trong nước quả là mỏng manh trước những cơn gió mạnh mẽ từ chính sách “thổi” không đoán trước được. Bước sang năm 2013, trước những luồng thông tin tích cực được các nhà làm chính sách có ý “cởi nút” như không thu phí hạn chế phương tiện cá nhân, giảm thuế trước bạ…, giới làm ôtô cũng “mạnh dạn” dự đoán tổng sản lượng bán hàng trên toàn thị trường ôtô Việt Nam sẽ đạt khoảng 100.000 xe trong năm 2013, tương đương mức tăng 8% so với năm 2012.