Sức mua quay trở lại, giới trẻ Mỹ chuộng ôtô Hàn Quốc
Lần đầu tiên kể từ năm 2007, thị trường ôtô Mỹ mới được chứng kiến giới trẻ tỏ ra hứng thú trở lại với niềm đam mê từng là giấc mơ của các thế hệ trước, khi việc sở hữu ô tô là một cách khẳng định địa vị xã hội và khả năng kinh tế. Tuy nhiên, niềm vui này lại không đến với các doanh nghiệp xe hơi nội địa mà lại là những cái tên Hàn Quốc.
Theo khảo sát của MTV Scratch, đơn vị trực thuộc tập đoàn truyền thông Viacom chuyên tư vấn về việc kết nối giữa thương hiệu với người tiêu dùng, khi 3.000 khách hàng sinh năm 1981 đến năm 2000 được hỏi về những “cái tên” họ quan tâm thì không một thương hiệu xe hơi nào lọt nổi vào top 10, thậm chí còn tụt xa với Google hay Nike.
Tuy nhiên, theo báo cáo được Polk công bố gần đây cho thấy, lượng khách hàng từ 18 đến 24 tuổi đã tăng trở lại sau nhiều năm sở hữu ôtô bị “hạ bậc” so với niềm vui khi có được chiếc iPad hay thú vui lên Facebook chat với bạn bè. Ngoài ra, người ta cũng ghi nhận được sự gia tăng của những khách hàng trong độ tuổi từ 25 đến 34. J.D. Power và Associates' Power Information Network nhận định “khách hàng trẻ tuổi đang quay trở lại thị trường với tốc độ nhanh hơn bất kỳ nhóm tuổi nào khác.”
Bảng khách hàng mua xe phân theo nhóm tuổi
Nhóm tuổi
|
% tính theo doanh số
|
Mức độ thay đổi so với năm 2011
|
18-24
|
0,85%
|
+0,14%
|
25-34
|
11,12%
|
+1,06%
|
35-44
|
22,84%
|
+ 1,26%
|
45-54
|
24,87%
|
- 1,35%
|
55-64
|
22,13%
|
- 0,89%
|
65-74
|
12,93%
|
- 0,29%
|
Trên 75
|
5,26%
|
+ 0,07%
|
Nguồn: Polk
|
Theo các chuyên gia, có ba yếu tố tác động đến xu hướng tiêu dùng mới trong giới trẻ Mỹ. Thứ nhất là nhờ các khoản cho vay mua ôtô trong nhóm tín dụng tiêu dùng đã được nới lỏng với thời gian cho vay có thể lên đến trên 6 năm cũng như quy định có phần bớt khắt khe hơn, mở rộng cơ hội tiếp cận với các khoản vay tiêu dùng vốn có phần co lại sau khủng hoảng cho vay dưới chuẩn. Những người thuộc nhóm tuổi 18-34 quan niệm rằng mua xe mới thuộc phân khúc giá rẻ với hình thức trả góp chi phí sẽ thấp hơn nhiều so với việc mua những chiếc ôtô cũ có giá vẫn còn khá cao. Một số chuyên gia ngân hàng cũng tuyên bố nhận thấy sự tăng trưởng các khoản vay dài hạn đối với nhóm tiêu dùng. Bên cạnh đó, với quyết tâm tạo hấp lực với giới trẻ, nhiều hãng xe đã đưa ra nhiều chương trình khuyến mại đánh trực tiếp vào nhu cầu của thanh niên.
Tuy nhiên, các thương hiệu xe hơi được thế hệ trẻ Mỹ đón nhận “nồng nhiệt” lại đến từ Hàn Quốc và châu Âu chứ không phải là Mỹ hay Nhật Bản. Ngay cả các chuyên gia nghiên cứu thị trường cũng tỏ ra hết sức ngạc nhiên. Xe Mỹ vẫn đang “hít khói” trên sân nhà nên điều này cũng đã nằm trong dự kiến, nhưng bất ngờ là những thương hiệu Nhật Bản lại có dấu hiệu mất điểm với giới trẻ Mỹ.
Nếu xét đến tâm lý tiêu dùng của thanh niên Mỹ thì điều này cũng không có gì là lạ. Giới kinh doanh ôtô của Mỹ có một châm ngôn nổi tiếng rằng “thanh niên thường muốn những thứ gì khác với cha mẹ họ”. Những năm thập niên 70, nước Mỹ đã chứng kiến sự bùng nổ của Toyota và Honda bởi một điều hết sức đơn giản, con cái không muốn những chiếc Chevy hay Ford mà bố mẹ chúng dùng. Đến giờ thì lịch sử bắt đầu lặp lại và trở thành thời cơ đưa Hyundai và KIA lên ngôi. Theo báo cáo của Polk, chỉ tính riêng xe đăng ký mới với nhóm tiêu dùng trẻ thì các hãng xe Hàn Quốc đã đạt mức tăng 11% so với 5% trong năm 2007. Tạm gác khủng hoảng nợ công ở châu Âu, các hãng xe mà chủ yếu Volkswagen cũng có thể mỉm cười với mức tăng 4% trong khi đối thủ bao gồm các đại gia Detroit sụt giảm 3%, nhưng đau đớn hơn cả là Nhật với mức giảm 6%.
Xu hướng quay trở lại của giới trẻ đã mở ra thông tin quan trọng đối với ngành sản xuất ôtô. Đó là khi đã tiệm cận được người dùng trẻ thì tốt hơn là nên tìm cách giữ chân họ, khơi dậy niềm đam mê bằng những mẫu xe đánh trúng vào tâm lý thay đổi theo từng giai đoạn tuổi tác hơn là “tìm cách chinh phục họ”. Một yếu tố đáng lưu tâm khác là trong khi các khoản vay dài hạn hỗ trợ tích cực cho kích cầu tiêu dùng xe hơi thì điều này cũng có thể biến thành con dao hai lưỡi trì hoãn người mua nhắm đến đợt mua tiếp theo trước khi hoàn thành nghĩa vụ trả nợ.