Sau Thông tư mới, vẫn cần thêm giải pháp cho “khủng hoảng” đăng kiểm
Trong vòng một năm trở lại đây, vấn đề đăng kiểm gây bức xúc cho người sở hữu ôtô tại Việt Nam do nhiều nguyên nhân như: quá tải dây chuyền đăng kiểm, các tiêu chuẩn đăng kiểm không hợp lý,…
Các vấn đề đăng kiểm gây khó khăn nhất cho chủ xe
Theo quy định hiện nay, đối với xe du lịch dưới 9 chỗ ngồi không kinh doanh mới xuất xưởng và trong vòng 7 năm đầu phải đăng kiểm sau mỗi 18 tháng. Đối với xe hoạt động từ 7 đến 12 năm đều phải đăng kiểm định kỳ sau mỗi 12 tháng. Và đối với xe đã hoạt động sau 12 năm cần phải đăng ký định kỳ sau mỗi 6 tháng. Như vậy với vòng đời 20 năm sử dụng, người dùng phải đăng kiểm 36 lần. Đây là điều bất hợp lý và gây lãng phí nguồn lực rất lớn cho cả xã hội.
Trong khi đó, theo PGS.TS Phạm Xuân Mai (chuyên ngành giao thông): “Nguyên nhân gây tai nạn ôtô chủ yếu là do người lái mất tập trung (94%), còn lại 6% là lỗi kỹ thuật xe, lỗi cơ sở hạ tầng và lỗi do các yếu tố khác. Như vậy an toàn giao thông chủ yếu do người vận hành, còn lỗi kỹ thuật xe là khá nhỏ. Vì thế quy định đăng kiểm cần được giảm thiểu hợp lý hơn để chủ xe không phải tốn kém quá nhiều thời gian và tiền bạc. Ngoài ra, với công nghệ tiên tiến và kỹ thuật ngày càng phát triển, các xe mới hầu như vận hành an toàn và bền bỉ trong 10 năm đầu, vì vậy chu kỳ đăng kiểm nên kéo dài thành 24 tháng trong 10 năm đầu và mỗi 12 tháng trong 10 năm tiếp theo”.
Tiếp theo là quy trình đăng kiểm chậm và rườm rà. Hiện nay lượng xe chờ đăng kiểm rất nhiều, do các nguyên nhân gồm: hiện tượng hối lộ (để không phải đưa xe đến đăng kiểm) hầu như đã bị chặn đứng, mỗi dây chuyền chỉ có thể đăng kiểm tối đa 70-90 xe mỗi ngày, quy trình đăng ký xe chậm và rườm rà, nhất là ở các thành phố lớn. Một chuyên gia ngành ôtô cho biết: “Quy trình kiểm định ôtô gồm hai giai đoạn: (1) kiểm tra, hoàn tất hồ sơ xe và (2) đóng phí kiểm định. Trong đó, giai đoạn kiểm tra xe có năm công đoạn, mỗi công đoạn lại chia ra nhiều hạng mục, tổng cộng khoảng 56 hạng mục, đòi hỏi nhiều thiết bị và nhân lực”.
Trạm đăng kiểm định gần trung tâm TP.HCM (đường Hồng Hà, quận Tân Bình), hiện nay chỉ có thể giải quyết khoảng 100xe/ngày, khiến các chủ xe phải tranh nhau đến rất sớm
Cả nước hiện có hơn 5 triệu ôtô đăng ký lưu hành, hàng năm khoảng 0,5-0,6 triệu xe đăng ký mới, trong khi số lượng trạm đăng kiểm không đáp ứng nhu cầu. Ví dụ, trạm đăng kiểm định gần trung tâm TP.HCM (đường Hồng Hà, quận Tân Bình), hiện nay chỉ có thể giải quyết khoảng 100xe/ngày, khiến các chủ xe phải tranh nhau đến rất sớm. Nếu không đưa xe đến trước 10 giờ sáng, chủ xe phải quay về vì cơ quan tạm ngừng nhận hồ sơ. Trung bình mỗi xe mất hơn 40 phút để hoàn tất thủ tục. Đó là chưa kể thời gian chuẩn bị hồ sơ hay nhận giấy hẹn sau đó ngày càng dài. Chủ xe thường phải đợi hàng tuần, thậm chí hàng tháng mới được đăng ký xe do thủ tục đòi hỏi nhiều giấy tờ liên quan. Một khách hàng vừa đăng kiểm xe tại Hồng Hà than phiền: “Giấy hẹn đến 3 tuần nữa trong khi mình sắp phải đi tỉnh công tác, mà xe thì còn 2 tuần nữa là hết hạn. Nhân viên đăng kiểm thấy ít quá!”.
Một chủ xe đưa xe đến đăng kiểm sau 10h sáng nên phải quay về vì trung tâm quá tải
Cơ sở dữ liệu lỗi thời cũng là một trong những vấn đề gây phiền toái không kém cho quá trình đăng kiểm. Hồ sơ phương tiện đăng ký thường không đầy đủ, chính xác, gây khó khăn cho cơ quan chức năng trong việc xác định, truy cập để tìm đúng xe đăng kiểm.
Cần thêm các giải pháp xóa bỏ sự quá tải trong đăng kiểm
Các cơ quan chức năng đã cải tiến hệ thống đăng ký, như đơn giản hóa thủ tục và số hóa hồ sơ, giúp quản lý tốt hơn cũng như rút ngắn thời gian khai báo, đăng ký hồ sơ cho chủ xe; cắt giảm một số yêu cầu đăng kiểm không cần thiết (ví dụ tông màu sơn xe, thay cản nhựa,…); huy động lực lượng đăng kiểm viên bên quân đội.
Bên cạnh đó, Cục Đăng kiểm Việt Nam ngày 22/3 đã ban hành Thông tư 02/2023 giúp hơn 3,2 triệu ôtô (trên tổng số hơn 5 triệu ôtô trên toàn quốc) được kéo dài thời gian tới lượt đăng kiểm thêm 6 tháng. Tuy nhiên, ông Nguyễn Tô An (Phó cục trưởng Cục Đăng kiểm) cho biết: Việc tăng thời hạn đăng kiểm theo Thông tư 02/2023 chỉ bắt đầu áp dụng cho những lần đăng kiểm mới. Đối với xe đã đăng kiểm trước thời điểm thông tư mới ban hành (tức là trước ngày 22/3/2023) thì vẫn áp dụng thời hạn đăng kiểm cũ ghi trên tem kiểm định. Sau đó, khi các xe này đến đăng kiểm lần tiếp theo thì mới được áp dụng giãn thời hạn đăng kiểm theo quy định của Thông tư 02/2023.
Như vậy, chủ của hơn 3,2 triệu ôtô đã đăng kiểm trước ngày 22/3/2023 vẫn phải đến đăng kiểm theo thời hạn không được giãn 6 tháng (theo Thông tư 16 trước đây). Do đó, trong thời gian sắp tới, vẫn sẽ diễn ra tình trạng hàng nghìn ôtô phải chờ đợi rất lâu tại các trung tâm đăng kiểm để tới lượt kiểm định.
Ước tính sau khi Thông tư 02/2023 có hiệu lực, lưu lượng xe chen chúc tại các trung tâm đăng kiểm giảm khoảng 550 nghìn xe, đây là lượng ôtô được mua trong năm 2022 và trong khoảng ba tháng đầu năm 2023 (tính đến trước ngày 22/3/2023 – là thời điểm mà Thông tư 02/2023 có hiệu lực thi hành) nên được miễn đăng kiểm lần đầu trong năm 2023.
Cơ quan chức năng cũng tạo điều kiện cho người mua xe mới (có năm sản xuất đến năm nộp hồ sơ đề nghị cấp Giấy chứng nhận kiểm định dưới 2 năm) chỉ cần mang hồ sơ đến trung tâm đăng kiểm đề nghị cấp giấy chứng nhận cho xe mới, mà không cần lái xe đến xét. Tuy nhiên, xe đang lưu hành nếu sắp hết hạn kiểm định thì bắt buộc chủ xe phải đưa xe đến đơn vị đăng kiểm để kiểm định và nhận giấy chứng nhận, tem kiểm định theo chu kỳ mới.
Tuy nhiên, vẫn cần một số giải pháp đột phá như chia sẻ công việc đăng kiểm cho các garage tư nhân đủ điều kiện kiểm định xe; giảm các tiêu chuẩn đăng kiểm không thiết yếu nhằm rút ngắn thời gian mỗi lượt xe vào kiểm định. Đồng thời, cần ứng dụng công nghệ thu thập dữ liệu (tự động từ nền tảng Internet, công nghệ trí tuệ nhân tạo - AI hay công nghệ dữ liệu lớn - Big Data) từ các nhà cung cấp phần mềm để thay thế giai đoạn làm các thủ tục hồ sơ đăng kiểm trực tuyến trước khi chủ xe đưa xe đi đến trạm đăng kiểm, giúp phân bổ lịch đăng kiểm chính xác, tiết kiệm 30 phút cho chủ xe.