Porsche buộc phải “rút chân” ra khỏi Iran

Porsche đã trở thành hãng sản xuất xe hơi quốc tế mới nhất ghi danh vào những hãng cắt đứt đường làm ăn với thị trường Iran dưới “sự vận động” của UANI trong chiến lược gia tăng áp lực lên Tehran với chương trình hạt nhân đang gây nhiều căng thẳng trên chính trường.

Liên minh chống Iran vũ trang hạt nhân (UANI) - một nhóm vận động tại Mỹ có lập trường thù địch với Iran - đã phát động chiến dịch từ năm 2010 sau khi phát hiện ra ngành công nghiệp chế tạo ô tô lớn mạnh ở nước này (đứng thứ 13 thế giới) nằm trong tầm khống chế của các thành viên dưới chính quyền Iran và Vệ binh Cách mạng Hồi giáo Iran (IRGC).
 
Mark Wallace, cựu Đại sứ Mỹ tại Liên hợp quốc, giờ là chủ tịch UANI, tuyên bố “Chúng tôi đã gửi thư tới chính quyền Iran rằng họ sẽ không thể tiến hành các hoạt động kinh tế như bình thường cho đến khi từ bỏ chương trình vũ khí hạt nhân và chấm dứt hành động tài trợ cho lực lượng khủng bố trên thế giới.”
 
Wallace cũng cho hay lĩnh vực sản xuất ô tô không chỉ trở thành “một nguồn thu khổng lồ” cho một chế độ nguy hiểm “tiếp tay cho khủng bố” mà còn là một phương thức giúp nước này tiếp cận các sản phẩm và công nghệ tiên tiến bên ngoài.
 
Dưới sự cấm vận nặng nề, ngành công nghiệp ô tô của Iran vẫn có những bước phát triển đáng kể, đưa nước này trở thành thị trường sản xuất xe hơi lớn nhất ở Trung Đông, với hơn 1,6 triệu xe xuất xưởng hồi năm ngoái. Đứng đầu là hai hãng Iran Khodro Group và Saipa Group, vốn là những nhánh trong Tổ chức phát triển và cải cách công nghiệp Iran (IDRO). Còn nhà sản xuất ô tô lớn thứ ba của Iran, Bahman Group, một nửa là thuộc sở hữu của IRGC.
 
Ngành công nghiệp ô tô của Iran, vốn có mối quan hệ kinh tế với các hãng Nissan, Fiat, Volvo và Peugeot, đã giải quyết việc làm cho hàng ngàn lao động và xuất khẩu sang hơn 30 nước trên thế giới. Theo báo cáo, Porsche, hôm thứ 6 đã quyết định “rút quân” ra khỏi Iran, chỉ trong vài tháng qua hãng đã bán được tổng số xe có trị giá 17 triệu USD - một con số không hề nhỏ giữa lúc thị trường xe hơi thế giới mới đang bắt đầu hửng sáng.
 
Bill de Blasio, một luật sư công của thành phố New York, khẳng định: “Không thể có được cả hai. Nếu làm ăn với Iran, hãy quên đi mối kinh doanh trên đất Mỹ, quên đi người tiêu dùng Mỹ, bởi người tiêu dùng Mỹ không chấp nhận các công ty ủng hộ cho chế độ nguy hiểm ở Iran.”
 
Bill de Blasio cũng tố thêm rằng chỉ có những chính khách trong hàng ngũ chính quyến Iran hay những đại gia ngành dầu mỏ mới có thể kham nổi những chiếc xe đắt giá như Porsche.
 
 
Porsche cố nhiên không phải là hãng duy nhất “nhận được sự quan tâm” này. UANI cũng đã hối thúc nhà sản xuất ô tô danh tiếng Pháp Renault và đối tác Nhật Bản Nissan rút mọi hoạt động kinh doanh khỏi Iran.
 
UANI cũng đã bóng gió tỏ ý quan ngại khi Nissan giành được hợp đồng trị giá 1 tỷ USD để phát triển một đội xe taxi mới tại thành phố New York, trong khi hãng vẫn qua lại và là “đối tác của chế độ đang là nhà nước tài trợ số một thế giới cho khủng bố, cũng như đã liên minh với Al-Qaeda”.
 
Khi được hỏi về tình hình kinh doanh ở Iran, phó chủ tịch truyền thông của Nissan viết trên tờ Fox News: “Nissan không bán xe ở Iran. Nhà sản xuất địa phương, Pars Khodro mới được cấp phép bán những chiếc xe đóng mác Nissan trên đất nước này. Đây là mối quan hệ kinh doanh quy mô giới hạn theo các quy định kiểm soát các nhà xuất khẩu của Mỹ cũng như các nước khác.”
 
Trước Nissan, một nhà sản xuất ô tô của Pháp là PSA Peugeot Citroen cũng đành phải dằn lòng rời khỏi Iran, thị trường tiêu thụ lớn thứ hai của hãng, dù cho một châu Âu ảm đạm đang khiến những chiếc xe mang thương hiệu sư tử này phải “khổ sở”.
 

Tin tổng hợp

otoxemay.vn