Phó Chủ tịch Ford Motor: Gia đình quan trọng nhất
Ngày 26/10 vừa qua, Phó Chủ tịch Tập đoàn Ford Motor – Joe Hinrichs đã đến Hà Nội trong chuyến đi thị sát định kỳ các khu vực thị trường của mình. Trong bổi gặp gỡ ngắn với báo giới Việt Nam, ông này đưa ra một nhận định xác đáng: “Vấn đề của ngành công nghiệp và thị trường ôtô Việt Nam là sự thiếu ổn định về chính sách”. Ở cương vị của Joe Hinrichs, chỉ cần một đánh giá ngắn gọn và tổng quát như vậy về thị trường ôtô Việt Nam là đủ. Tạp chí ÔtôXeMáy Việt Nam xin giới thiệu bài phỏng vấn độc quyền với Joe Hinrichs, cuộc trò chuyện ngắn được định hướng bởi một góc nhìn khác về con người bên trong nhân vật đã, đang và sẽ tiếp tục làm thay đổi cục diện ngành công nghiệp ôtô thế giới này.
Joe Hinrichs sinh năm 1966 tại thành phố Columbus, (Ohio, Mỹ). Ông tốt nghiệp Đại học Dayton năm 1989, chuyên ngành Kỹ thuật điện tử và hoàn thành khoa học thạc sỹ tại Harvard vào năm 1994. Ông vào làm việc tại Ford Motor từ năm 2000 và hiện là Phó chủ tịch Tập đoàn Ford Motor, Chủ tịch Ford khu vực Châu Á – Thái Bình Dương và Châu Phi, Chủ tịch kiêm Giám đốc điều hành Ford Trung Quốc.
Ngoài ra, Joe Hinrichs còn là Chủ tịch Ban Điều hành, Hội đồng kinh doanh Mỹ-Trung. Ông cũng là thành viên Ban Quản Trị của trường Đại học Dayton. Bên cạnh đó, Hinrichs còn tích cực tham gia vào các chiến dịch từ thiện. Ông là đồng chủ tịch của tổ chức March of Dimes từ năm 2006-2009, đồng chủ tịch Quỹ Ford vì Bệnh nhân tiểu đường vị thành niên vào các năm 2008 và 2009, đồng chủ tịch danh dự của Quỹ Viêm khớp bang Michigan, Chủ tịch điều hành của các chương trình Hướng đạo sinh tại Bắc Mỹ từ năm 2007-2009.
Năm 2008, Joe Hinrichs nhận Giải thưởng Manufacturing Leadership của Quỹ Shien-Ming Wu. Cũng trong năm này, ông cũng được vinh danh là Automotive News All Star. Năm 2010, Hinrichs được trao danh hiệu Cố vấn đầu tư danh dự của Chính phủ Thái Lan.
Hiện nay, Joe Hinrichs là 1 trong 2 ứng cử viên hàng đầu vào vị trí Tổng giám đốc Tập đoàn Ford Motor sau khi ông Alan Mulally nghỉ hưu vào năm 2013.
|
Rời trường đại học với tấm bằng kỹ thuật điện tử nhưng ông lại đầu quân cho một hãng ôtô là GM. Đây là quyết định ngẫu nhiên hay dự định từ trước? Có lý do nào về phía gia đình, hay quan hệ định hướng cho ông vào ngành này?
Hai năm cuối ở Đại học, tôi nhận được học bổng của GM (General Motor - PV) cho các sinh viên chuyên ngành kỹ thuật xuất sắc nhất. Và tôi được nhận vào thực tập tại GM trong các mùa hè giữa các năm học cuối đó. Những kinh nghiệm làm việc đầu tiên này đã làm nảy sinh sự hứng thú lớn của tôi
với ngành công nghiệp ôtô. Đó chính là lý do tôi chọn sản xuất ôtô làm nghề nghiệp cho mình sau này.
với ngành công nghiệp ôtô. Đó chính là lý do tôi chọn sản xuất ôtô làm nghề nghiệp cho mình sau này.
Chỉ trong vòng 10 năm (2000-2010) ông đã nhanh chóng thăng tiến qua tất cả các vị trí quan trọng ở Ford Motor và được bổ nhiệm các chức vụ hiện nay. Phẩm chất nào đã giúp ông đi suốt lộ trình thành công đó? Nếu ở một công ty gia đình có nguồn gốc Á Đông, lộ trình thăng tiến của ông gần như bất khả thi nếu không có sự nâng đỡ từ những thế lực lớn trong Hội đồng Quản trị, ở Ford Motor ông có nhận được loại "sức kéo" đó không?
Tôi không nghĩ là mình nhận được “sức kéo” nào từ ai. Điều may mắn cho tôi là đã có cơ hội làm việc cùng với rất nhiều con người tuyệt vời. Và điều quan trọng nhất để tạo nên sự thành công cho các vị trí lãnh đạo là khả năng tập hợp nhân tài thành một Đội – một Tập thể - làm việc cùng nhau và làm việc tốt hơn bất kỳ một cá nhân đơn lẻ nào. Đó cũng là hoạt động xây dựng nền tảng mà chúng tôi luôn dành thời gian và công sức để thực hiện tại Ford – tìm kiếm các nhân tài, tập hợp thành một đội để làm việc cùng nhau một cách tốt hơn, hiệu quả hơn. Cá nhân tôi đã rất may mắn được làm việc trong những Đội như thế.
Đạt đến điểm hiện nay trong sự nghiệp, ông may mắn khi được phục vụ Ford và hay Ford may mắn khi có ông?
Vâng, cá nhân tôi nghĩ rằng mình cực kỳ may mắn được làm việc cho Ford – và đặc biệt 6 năm vừa qua được làm việc trực tiếp cùng Alan Mulally. Tôi rất trân trọng cơ may này. Còn Ford có may mắn với tôi hay không – chắc bạn phải hỏi Ford! (cười lớn).
Xin được tò mò một chút, ông có thể kể ra vài mối quan tâm riêng hoặc sở thích (ôtô, gia đình, thể thao, du lịch...). Quan điểm cá nhân của ông về kiếm tiền, tiêu tiền và hạnh phúc?
Tôi rất thích tập thể dục hàng ngày. Với cường độ công việc, đặc thù phải liên tục di chuyển và tham dự các sự kiện quan trọng, việc giữ gìn sức khỏe là rất cần thiết.
Nhưng điều quan trọng nhất trong cuộc đời tôi là Gia Đình. Tôi đã kết hôn được 22 năm và có 3 con. Vì thế, mỗi lúc về Mỹ, tôi đều dành hết thời gian có thể của mình để ở cùng gia đình, tham dự các sự kiện thể thao và các sự kiện ở trường của các con tôi.
Tôi cũng rất thích đi du lịch. Với đặc thù công việc toàn cầu, tôi có khả năng đến rất nhiều nơi – và tôi thấy rất thú vị khi được quan sát và trải nghiệm những điều mới. Thật tuyệt!
Tôi có một chiếc Ford GT Sport – đó là chiếc xe tôi yêu thích nhất.
Hạnh phúc đối với tôi là thời gian ở bên gia đình của mình. Đồng thời, tôi cũng luôn cảm nhận được hạnh phú dâng lên khi nhìn thấy những nụ cười vui vẻ, niềm tự hào và phấn khích trên gương mặt của các nhân viên Ford khi họ vượt qua trở ngại và đạt được những thành công mà chính họ là một phần trong đó.
Về tiền bạc ư? (cười) Bạn càng kiếm nhiều thì lại càng tiêu nhiều mà thôi. Không có tiền tất nhiên là có vấn đề, nhưng tiền bạc không mang lại hạnh phúc. Tôi nghĩ là tình yêu gia đình, sự say mê với công việc mình yêu thích – đó mới là những động lực mang lại hạnh phúc trong suốt hành trình của cuộc đời mình.
Cuối cùng, ông sẽ thay Alan Mulally chứ? Và sau đó, vẫn còn rất sớm và trẻ, ông muốn làm gì tiếp?
Một điều rõ ràng là Ford và mỗi cá nhân chúng tôi cực kỳ may mắn vì đã được gặp gỡ và làm việc cùng Alan Mulally. Và Alan vẫn đang là CEO của Tập đoàn Ford Motor. Và chúng tôi vẫn cùng nhau giữ vững kế hoạch One Ford của mình và rất quyết tâm và phấn khởi để cùng nhau đưa Ford tiến xa hơn.
Tiến xa cùng với một thương hiệu lớn và niềm đam mê nghề nghiệp là loại kế hoạch không có giới hạn, vì vậy tôi không nghĩ rằng mình còn muốn điều gì khác.
Xin cám ơn ông!