Phạt tiền ôtô mua bán chưa sang tên: bắt cóc bỏ đĩa

Theo luật, sau khi mua, bán xe, chủ phương tiện phải đăng ký và làm thủ tục sang tên, chuyển quyền sở hữu. Người đã bán xe phải gửi thông báo đến cơ quan đăng ký, quản lý phương tiện. Những trường hợp không tuân thủ quy định này sẽ bị cảnh sát xử phạt theo Nghị định 71 của Chính phủ, hiệu lực từ ngày 10/11/2012. Cụ thể, với ôtô mức phạt từ 6-10 triệu đồng, với xe máy sẽ phạt 1 triệu đồng.

Thượng tá Tạ Văn Ký - Phó Phòng CSGT Hà Nội cho biết, hiện nay CATP ghi nhận đăng ký, quản lý 4,8 triệu phương tiện xe cơ giới đường bộ, trong đó có trên 459 nghìn ôtô và hơn 4,4 triệu xe máy. Tuy nhiên, qua kiểm tra đơn vị đã phát hiện rất nhiều chủ phương tiện mua, bán ôtô, xe máy mà chưa làm thủ tục sang tên, chuyển quyền sở hữu theo quy định. Hiện trạng này làm thất thu thuế của Nhà nước và gây khó khăn cho hoạt động quản lý, điều tra giải quyết các vụ án hình sự, TNGT cũng như xử lý vi phạm hành chính về trật tự ATGT.
 
Pháp luật hiện hành quy định, các chủ phương tiện sau khi mua, bán phương tiện xong phải đến cơ quan đăng ký, quản lý phương tiện làm thủ tục sang tên, chuyển quyền sở hữu. Đối với những chủ phương tiện khi bán xe xong phải có thông báo gửi đến cơ quan đăng ký, quản lý phương tiện biết để xử lý, tái phân loại hồ sơ đăng ký. Những trường hợp không thực hiện việc chuyển quyền sở hữu phương tiện hoặc làm thủ tục đăng ký mới sẽ bị xử phạt theo Nghị định 71 của Chính phủ bắt đầu có hiệu lực từ ngày 10/11. Cụ thể, mức phạt đối với ôtô từ 6-10 triệu đồng, với xe máy phạt 1 triệu đồng.

Hiện nay, các Phòng CSGT, đơn vị, đang chỉ đạo CBCS trong quá trình tuần tra, kiểm soát ngoài đường và ở những cơ sở đăng ký, quản lý phương tiện, tập trung tăng cường phát hiện, lập biên bản xử lý nghiêm các trường hợp vi phạm.
 
Thực chất, từ lâu pháp luật đã có quy định về việc phải sang tên đổi chủ khi mua bán phương tiện đã qua sử dụng, thậm chí in thông tin này ngay mặt sau giấy đăng ký xe. Nhưng thị trường xe cũ vẫn làm ngơ hoặc lách qua luật này với lý do xe thì chỉ có 1 chủ, nhưng không thể ngăn cấm nhiều người có quyền sử dụng nó. Trước mặt CSGT, người ta viện ra lý do xe của vợ/chồng, của anh chị em hoặc bố mẹ để giải thích việc lái xe không phải là chính chủ, những lý do này rất khó kiểm chứng ngay. Ở mức độ đối phó cao hơn, người bán xe cũ sẽ làm cho người mua một giấy uỷ quyền sử dụng phương tiện có dấu công chứng, thế là vẫn có thể dùng đăng ký xe cũ mà CSGT không bắt bẻ được.
 
Tình trạng đối phó, luồn lách, không tuân thủ pháp luật rất phổ biến ở Việt Nam, diễn ra trong mọi lĩnh vực, thậm chí hoành hành cả trong lĩnh vực hành pháp và tư pháp. Một trong các lý do quan trọng dẫn đến tệ nạn này là chất lượng soạn thảo các văn bản pháp luật (hoạt động lập pháp nói chung) còn rất thấp, hệ thống văn bản dưới luật (quy định, thông tư, nghị quyết...) quá rườm rà, chồng chéo, mâu thuẫn, thậm chí không phù hợp với Luật và Hiến Pháp hiện hành. Để cải thiện tình trạng này, hệ thống lập pháp và Quốc hội Việt Nam sẽ cần có thêm rất nhiều thời gian, công sức... và trình độ.
 
 

Tin tổng hợp

otoxemay.vn