Opel muốn có 10% thị phần ở Đức
Mặc dù vật lộn với khó khăn do sức tiêu thụ xe tại Đức giảm mạnh, Opel vẫn đặt ra một mục tiêu được cho là quá sức khi muốn chiếm 10% thị phần nội địa. Trước đó Opel đã bị cáo buộc dùng thủ thuật để làm đẹp báo cáo bán hàng.
Ngày 6/6, bà Imelda Labbe, Giám đốc bán hàng của Opel tại Đức, nói rằng: “Các model chuẩn bị ra mắt sẽ cho phép chúng tôi chiếm lĩnh thị phần nơi Opel đã không còn hiện diện. Sau đó chúng tôi sẽ đưa ra thị trường thêm những sản phẩm cần thiết nhằm mục tiêu giành 10% thị phần trong trung và dài hạn.”
Những số liệu cho thấy lượng xe Opel được đăng ký trong tháng 5 đã giảm 11% so với cùng kỳ năm ngoái xuống mức 23.000 chiếc trong bối cảnh thị trường Đức sụt giảm 4,8%, theo Viện giao thông liên bang KBA của Đức. Tổng lượng xe bán ra của hãng này trong 5 tháng đầu năm 2012 đã giảm 10% còn 96.400 chiếc.
Bà Imelda Labbe cũng khẳng định rằng xu hướng giảm đã dừng lại và tháng 5 là tháng bán hàng tốt đối với Opel. Các số liệu chính thức cũng cho thấy thị phần trong tháng 5 tăng 7,9% so với tháng 4 và nhãn hiệu này đang mong đợi sẽ còn tăng nữa. Dù vậy, sự suy yếu trong một thời gian dài của Opel là cơ hội để các đối thủ ở Đức củng cố sức mạnh. VW đã nắm giữ 22% thị phần tại Đức. Tất cả ba thương hiệu hạng sang còn lại đều có thị phần cao hơn Opel – BMW chiếm 9,9%, Mercedes 9,2% và Audi 8,8% trong tháng 5.
Mặc dù đã giành được 2 giải thưởng quan trọng “European Car of the Year” với chiếc Insignia (2009) và Ampera (2012), Opel không cải thiện được kết quả bán hàng cũng như những mục tiêu nâng hạng xa hơn. Những nỗ lực của GM cũng không có tác dụng hỗ trợ đáng kể.
Trong khi đặt mục tiêu tham vọng về bán hàng nhưng Opel lại chuẩn bị cắt giảm hàng ngàn việc làm. Ngày 28/6 tới, CEO của Opel Karl-Friedrich Stracke sẽ công bố một kế hoạch kinh doanh dài hạn trong đó yêu cầu đóng cửa nhà máy sản xuất của hãng ở Bochum, Đức.
Opel cũng đã bác bỏ các nguồn tin cho rằng công ty đang chơi trò dối trá trong bán hàng. Theo một tuyên bố của Trung tâm nghiên cứu xe hơi CAR ở Duisburg, Đức, nhiều xe Opel được đăng ký dưới tên của công ty hoặc các đại lý nhằm “làm đẹp” số liệu bán hàng. Rất nhiều chiếc xe loại này sau đó được bán lại như xe cũ với mức giảm giá lớn. Do đó nếu đánh giá chính xác, thị phần của Opel trong 4 tháng đầu năm 2012 chỉ chiếm 5,8% mà thôi.
Để theo đuổi những mục tiêu sắp tới, Opel sẽ tung ra một số mẫu xe mới để giúp hãng thúc đẩy bán hàng. Opel Mokka sẽ được bán từ tháng 10 như chiếc mini SUV đầu tiên được chế tạo bởi một nhãn hiệu Đức. Đầu năm tới chiếc Opel Adam sẽ ra mắt các đại lý và chỉ ngay sau đó hãng xe này sẽ giới thiệu thêm một chiếc mui trần mới.
Chiếc minivanZafira Tourer mới cũng sẽ đóng một vai trò quan trọng. Trong 4 tháng đầu năm, Opel gần như đã tăng gấp đôi thị phần trên phân khúc minivan tại Đức lên 20% nhờ mẫu xe này. Tháng 9 /2012, phiên bản Astra sedan cũng chính thức được bán ra thị trường nhằm thúc đẩy doanh số.
Opel là một nhà sản xuất xe hơi được thành lập bởi Adam Opel năm 1862 với trụ sở đặt tại Rüsselsheim, Đức. Opel đã trở thành một công ty con của GM từ năm 1931. Do tình hình kinh doanh không hiệu quả, GMsuýt bán đi Opel vào năm 2009, nhưng ông Girsky (lúc đó là thành viên Hội đồng Quản trị, chưa phải là Phó Chủ tịch) đã phản đối với lý do là các cơ sở thiết kế và kỹ thuật của Opel đóng vai trò then chốt trong công nghệ tiết kiệm năng lượng và là linh hồn của những mẫu xe đẹp nhất của GM.
Nếu bán Opel thì những công nghệ này sẽ lọt vào tay đối thủ và
làm giảm khả năng cạnh tranh toàn cầu của GM. Năm 2010, Opel đã công bố khoản đầu tư 11 tỷ euro trong thời gian 5 năm trong đó dành riêng 1 tỷ euro để phát triển những động cơ và hộp số tiết kiệm nhiên liệu.
Mặc dù mức thua lỗ của Opel dự kiến sẽ còn trầm trọng hơn trong năm nay, nhưng Girsky vẫn tin rằng giữ lại Opel là quyết định đúng đắn. Và giờ ông phải chứng minh điều đó với các cổ đông và giới phân tích đang rất hoài nghi. Liệu những kế hoạch sắp tới có thể giúp Opel cải thiện tình tình kinh doanh bết bát như hiện nay.