Nhiều doanh nghiệp vận tải cứ xin tăng giá
Việc xăng giảm giá kỷ lục khiến Bộ Tài chính nhiều lần có văn bản yêu cầu các doanh nghiệp điều chỉnh giá cước vận tải đồng thời tiến hành kiểm tra ở các doanh nghiệp kinh doanh vận tải. Thế nhưng trong thời điểm hiện tại lại có nhiều doanh nghiệp vận tải đòi tăng 20-60%.
Tại bến xe phía Nam (Hà Nội) đã có 2 bộ hồ sơ tăng giá cước của DN. Công ty TNHH Hiền Phước đã kê khai mức giá gần đây tăng dao động từ 20-60% tùy thời điểm và bắt đầu áp dụng từ ngày 30/1/2015. Chẳng hạn như chiều Sài Gòn – Hà Nội, giá vé sẽ tăng từ 880.000 đồng/khách lên 1.408.000 đồng/người áp dụng từ 10-19/2, chiều ngược lại giữ nguyên. Sau Tết Nguyên đán từ 19-25/2 thì lại tăng chiều Hà Nội-Sài Gòn từ 880.000 đồng lên 1.408.000 đồng/khách.
Theo đại diện đơn vị này thì nguyên nhân là do trước Tết âm lịch, lượng khách đi lại chiều vào Sài Gòn giảm nhiều, doanh thu không đù bắp được chi phí. Để nâng cao chất lượng phục vụ hành khách, đơn vị đã đầu tư lô xe mới khiến chi phí khấu hao và chi phí cố định khác tăng theo. Chính vì doanh thu không đủ bù đắp nổi chi phí rỗng chiều ngược lại nên phải tăng giá cước. Tương tự, với cùng những lý do trên, Công ty TNHH Dịch vụ Vận tải và Thương mại Hùng Thắng (tuyến Hà Nội – Thanh Hóa) cũng tăng 40% giá vé (từ 80.000 đồng-112.000 đồng/khách). Mức giá này sẽ có hiệu lực từ ngày 8-28/2.
Không chỉ tại bến xe phía Nam mà phương án tăng giá cũng được các DN tại bến xe Nước Ngầm gửi lên cơ quan chức năng. Cụ thể, Công ty TNHH Chín Nghĩa tăng giá vé chiều Hà Nội-Quảng Ngãi từ 350.000 đồng/khách lên 490.000 đồng/khách (tăng 40% từ ngày 19-21/2); HTX xe khách Trung Nam tăng giá lần lượt từ 20-60% tùy vào từng thời điểm.
Trong 6 tháng qua, trong khi giá xăng liên tục giảm mạnh (từ 25.640 đồng/lít xuống còn 15.670 đồng/lít) thì giá cước vận tải mãi mới chịu giảm, nhưng cũng chỉ giảm nhỏ giọt. Đến nay, giá xăng đã giảm xuống 39% nhưng giá cước taxi cũng chỉ giảm 3-9% còn doanh nghiệp vận tải hành khách thì lại xin tăng giá vé với những lý do muôn thưở khiến người dân vẫn chịu nhiều thiệt thòi trong việc đi lại. Nguyên nhân xin tăng giá cước cũng không hoàn toàn vô lý. Nhưng điều đáng nói là mức tăng lại tương đương như khoảng thời gian trước khi giá xăng giảm liên tục thì thực sự rất khó thuyết phục. Nhất là khi thời gian qua, các doanh nghiệp lại chần chừ việc giảm giá cước đi lại trong ngày thường. Âu cũng bởi người dân khó tìm được phương tiện thay thế, khi vận tải đường sắt thì eo hẹp, hàng không thì đắt đỏ còn đường thủy hầu như chỉ dùng để chở hàng.